Ảnh minh họa
Đây là một ca bệnh được bác sĩ Nguyễn Hồng Bách, Viện Tâm lý học và Truyền thông (Hội Tâm lý học Việt Nam) tiếp nhận điều trị mới đây.
Khi tới gặp bác sĩ Bách, anh Hưng (30 tuổi) chia sẻ vợ anh là một người tài giỏi, xinh đẹp, kiếm được nhiều tiền, có chức vụ cao ở công ty. Anh Hưng là một nhân viên bình thường. Vì điều này, anh luôn có cảm giác yếu thế, mặc cảm vì kém cỏi hơn vợ.
"Khi tới khám, người chồng tâm sự rằng anh cảm thấy sợ mỗi khi đi cạnh vợ, hay thậm chí ở nhà cũng luôn khép nép trước mặt vợ. Vợ anh, thậm chí cả bạn bè của anh chị, đều nhận ra điều này. Người chồng ngày càng mặc cảm, thường xuyên mất ngủ, phải nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ", bác sĩ Bách chia sẻ.
Anh Hưng được bác sĩ chẩn đoán mắc phức cảm tự ti và đây chính là nguyên nhân khiến anh có những triệu chứng kể trên. Trong 1 tháng gần đây, bác sĩ Bách đã tiếp nhận 6 trường hợp bị phức cảm tự ti.
Phức cảm tự ti là gì?
Phức cảm tự ti có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó có tỷ lệ mắc cao ở nhóm từ 8-22 tuổi. Người bệnh đến điều trị tâm lý vì không tự tin về ngoại hình, gia đình, học tập, mối quan hệ với bạn bè...
Phức cảm tự tin không ảnh hưởng đến tính mạng ngay lập tức, nhưng tác động lớn đến cuộc sống hằng ngày. Trẻ em phức cảm tự tị có thể sợ giao tiếp, thậm chí bỏ học, không dám đến nơi đông người. Với người trưởng thành, họ mất tự tin, đánh giá thấp bản thân, luôn cho mình kém cỏi.
Phức cảm tự ti nếu không được can thiệp có thể làm mất đi tư duy định nghĩa cá nhân, khiến một người mất hẳn góc nhìn cá nhân để đưa ra quyết định với bản thân.
Ngoài ra, phức cảm tự ti ở mức độ nặng có thể gây ra "phản phức cảm tự ti", khi tự ti quá mức có thể gây ra rối loạn ái kỷ và rối loạn hoang tưởng, quá tự tin vào bản thân. Người bệnh có xu hướng đổ lỗi và không chịu trách nhiệm với lỗi do bản thân gây ra. Bệnh nhân khi rơi vào trạng thái này sẽ phải điều trị tâm thần, dùng thuốc và điều trị tâm lý.
Dấu hiệu của phức cảm tự ti
Theo bác sĩ Bách, người phức cảm tự ti thường sẽ có những dấu hiệu:
- Tự đánh giá thấp bản thân, không dám thể hiện mình, cảm thấy mình không xứng đáng;
- Rút lui khỏi hoạt động hằng ngày;
- Không tiếp xúc, phân tích tình huống xã hội;
- Cảm giác thù địch, rất hay cáu giận;
- Mất ngủ vì luôn suy nghĩ đến vấn đề mình đang tự ti, không biết mình có đáp ứng được những vấn đề đó không.
Bác sĩ Bách cho biết nếu các triệu chứng trên kéo dài, bệnh nhân có thể rơi vào loạn trầm cảm và lo âu, thậm chí người bệnh còn bị hoang tưởng.
"Khi bị phức cảm tự ti, nếu ở thể nhẹ có thể điều trị bằng trị liệu tâm lý. Còn với trường hợp nặng sẽ phải gặp bác sĩ tâm thần, điều trị bằng thuốc", bác sĩ Bách cho biết.
Theo bác sĩ Bách, phức cảm tự tin thường xảy ra với những người hay bị so sánh với người khác thời thơ ấu; trẻ bị ngăn cấm, chê bai về ngoại hình, ăn mặc hay kiểu tóc; người bị so sánh về trình độ, xuất thân, sự giàu - nghèo…
Một số cách có thể giúp mọi người tăng thêm sự tự tin:
- Được đồng hành và chia sẻ, sẵn sàng lắng nghe, bao dung.
- Chấp nhận và yêu thương chính mình: Mỗi người đều có những ưu và khuyết điểm nhất định. Nên nhận ra khuyết điểm của mình để chấp nhận và khắc phục.
- Ngừng so sánh mình với người khác
- Dám đương đầu với thử thách: Dám đối mặt với khó khăn, thử thách, có thể chúng ta sẽ thất bại nhưng chắc chắn sẽ có được những kinh nghiệm quý và trải nghiệm đáng giá.
- Tích cực học tập, trau dồi kiến thức là liều thuốc tốt nhất tiếp thêm sự tự tin, tránh sự tự ti. Chỉ khi bản thân có hiểu biết về điều gì thì mới mạnh dạn, tự tin nêu lên quan điểm của mình.
*Tên nhân vật đã được thay đổi!