Người dân Hà Nội phải trả lãi khoản vay của chủ đầu tư trong giá nước sạch sông Đuống

Hoàng Đan |

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, mức giá 10.246 đồng/m3 của Nhà máy nước sông Đuống chỉ là giá tính tối đa phục vụ việc ký kết thoả thuận dịch vụ cấp nước trong quá trình lập, thực hiện dự án.

Lãnh đạo công ty nước mặt sông Đuống không có mặt

Chiều 12/11, tại Hội nghị giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, lãnh đạo một số sở, ngành liên quan của Hà Nội đã thông tin về nội dung cung cấp nước sạch của Công ty nước sạch sông Đuống, tuy nhiên, lãnh đạo của công ty này không có mặt.

Ông Võ Tuấn Anh, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội, cho biết quy mô thực hiện dự án của công ty nước sạch sông Đuống trong giai đoạn 1 đến năm 2020 đạt công suất 300.000 m3 ngày/đêm và đến năm 2025 sẽ đạt công suất 600.000 m3 ngày/đêm, giai đoạn 3 đến năm 2030 sẽ đạt công suất 900.000 m3 ngày/đêm.

Dự án được khởi công từ tháng 3/2017, đến tháng 10/2019 đã hoàn thành xong giai đoạn 1, đạt công suất 300.000 m3 ngày/đêm, vượt tiến độ 1 năm.

Sau khi ông Tuấn Anh nêu ý kiến, phóng viên đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc tại sao giá nước sạch sông Đuống lại cao hơn mặt bằng giá nước sạch do các công ty khác sản xuất?

Tại sao mỗi năm TP Hà Nội phải trợ giá hàng trăm tỉ đồng cho các doanh nghiệp phân phối nước sạch cho Công ty nước mặt sông Đuống?...

Trả lời câu hỏi của phóng viên về lý do Hà Nội phải trợ giá hàng trăm tỉ đồng cho các doanh nghiệp phân phối nước sạch cho Công ty nước mặt sông Đuống, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội khẳng định, TP chưa cấp bù một khoản kinh phí nào cho doanh nghiệp này và các đơn vị liên quan. 

Giá nước sạch sông Đuống theo ông Hà được "tính đúng, tính đủ" theo các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Cụ thể, theo phương án phê duyệt giá bán tạm tính đối với nước sạch sông Đuống tại văn bản số 3310, Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước của Nhà máy nước sạch sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này.

Giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.

Việc ký kết thực hiện thoả thuận dịch vụ cấp nước này được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án, chính vì vậy trên cơ sở đề nghị của nhà đầu tư, để có căn cứ lập và tổ chức thực hiện dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, thành phố đã có văn bản chấp thuận giá nước sạch, tại thời điểm đó giá là tạm tính và là tối đa.

Trên cơ sở chấp thuận của thành phố, Sở Xây dựng đã thực hiện thoả thuận dịch vụ cấp nước với Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống.

"Mức giá 10.246 đồng là mức giá tạm tính tối đa để phục vụ cho việc ký kết thoả thuận dịch vụ cấp nước trong quá trình lập và tổ chức thực hiện dự án đầu tư, giá này không phải giá bán đến người tiêu dùng hoặc các đơn vị bán lẻ", ông Hà nhấn mạnh.

Cũng theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, hiện nay, do Nhà máy nước mặt Sông Đuống chưa được quyết toán chính thức nhưng việc cung cấp nước đang được triển khai thực hiện nên TP Hà Nội đã chấp thuận mức giá hiệp thương tạm tính là 7.700 đồng/m3 để công ty thực hiện cung cấp nước cho các đơn vị bán lẻ.

Ông nói thêm, trong thời gian tới, nhà đầu tư phải thực hiện triển khai quyết toán dự án và kiểm toán cũng sẽ xác minh tính trung thực của những báo cáo tài chính của dự án đầu tư này. 

Sau khi đơn vị quyết toán sẽ xác định được các chi phí chính thức và khi đó sẽ xác định được chính xác giá thành sản xuất của Công ty Sông Đuống.

Nước mặt sông Đuống đắt hơn nước sông Đà

Trả lời câu hỏi về việc, tại sao giá nước mặt sông Đuống cao hơn nước sạch sông Đà, ông Hà cho hay, về nguyên tắc tính giá nước của các đơn vị đều giống nhau theo quy định.

Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác nhau giữa các nhà máy dẫn đến suất đầu tư khác nhau. Cụ thể, nhà máy nước mặt sông Đà đi vào hoạt động năm 2009, có nguyên giá tài sản là 1.555 tỉ đồng, còn giá đầu tư của sông Đuống gần 5.000 tỉ đồng.

"Rõ ràng quy mô đầu tư giữa hai dự án khác nhau. Chất lượng nguồn nước thô đầu vào của hai nhà máy cũng khác nhau", ông Hà nêu.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cũng cho biết tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỷ đồng. Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước.

Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, theo đó là khoảng 2.003 đồng mỗi m3 nước.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại