Muốn di chuyển, không thể đi máy bay; khi cưới không thể có giấy đăng ký kết hôn; lúc sinh con không thể ghi tên mình vào giấy khai sinh; ngày mua nhà không thể điền tên trong sổ đỏ; túng thiếu không thể vay ngân hàng…, người đàn ông ấy đã bị đánh cắp cuộc đời suốt 37 năm, dù ông chưa một ngày tù tội.
Đó là chân dung bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi (68 tuổi, Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ), một người lẽ ra đã có một tương lai cực kỳ tươi sáng…
Nhà báo Thanh An đã có cuộc trò chuyện với cựu quân nhân Nguyễn Ngọc Lợi sau khi ông được Giám đốc Đại học Thái Nguyên GS.TS Phạm Hồng Quang cam kết sẽ đốc thúc trường Đại học Y - Dược nhanh chóng giải quyết đền bù thiệt hại đã gây ra với ông trong tháng 7/2021 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Thanh An: Điều đầu tiên tôi rất muốn biết thưa ông, việc ông bị giấu hay như ông nói là bị chiếm giữ trái phép hồ sơ, giấy tờ từ suốt 32 năm trời, đã ảnh hưởng đến ông như thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Lợi: Thực tế tôi bị trường Đại học Y Bắc Thái (nay là trường đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên) giấu và chiếm giữ trái phép 57 loại giấy tờ liên quan đến bản thân suốt 37 năm trời chứ không phải 32 năm như mọi người vẫn nghĩ.
Việc không có hồ sơ đã gây ra những hệ lụy kinh khủng.
Khi không có hồ sơ, giấy tờ đương nhiên về nhân thân của tôi đang rất rõ ràng bỗng chốc rơi vào trạng thái mập mờ. Ra ngoài xã hội bị kỳ thị như một người lang thang, mất cả một đời lao động nghề nghiệp. Tự nhiên mất đi quyền tiếp cận với các dịch vụ công ích của xã hội.
Ví dụ, không có chứng minh thư nhân dân và hộ khẩu thì đừng nói đến những chuyện như vay tiền ngân hàng, và đương nhiên việc rất đơn giản đối với người khác là đi máy bay, cũng đừng bao giờ mơ đến. Thậm chí những quyền cơ bản của một con người như lấy vợ cũng không thể đăng ký kết hôn. Sinh con ra không ai chấp nhận ghi tên tôi vào giấy khai sinh của con. Anh em đồng đội cũ thương hoàn cảnh bị oan sai, gom góp mỗi người một ít mua cho tôi căn nhà cũng không thể làm sổ đỏ.
Đặc biệt, tôi mất đi cả những ước mơ cống hiến lớn lao, những thời cơ thăng tiến trong sự nghiệp. Bởi vì lúc đó tôi đã đầy đủ tiêu chuẩn để làm luận án tiến sĩ. Lại thêm việc vốn là cán bộ B thuộc diện được ưu tiên tối đa trong bố trí công việc thì mọi việc đều rộng mở.
Thanh An: Điều đó tác động cụ thể đến cuộc sống của ông ra sao?
Ông Nguyễn Ngọc Lợi: Ối giời ơi, tôi nói bạn nghe, nghèo đến mức không có cả gạo ăn.
Ngày đi học ở trường là tôi đã được hưởng lương, nhưng chỉ vì nhà trường giấu mất hồ sơ nên bị cắt lương, không có tem phiếu. Thời kỳ bao cấp mất sổ gạo rồi thì lấy gì ăn? Bố tôi mất sớm, đồng lương bộ đội của tôi lúc ấy đang nuôi mẹ ở quê cũng bị cắt hết.
Năm 1987 tôi từ Thái Nguyên về Hà Nội sống trong căn hộ được nhà nước phân ở phố Đặng Dung. Ngày này qua tháng nọ cứ phải xuống cửa hàng cơm dưới phố xin cơm cháy. Nói dối người ta về chữa bệnh dạ dày nhưng kỳ thực phơi trên cửa sổ cho khô, tích lại được cả túi bóng to. Sáng sớm lấy ra gõ gõ thành vụn, đun cùng nước sôi cho tí đường vào ăn để đến Bạch Mai làm luận án tiến sĩ.
Rồi những ngày quay trở lại trường chờ lấy bằng tốt nghiệp, mình suốt ngày đi đào ao thuê. Trên đó là đất sỏi, tay cầm xà beng đào trớt hết cả da. Tối về người ta trả công bằng một giành sắn. Sắn Thái Nguyên trồng ở đồi cao củ bé tý, toàn xương. Lắm lúc anh em bộ đội đến thăm còn bảo: "Ông ăn mía à?"
Thanh An: Đang có một tương lai rất rộng mở trước mắt, nhưng bị tước đoạt mất chỉ vì ông dám đứng lên đấu tranh với hành vi sai trái. Ông có tức không?
Ông Nguyễn Ngọc Lợi: Tức chứ! Nói thật với bạn, không chỉ tức mà còn uất ức.
Nhiều lúc trong cùng cực, muốn nghĩ quẩn - giả sử như mình chết! Nói thật bạn, lúc ấy tôi không sợ chết tý nào. Đã có vợ con gì đâu mà sợ. Thế là nghĩ dại, một là tự thiêu; hai là đi trả thù những người đó. Vì nghĩ chết là hết!
Nhưng nếu chết, tôi thân là bộ đội, lại được Chính phủ cử đi học... chết trong trường hợp này nghĩa là cơ quan bị mang tiếng. Thôi! Tốt nhất mình không làm.
Hơn nữa, trong suốt chặng đường khiếu kiện vừa qua dù rất căng thẳng. Hy vọng có, thất vọng có, đau khổ có nhưng chưa một lần tôi gây phiền hà đến bất kỳ cơ quan nào.
Sau cùng tôi không chết còn chính nhờ bởi vì bác Vũ Tuấn - Phó Ban Bảo vệ chính trị nội bộ ngày ấy sang nhà, thấy cảnh sống của tôi, bác rất bức xúc. "Họ loại anh ra khỏi biên chế, đẩy ra xã hội không khác gì đi tù ngoài đời hòng cướp cuộc đời của anh. Không thể như thế được! Đảng và Nhà nước không bao giờ bỏ rơi anh. Tôi chịu trách nhiệm về vấn đề này. Tôi sẽ kiến nghị trực tiếp với Trung ương Đảng..."
Bác ấy bảo vậy, và tôi luôn tin vào điều đó.
Thanh An: Những gì đã xảy ra sau kiến nghị trực tiếp đó thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Lợi: Ba nhiệm kỳ Thủ tướng liên tiếp đều rất quan tâm chỉ đạo giải quyết vụ việc của tôi.
Bác Khải dù rất thương tôi, chỉ đạo đến từng bộ phận cụ thể giải quyết nhưng câu trả lời về với Thủ tướng vẫn luôn là "Chưa tìm thấy!"
Trường đại học Y - Dược luôn trả lời đã chuyển hồ sơ của ông Nguyễn Ngọc Lợi về Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, nên trường hết trách nhiệm. Phía Phú Thọ lại bảo, đúng rồi, trưởng phòng tổ chức cán bộ cũ của Sở có ký nhận hồ sơ của ông Lợi. Nhưng quá trình tách tỉnh Vĩnh Phú thành Vĩnh Phúc và Phú Thọ dẫn đến không biết hồ sơ mất ở đâu cả. "Vì thế ông Lợi cứ đợi bao giờ tìm thấy chúng tôi sẽ trả lời".
Tôi đi đi lại lại giữa Thái Nguyên, Phú Thọ và Hà Nội suốt 36 năm trời, qua đến 3 nhiệm kỳ Thủ tướng Chính phủ, 5 nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ Y tế, 7 nhiệm kỳ giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú (nay là sở Y tế Phú Thọ) đều chỉ nhận được câu trả lời: "Chưa tìm thấy!"
Mãi cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời khiếu kiện - năm thứ 37, ngày 31/12/2020, trong cuộc làm việc giữa Thanh tra Sở Y tế Phú Thọ với trường đại học Y Thái Nguyên, nhà trường mới chính thức thừa nhận đang giữ 11 loại giấy tờ gốc của tôi. Sau đó, trong Báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường lại khẳng định đang giữ 35 loại giấy tờ. Cuối cùng, khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc thì buộc trường công nhận đang giữ 57 loại, đồng thời thừa nhận toàn bộ các tài liệu của tôi, Trường vẫn giữ bao nhiêu năm và chưa từng chuyển đến bất kỳ cơ quan nào.
May mà khi chưa tìm thấy hồ sơ, tôi vẫn được những quý nhân phù trợ.
Năm 2014, sau khi biết chuyện chứng minh thư cũ của tôi hết hạn và bị thu hồi, bác Khải đã có việc làm đặc biệt: Ra Hà Nội, trực tiếp gặp Chủ tịch thành phố bảo lãnh dứt điểm để tôi nhập được hộ khẩu thường trú, làm được chứng minh thư.
Hồi đó bác bảo: "Với tư cách nguyên Thủ tướng Chính phủ tôi chịu trách nhiệm đảm bảo đây là lỗi của hệ thống hành chính chúng ta. Chúng ta có khuyết điểm làm mất hồ sơ của dân lại còn hành dân thì không phải là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Trong chuyện này, chúng ta nhất định không để người dân phải chịu thiệt thòi".
Ngày tôi nhận được chứng minh thư, bác Khải vui mừng: "Tôi giải quyết cho cậu xong vấn đề nguồn gốc chứ nếu không cậu là một người dân bị vô thừa nhận". Còn chuyện tìm lại giấy tờ đến giờ phút ấy vẫn chưa ra, bác Khải không yên tâm chút nào nên đã trực tiếp dẫn tôi đến gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bác Dũng tiếp tận nhà và bảo: "Tôi biết cậu, chuyện này đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nắm rõ hơn vậy tôi sẽ chuyển để đồng chí xử lý".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo: "Vụ việc này phải làm nghiêm, đúng đắn". Nhưng vì các cơ quan đùn đẩy, nên vụ này từ khi bác làm Phó Thủ tướng cho đến khi là Thủ tướng rồi chuyển sang Chủ tịch nước mới giải quyết xong. Lúc ấy mới bắt đầu tìm được hồ sơ gốc để rồi xoay chuyển cục diện và giải quyết trọn vẹn. Đấy, Thủ tướng cũng phải sống và làm việc theo pháp luật là như thế đấy. Biết rõ mười mươi ông Nguyễn Ngọc Lợi tình ngay lý gian rồi nhưng dứt khoát phải tìm thấy bằng chứng.
Thanh An: Một trường Đại học có thể qua mặt được rất nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra của rất nhiều cấp, nhiều bộ ngành suốt bao nhiêu năm?
Ông Nguyễn Ngọc Lợi: Bởi vì nguyên tắc để giải quyết vấn đề là phải tìm cho ra cơ quan nào chịu trách nhiệm về hồ sơ của tôi. Trong khi đó, hồ sơ cán bộ lại được coi là tài liệu Mật, họ bàn giao thế nào tôi không được biết. Họ chỉ cần thoái thác, đẩy trách nhiệm sang cho đơn vị khác. Đẩy qua đẩy lại, không ai chịu ai. Tôi là người yếu thế ở giữa, mãi mãi không thể có cơ hội biết được hồ sơ của mình còn hay mất. Còn thì ở đâu và mất cũng ở đâu, mình không thể biết nổi.
Thanh An: Đầu mối nào đã tìm ra được hồ sơ gốc rồi xoay chuyển cục diện và giải quyết trọn vẹn vụ kiện 37 năm thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Lợi: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng "Một người ở bất kỳ vị trí nào mà làm sai thì chúng tôi cũng không bênh vực. Một người dân yếu thế bị oan sai, chúng tôi cũng không bỏ rơi…Chúng ta có những vụ việc kéo dài như vậy, có đáng không? Cái gì đúng thì phải bảo vệ, cái gì sai phải đấu tranh".
Thủ tướng vừa nói xong thì ngày 28/7/2020, Bộ GD&ĐT gửi công văn số 607/BC-BGD&ĐT báo cáo lên Thủ tướng về kết quả kiểm tra, xác minh, xem xét đơn kiến nghị của tôi. Nội dung chính của công văn có hai điểm.
Thứ nhất, Bộ này khẳng định không có cơ sở để kết luận trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên giữ hồ sơ gốc của tôi. Do đó việc tôi yêu cầu trường trả hồ sơ gốc là không có cơ sở. Mặc dù thời điểm đó, cả hai chủ thể là trường Đại học Y - Dược và Sở Y tế Phú Thọ đều đã cùng công nhận tìm thấy hồ sơ gốc của tôi đang được giữ ở trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên.
Thứ hai, Bộ GD&ĐT đề xuất Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo tới tôi để chấm dứt việc viết đơn thư không có cơ sở gửi tới nhiều cấp và cơ quan báo chí.
Nhưng cá nhân tôi luôn tin câu nói của Thủ tướng là hoàn toàn đúng.
Bởi vì đến ngày 10/10/2020 tôi nhận được Công văn số 8509/VPCP-V.I của Văn phòng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT rà soát lại vụ việc khiếu nại và kiến nghị của tôi. Văn bản đó đã ghi, tôi nhớ rất rõ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình: "Đề xuất biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật, có lý có tình, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân".
Từ quyết định giao nhiệm vụ này, cơ quan Thanh tra Chính phủ đã tổ chức công việc và hoàn thành kết quả vượt cả sự mong đợi của chính Văn phòng Chính phủ.
Ở đây, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến 3 con người cụ thể. Họ chỉ là những công chức bình thường thôi nhưng đã nhận nhiệm vụ và thực hiện nhiệm vụ với trọn vẹn tâm thế của người công chức tử tế nhất, chuyên nghiệp nhất. Chính nhờ những con người này mà "một người dân yếu thế bị oan sai" như tôi, cuối cùng cũng đã hiểu được cảm giác hạnh phúc như thế nào khi "không bị bỏ rơi".
Thanh An: Họ đã làm những công việc gì và làm như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Lợi: Ngày đầu tiên tiếp xúc với các thanh tra viên trong Tổ công tác được giao nhiệm vụ, bạn biết như thế nào không?
Lần đầu tiên trong suốt 37 năm đi khiếu kiện, họ ngồi nghe tôi nói từ 8 giờ sáng đến 3 giờ 30 phút chiều mới xong biên bản ghi nhận ý kiến. Chưa có đoàn thanh tra nào tôi từng gặp chịu lắng nghe tôi như những người này.
Tôi nói nhiều, lắm lúc để câu chuyện đi xa trọng tâm vì bị cảm xúc chi phối nhưng họ vẫn kiên trì và khéo léo dẫn tôi quay về với nội dung chính. Quá giờ trưa hôm đó, muốn mời các anh chị ấy ra ngoài ăn bữa cơm thì họ chỉ xuống nhà bếp cơ quan rồi lại còn mời tôi suất cơm trưa.
Chị Dung (bà Nguyễn Hồng Dung, thành viên tổ kiểm tra, rà soát của Thanh tra Chính phủ - PV) là một nữ công chức rất đặc biệt. Hồi ấy là vào mùa đông, sau mấy lần làm việc thấy tôi đi mãi đôi tất cũ, mặc mãi cái áo cũ bạc màu, chị ấy đã mua cho tôi hẳn mấy đôi tất và một cái áo.
Những lần cùng các thành viên trong tổ rà soát, kiểm tra đi đến nhiều nơi để xác minh và tìm thêm tài liệu ở Trường ĐH Y - Dược Thái Nguyên, Bộ GD&ĐT cho đến Trung tâm Lưu trữ quốc gia III... ngoài việc tự bỏ tiền xe, họ còn "bao" tôi cả tiền ăn uống. Mọi người lại góp tiền cùng nhau đóng học phí cho con tôi đang học đại học năm thứ ba. Vì họ biết tôi phải nghỉ việc cả mấy tháng để đeo theo vụ khiếu nại nên lo không nổi.
Những điều này kể lại chỉ để bạn hiểu rằng, đó là những con người làm việc bằng trọn vẹn trái tim. Họ đa phần đều còn trẻ, sinh ra sau chiến tranh nhưng lại rất thấu hiểu những đau khổ, thiệt thòi của thế hệ đi trước. Điều đó làm tôi cảm thấy ấm áp. Vì đời tôi mấy khi được quan tâm như vậy.
Thanh An: Nhưng tôi quan tâm tới câu chuyện nghiệp vụ để tìm ra bộ hồ sơ gốc của ông kìa. Họ giải quyết như thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Lợi: Tính từ khi Thanh tra Chính phủ có quyết định về việc kiểm tra, rà soát lại vụ việc và thành lập tổ kiểm tra, rà soát cho đến ngày hoàn thành công việc, họ chỉ làm trong đúng 15 ngày là ra kết quả.
Tổng thời gian từ lúc Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát lại, lấy ý kiến tham gia của các Bộ, ngành cho đến khi báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, rồi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo đồng ý với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ chỉ mất đúng 2 tháng rưỡi.
Nhân tố quyết định trong việc thúc đẩy tốc độ và chất lượng công việc phải kể đến anh Nguyễn Mạnh Cường - Thanh tra viên cao cấp, tổ trưởng của tổ kiểm tra, rà soát.
Oái oăm thay, ngay từ hồi đầu mới tiếp xúc với Cường, tôi không tin anh ấy đâu. Vì trẻ quá. Tôi lo khi vào hội đồng phản biện, đối diện với rất nhiều Giáo sư nọ, Tiến sĩ kia... người ta sẽ "át vía" anh mất thôi. Nhưng đến khi có cơ hội quan sát anh ấy làm việc với các bên liên quan thì từng ngày làm việc, từng phương pháp, từng lập luận, từng căn cứ pháp lý anh đưa ra để chứng minh, để đối thoại, để khai thác tài liệu, để kết luận vấn đề... Tôi hiểu, anh Cường là ví dụ điển hình cho khái niệm về những người được gọi là "tinh thông nghiệp vụ".
Bên cạnh đó người công chức này luôn có thái độ làm việc quyết liệt, hết mình. Nếu cần thiết, anh ấy sẵn sàng liên hệ với rất nhiều cơ quan để thu thập cho bằng được tài liệu, văn bản gốc có giá trị pháp lý... Thời gian thực hiện công việc của anh Cường có thể là bất cứ lúc nào chứ không dừng lại ở 8 tiếng đồng hồ theo luật định. Nhiều hôm 1 - 2 giờ sáng anh vẫn ngồi tra cứu, đối chiếu tài liệu làm cơ sở để viết cho bằng xong Dự thảo. Chỗ nào cần làm rõ, anh ấy nhắn tin hoặc gọi luôn cho tôi.
Hồ sơ anh Cường làm hoàn thiện đến mức, khi Thanh tra Chính phủ lấy ý kiến của các bên... chẳng đơn vị nào có ý kiến phản bác lại. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT vừa bác đơn của tôi hồi tháng 7/2020, lúc này cũng phải hoàn toàn đồng ý. Một phần vì căn cứ pháp lý đưa ra đúng quá, chẳng còn gì phản biện được nữa. Một phần vì anh Cường yêu cầu nếu có ý kiến khác thì phải cung cấp bằng chứng đi kèm.
Thanh An: Ông hài lòng với những nội dung Thanh tra Chính phủ thông báo về vụ việc của mình lần này chứ?
Ông Nguyễn Ngọc Lợi: Tôi như người đã bị án tử hình, hôm nay được sống lại. Tôi là người từng không được công nhận quyền làm cha cho đến tận ngày con 18 tuổi mới ghi được tên vào giấy khai sinh. Tôi là người đã mất quyền công dân nay được nhập hộ khẩu, đưa vào danh sách Người có công. Quyền lợi vật chất được phục hồi rất quý nhưng lớn nhất là danh dự của tôi đã được trả lại...
Điều tôi hạnh phúc hơn cả là khi vấn đề của tôi được giải quyết dứt điểm cũng đồng nghĩa với việc, cơ quan thanh tra Chính phủ đã góp phần chấm dứt được thứ - như các đại biểu Quốc hội từng gọi tên - "công nghệ đùn đẩy" trong bộ máy hành chính công.
Đồng thời chứng minh cho nhân dân thấy được trong chế độ của chúng ta dù có là một người dân yếu thế đến đâu chăng nữa vẫn luôn được Đảng và Nhà nước bảo vệ, được báo chí lên tiếng.
Thanh An: Có người nào đang khiếu kiện hoặc bị oai sai tìm đến ông hỏi kinh nghiệm, hay nhờ giúp đỡ không?
Ông Nguyễn Ngọc Lợi: Bao nhiêu người tìm đến ấy chứ.
Họ hỏi, anh đến cửa nào giúp tôi với. Thậm chí họ bay từ miền nam ra xin gặp. Trường hợp nào tôi cũng lắng nghe rồi cùng họ nghiên cứu hồ sơ để tìm cách khiếu kiện đúng nơi, đúng việc, đúng luật.
Lại có người từng bóng gió rằng, tôi ấy - may hoạt động cùng các nguyên thủ chứ rơi vào người khác, còn lâu. Ai người ta để ý đến, ai người ta bỏ công bỏ của ra đi phục hồi quyền lợi cho.
Nhưng kỳ thực, tôi đã dùng chính cuộc đời của mình, hành động của mình để chứng minh không ai có thể sống trên pháp luật. Các đại biểu Quốc hội trên nghị trường Quốc hội từng nhận xét, chính cơ chế của chúng ta đã dung túng cho một nhóm cán bộ hành chính tự tạo ra công nghệ đùn đẩy. Ông Nguyễn Ngọc Lợi giống như quả bóng bị đá từ Thái Nguyên sang Phú Thọ, từ Phú Thọ lại Thái Nguyên suốt bấy nhiêu năm, không dừng lại phút nào và không ai giải quyết được.
Cho nên theo kiện 37 năm là tôi chấp nhận hy sinh chỉ vì muốn công lý phải được thực hiện với bản thân để sau tôi sẽ không còn người bị oan khuất tương tự. Và tôi vẫn gửi niềm tin sắt son, khi nào chế độ còn thì việc của tôi không bị đánh chìm, nhân thân của tôi không bao giờ có thể bị tráo đổi.