Masaru Wasami bắt đầu làm việc bán thời gian tại một cửa hàng rau củ từ năm 12 tuổi để đỡ đần người mẹ ốm yếu của mình trong trận chiến với bệnh lao. Ba năm sau, ông nghỉ học để làm việc toàn thời gian nhằm kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Năm 1970, ông bắt đầu với một chiếc xe tải nhỏ duy nhất và chỉ vài năm sau đó, công ty Maruwa Unyu Kikan Co. của ông đã có hơn 100 chiếc xe và tạo ra loại xe giao hàng hiện đang xử lý mảng logistics cho các chuỗi nhà thuốc và siêu thị trên khắp Nhật Bản.
Thời điểm hiện tại, Wasami đã trở thành tỷ phú USD, một phần không nhỏ là nhờ Amazon, tập đoàn đã hợp tác với công ty của ông năm 2017 để quản lý dịch vụ giao hàng trong ngày tại Nhật.
Masaru Wasami.
Nhớ lại lúc nảy ra ý tưởng kinh doanh vận tải, ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: "Tôi mất ngủ cả đêm. Đầu ngày hôm đó, tôi cùng một người bạn nhận được một số kiện hàng từ nhà máy sợi và rất bức xúc bởi sự cẩu thả của nhân viên xử lý bưu kiện. Vài tháng sau, tôi bắt đầu giao hàng bằng xe tải của mình".
Wasami (74 tuổi) được đánh giá là có tầm nhìn với cơ hội thành công cao trong thỏa thuận với Amazon. Quan hệ đối tác của ông với nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới đã giúp cổ phiếu Maruwa Unyu Kikan tăng vọt, tăng hơn gấp đôi trong năm nay. Việc sở hữu gần 60% cổ phần công ty đã giúp ông trở thành tỷ phú với tài sản khoảng 1 tỷ USD theo thống kê của Bloomberg.
Theo một chuyên gia, doanh thu của Maruwa Unyu Kikan sẽ tiếp tục tăng trong trung và dài hạn khi Amazon và ông lớn thương mại điện tử của Nhật – Rakuten đang tìm cách hợp tác chặt chẽ hơn với các công ty chuyển phát như Maruwa để giao hàng trong ngày.
Sự trỗi dậy của Amazon và những gã khổng lồ thương mại điện tử khác đã tạo ra sự giàu có cho nhiều cá nhân trong vài thập kỷ qua. Người sáng lập Amazon, Jeff Bezos hiện là người giàu nhất hành tinh với khối tài sản trị giá 107 tỷ USD. Jack Ma – ông chủ của Alibaba là người giàu nhất Trung Quốc trong khi hai nhà đồng sáng lập Flipkart cũng trở thành tỷ phú vào năm ngoái.
Maruwa phát triển nhanh chóng sau khi Yamato Holdings Co., một trong những hãng vận chuyển bưu kiện lớn nhất Nhật Bản rút khỏi việc cung cấp giao hàng trong ngày cho Amazon để giảm bớt gánh nặng cho lực lượng lao động của mình. Điều đó đã khiến Amazon chuyển sang các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân khác để đẩy mạnh mở rộng tại Nhật Bản – thị trường thương mại điện tử lớn thứ tư trên thế giới, nơi vẫn còn nhiều cơ hội phát triển.
Theo Bloomberg, thương mại điện tử chỉ chiếm 6,2% trong số các giao dịch bán lẻ tại đất nước mặt trời mọc trong năm ngoái so với 18% của Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn, Wasami cho biết: "Chúng tôi đã đề nghị Amazon hợp tác với Maruwa để đảm nhận dịch vụ giao hàng trong ngày của họ trong nhiều năm. Tôi đã thuyết phục rằng họ có thể tin tưởng vào chúng tôi".
Tuy nhu cầu giao hàng tăng là lợi ích cho những công ty như Maruwa nhưng nó cũng đi kèm với chi phí cao hơn đồng thời gây thiệt hại cho nhân sự.
Năm 2017, Yamato đã tăng tỷ lệ giao hàng lần đầu tiên sau gần ba thập kỷ trong bối cảnh thiết hụt lao động và tăng khối lượng vận chuyển từ các nhà bán lẻ thương mại điện tử. Tháng trước, công ty này đã đề xuất một đợt tăng giá khác ngay trước đợt thăng thuế tiêu thụ mới tại Nhật.
Trong khi đó, Maruwa đã không đàm phán tăng giá với Amazon cũng như hứa hẹn mức lương cạnh tranh cho tài xế của công ty. Họ có thể kiếm được khoảng 7,2 triệu yên (khoảng 67.000 USD) mỗi năm bằng cách giao hơn 150 kiện hàng mỗi ngày.
Doanh thu của Maruwa đã tăng 15% lên 85,6 tỷ yên trong năm tài chính kết thúc ngày 31/3 vừa qua. Dịch vụ logistics cho các nhà bán lẻ thực phẩm vẫn là hoạt động kinh doanh lớn nhất của công ty nhưng thương mại điện tử giờ đây đã chiếm hơn 1/3 doanh thu, tăng từ 24% trong năm 2017.
Dù đã thành công và trở thành tỷ phú, Wasami vẫn chưa thực sự hài lòng và luôn cho rằng ông chưa làm hết sức mình. Dẫu sao, với việc từng là một cậu bé phải nghỉ học để trang trải cuộc sống đến tỷ phú tự thân, ông đã trở thành một tấm gương sáng cho giới trẻ về tinh thần nỗ lực vươn lên làm giàu.