Người dân Hàn Quốc đối diện với “cơn ác mộng” khi điều trị y tế

Mộc Miên |

Hàn Quốc đang có nguy cơ đối mặt với một cuộc “khủng hoảng y tế” do nhiều bác sĩ nghỉ việc để phản đối chính sách tăng chỉ tiêu tuyển sinh các trường y.

Nguồn ảnh: The Korea Herald.

Nguồn ảnh: The Korea Herald.

Chậm trễ trong việc điều trị cho bệnh nhân

“Tôi nghe trên bản tin nói rằng các bác sĩ đang đình công, nhưng vì đây là bệnh viện công nên tôi nghĩ sẽ không có vấn đề gì, phải không?”, ông Lim Chun-geun (75 tuổi), đứng trước cổng Trung tâm Y tế Denver, Seoul vào sáng ngày 20/2 và hỏi với giọng lo lắng.

Ông Lim nói: “Nhà nước muốn tăng chỉ tiêu tuyển sinh bác sĩ là tin tức tốt nhưng tôi thấy bực mình khi các y bác sĩ đình công để phản đối quyết định này. Sự tôn trọng mà tôi dành cho các bác sĩ giờ đây đã không còn nữa”.

Làn sóng đình công của các y bác sĩ ở Hàn Quốc đang lan rộng và ông Lim không phải là bệnh nhân duy nhất chịu ảnh hưởng từ làn sóng này. Rất nhiều bệnh nhân đã bị trì hoãn điều trị.

Ông Park (40 tuổi) đưa mẹ đến Bệnh viện Samsung Seoul để phẫu thuật cắt bỏ khối u dây thần kinh cột sống. Dù đã đặt lịch trước nhưng sau đó họ lại nhận được thông báo từ bệnh viện rằng không thể sắp xếp ca phẫu thuật. Ông Park tức giận: “Dây thần kinh cột sống của mẹ tôi bị liệt nên nếu không phẫu thuật sớm thì mẹ tôi có thể bị liệt từ thắt lưng trở xuống. Với tình trạng hiện giờ, tôi không nghĩ Bệnh viện Samsung Seoul có thể thực hiện được ca phẫu thuật, nhưng nếu đi các bệnh viện khác, tôi lo lắng họ cũng sẽ không thể điều trị cho mẹ tôi”.

Anh Han (32 tuổi), người đang mắc bệnh tim mạch nói: “Tôi thường xuyên đến phòng cấp cứu vì mắc bệnh mạn tính nhưng chưa bao giờ thấy tình trạng kiểu này”.

Anh Park (46 tuổi) đến từ Masan, Gyeongnam cho biết, ngày 19/2, anh đã phải đứng xếp hàng suốt hai tiếng đồng hồ trước cửa phòng cấp cứu để chờ đến lượt điều trị cho mẹ. "Mẹ tôi bị ung thư tuyến tụy và bà có thể chết nếu không được phẫu thuật sớm, nhưng phía bệnh viện thậm chí còn không cho tôi biết khi nào mẹ tôi có thể phẫu thuật mà chỉ bảo tôi hãy chờ đợi”, anh Park nói.

Theo tờ Hankyoreh ngày 26/2, một bệnh nhân 80 tuổi đã bị ngừng tim và tử vong trên đường tới bệnh viện do đội ngũ cấp cứu phải mất một thời gian dài mới tìm được phòng cấp cứu để điều trị.

Người dân Hàn Quốc đối diện với “cơn ác mộng” khi điều trị y tế- Ảnh 1.
Người dân Hàn Quốc đối diện với “cơn ác mộng” khi điều trị y tế- Ảnh 2.

Nhiều bệnh nhân gặp khó khăn trong quá trình điều trị. (Ảnh Yonhap News)

Gánh nặng cho hệ thống y tế tăng lên

Trung tâm Y tế Seoul thông báo rằng trong số 12 bác sĩ nội trú và thực tập sinh được cử đến từ Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul làm việc, có 10 người đã nghỉ việc.

Tại Trung tâm Y tế Gyeonggi, 4/8 bác sĩ đã từ chức và 4 người còn lại cũng dự định nộp đơn xin từ chức. Tại Trung tâm Y tế Seongnam, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc, 3 bác sĩ đã nộp đơn từ chức cho bệnh viện họ làm việc và không đi làm kể từ ngày 19/02.

Một vị giáo sư y khoa cấp cứu thuộc 1 trong 5 bệnh viện lớn ở Hàn Quốc cho biết: “Một số giáo sư và nghiên cứu sinh đang làm việc 90 giờ một tuần. Nếu tình trạng này kéo dài thêm hai tuần nữa hoặc lâu hơn, các bác sĩ sẽ bắt đầu kiệt sức và sụp đổ”.

Các giảng viên tại bệnh viện - những người vốn chịu trách nhiệm quản lý, giáo dục, nghiên cứu song song với nhiệm vụ điều trị giờ đây phải tạm dừng công việc giảng dạy và tập trung toàn lực để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân. Họ cũng phải tăng gấp đôi số giờ làm việc.

Tại Khoa cấp cứu tại Bệnh viện Sacred Heart thuộc Đại học Hallym, nơi có 6 thực tập sinh và bác sĩ nội trú nộp đơn xin nghỉ việc, đã bị tê liệt hoàn toàn. 11 chuyên gia y tế của bệnh viện đã phải phân chia nhau phụ trách nhiệm vụ của các nhân sự đã nghỉ. Họ phải vật lộn với số lượng bệnh nhân ngày càng tăng do các bệnh nhân bệnh viện tuyến hai bắt đầu đổ xô đến các bệnh viện tuyến ba.

Lee Hyung-min, giáo sư cấp cứu tại Bệnh viện Sacred Heart thuộc Đại học Hallym, cho biết: “Tôi đã làm việc 88 giờ/tuần khi còn là thực tập sinh và bác sĩ nội trú. Tôi nghĩ tình hình hiện tại cũng không khác hồi đó lắm. Khối lượng công việc đã tăng gấp đôi so với trước đây”.

Người dân Hàn Quốc đối diện với “cơn ác mộng” khi điều trị y tế- Ảnh 3.

Khối lượng công việc của các y bác sĩ ở lại bệnh viện làm việc tăng lên. (Ảnh: Seoul News)

Vấn đề khối lượng công việc thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở các bệnh viện tuyến 3 bên ngoài thủ đô Seoul, nơi cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe còn yếu kém.

Một chuyên gia tại bệnh viện đa khoa khu vực cho biết: “Chúng tôi đã mất cả ba thực tập sinh và bác sĩ nội trú tại khoa cấp cứu cùng lúc. Hai bác sĩ chuyên khoa còn lại hiện đang phải làm thay phần của những người đã nghỉ. Số ngày làm việc của chúng tôi bị tăng lên”.

Đội ngũ y tá của các bệnh viện cũng đang phải vật lộn với khối lượng công việc cũng như cố gắng lấp đầy khoảng trống mà các thực tập sinh và bác sĩ nội trú để lại.

“Các y tá thường chỉ làm việc vào ban ngày nhưng giờ đây họ cũng phải làm việc theo ca giống thực tập sinh và bác sĩ nội trú. Như vậy, các y tá sẽ phải làm việc liên tục 30 tiếng cho đến sáng hôm sau”, một y tá tại một bệnh viện đa khoa tuyến ba ở khu vực chia sẻ.

Các nhà quan sát hiện đang lo ngại hệ thống y tế của Hàn Quốc có thể sụp đổ khi ngày càng có nhiều nhân viên y tế kiệt sức.

Người dân Hàn Quốc đối diện với “cơn ác mộng” khi điều trị y tế- Ảnh 4.

Các y bác sĩ phải liên tục tăng ca để lấp đầy khoảng trống của những người đã nghỉ việc. (Ảnh minh họa, nguồn Joseonilbo)

Làn sóng đình công của các y bác sĩ ở Hàn Quốc vẫn đang tiếp diễn

Được biết, các bác sĩ ở Hàn Quốc bắt đầu đình công từ ngày 19/02 và tình trạng này vẫn đang tiếp diễn.

Làn sóng đình công của các y bác sĩ nhằm phản đối việc chính phủ đưa ra kế hoạch cải cách đào tạo ngành y bằng cách tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y thêm 2.000 người từ năm 2025. Các bác sĩ tại Hàn Quốc cho rằng chính phủ nên giải quyết vấn đề lương và điều kiện làm việc trước khi cố gắng tăng số lượng bác sĩ. Bởi, hiện nay thực tập sinh và bác sĩ nội trú ở Hàn Quốc đang được trả mức lương thấp hơn so với số giờ làm và lượng công việc mà họ phải thực hiện. Do đó, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y có thể tác động tới chất lượng dịch vụ y tế, gây ảnh hưởng đến thu nhập và địa vị xã hội của họ.

Ngày 29/02, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã công bố kết quả tổng hợp từ báo cáo của 100 bệnh viện ở Hàn Quốc. Kết quả cho thấy tính đến 7 giờ tối ngày 28/02 có 9997 người đã từ chức và 9.076 người đã rời khỏi bệnh viện và mới chỉ có 294 y bác sĩ trở lại nơi làm việc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại