Còn 1 tầng duy nhất hoạt động
Ngày 12/10, khoảng hơn 2/3 diện tích mặt tường bên ngoài tổ hợp công trình nhà hàng, nhà nghỉ Panorama xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng đã được phủ sơn màu xanh ghi.
Theo quan sát của PV, màu sơn được chủ đầu tư lựa chọn vẫn khiến cho nhà hàng nổi bật hơn so với phong cảnh xung quanh.
Vào ngày cuối tuần, thời tiết khu vực có mưa phùn, gió lạnh nhưng hàng ngàn du khách thập phương vẫn kéo đến "điểm dừng chân" này check in. Nhà hàng chỉ cho phép khách ra vào tại tầng 6, các tầng còn lại đều bị phong tỏa lối lên xuống, duy nhất một đôi nam nữ được phép di chuyển xuống các tầng 4 – 5 để chụp lưu niệm ảnh cưới.
2/3 mặt tường ngoài công trình đã được phủ sơn xanh. Ảnh: Hoàng An.
Qua tìm hiểu, bà Vũ Ngọc Ánh (chủ đầu tư công trình) không có mặt "quán xuyến" nhà hàng nhiều ngày qua, thời điểm đông khách có khoảng 7 nhân viên làm việc.
Dù phong tỏa các ban công tầng dưới nhưng một nhân viên cho biết, các phòng nghỉ ở đây đều đã chật kín, không còn trống vì có khách đặt trước. Người này từ chối nói về việc tại sao các tầng còn lại không hoạt động.
Cùng theo quan sát của PV, trong ngày 12/10, nhà hàng Panorama chỉ phục vụ các loại nước uống giải khát, nước ngọt đóng chai, sinh tố trái cây, bia, không thấy phục vụ khách các món ăn.
Mỗi đoàn tham quan dừng chân khoảng 30 phút họ tiếp tục lên ô tô, xe máy để di chuyển đến các vị trí cao của hẻm núi chụp ảnh, bối cảnh vẫn tập trung vào con sông Nho Quế xanh biếc đang chảy dưới thung lũng. Cuối giờ chiều, tất cả đi vào thị trấn Mèo Vạc hoặc quay ra ngoài Đồng Văn nghỉ ngơi.
Bà Vũ Ngọc Ánh nói dối về việc phát quần áo từ thiện?
Một phụ nữ (sống cách Panorama khoảng 400 mét) cho biết, chưa tiếp xúc nhiều với bà Vũ Ngọc Ánh, quá trình từ khi người đàn bà này đến khu vực mở nhà hàng cũng chưa từng có mâu thuẫn với ai.
Du khách chụp ảnh tại ban công tầng 6 Panorama. Ảnh: Hoàng An.
Khi được hỏi về việc, bà Ánh nói có rất nhiều hoạt động như phát quần áo cho trẻ em, mua rau giúp cho người dân địa phương có phải không? Người này trả lời, khu vực này xa xôi hẻo lánh, khi người dân có rau, củ, quả họ thường đem bán dọc đường hoặc mang ra tận ngoài thị trấn, chủ nhà hàng có nhu cầu phục vụ khách thì đi mua nhưng số lượng không nhiều.
"Còn về việc làm từ thiện, phát quần áo cho trẻ em, học sinh bản địa thì tôi chưa bao giờ chứng kiến tận mặt hoặc nghe thông tin bà ấy làm, chắc nói thể làm màu thôi", người phụ nữ lắc đầu nói.
Trước đó, bà Ánh từng trả lời rằng khi mở công trình đã giúp đỡ được rất nhiều người dân, tạo công ăn việc làm, bà từng gọi người chở hàng xe quần áo vào phát cho trẻ em và khẳng định, nếu chính quyền các cấp buộc cho bà di chuyển đi thì người dân khu vực sẽ đói.
Xây lớn quá không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên
Vũ Công Thành (người Hà Nội) cho biết, đã từng nhiều lần đến Mã Pì Lèng chơi, anh có đôi chút bất ngờ và tiếc nuối khi đọc trên báo chí về việc Panorama hoạt động không không phép, vì đây là một công trình tọa lạc tại vị trí đẹp nhất đèo, thích hợp cho khách dừng chân vãn cảnh.
Vũ Công Thành cùng bạn gái đến cung đèo Mã Pì Lèng chơi dịp cuối tuần. Ảnh: Hoàng An.
"Đẹp, nhưng mà công trình xây dựng quá lớn nó không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên nơi đây lắm, nên sửa sang lại làm sao cho hợp lý", anh Thành nói.
Còn anh Đỗ Văn Nam (26 tuổi, du khách cũng đến từ Hà Nội) lên chia sẻ, bản thân anh thấy công trình có điểm nhấn, tạo điều kiện cho khách lên chụp ảnh bởi bối cảnh con sông Nho Quế màu xanh bên dưới quá ấn tượng.
Nhưng anh cũng nêu quan điểm rằng, Mã Pì Lèng là khu danh thắng, nếu chính quyền đã cấm xây thì cấm hẳn, một khi đã làm thì nhỏ hay lớn cũng đều có tác động đến cảnh quan thiên nhiên.
Ngày 8/10, đoàn liên ngành gồm lãnh đạo 4 Sở của tỉnh Hà Giang đã họp bàn, đề nghị UBND tỉnh này yêu cầu huyện Mèo Vạc chỉnh trang, cải tạo một phần công trình (gồm tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất) để phục vụ việc dừng chân, ngắm cảnh của khách du lịch.
Toàn bộ 6 tầng giật cấp phía trên của nhà hàng Panorama xây nhô ra phía sông Nho Quế sẽ bị phá dỡ để cải tạo thành đất trồng cây xanh; thời hạn phá dỡ hoàn thành trước 15/11.
Đến nay tỉnh Hà Giang vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng sẽ đập bỏ theo đề xuất hay không.
Trong lúc chờ đợi quyết định của các cấp chính quyền thì vào ngày 11/12, công trình Panorama bất ngờ được phủ một lớp sơn màu xanh.
Trước đó, bà Vũ Ngọc Ánh (chủ đầu tư) nói, bà sẽ làm đơn kiến nghị phủ xanh toàn bộ, biến nó thành công trình hoang sơ.