Người dân giảm bia rượu vì sợ "thổi nồng độ cồn", doanh thu và lợi nhuận Sabeco lao dốc

Hà My |

Cả doanh thu và lợi nhuận Sabeco cùng giảm trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Tài sản công ty giảm 3.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2023.

Theo đó, doanh thu thuần đạt 6.214 tỷ đồng, giảm hơn nghìn tỷ so với cùng kỳ năm trước (-15%), kéo theo lợi nhuận gộp giảm 12% xuống 1.915 tỷ đồng.

Theo lý giải của Sabeco, doanh thu giảm mạnh do thị trường tiếp tục suy yếu sau thời gian Tết nguyên đán trong bối cảnh Nghị định 100 có dấu hiệu siết chặt tại các thành phố trọng điểm, kết hợp với bất ổn kinh tế toàn cầu và tiêu dùng chậm lại.

Quý 1 vừa qua là giai đoạn lực lượng chức năng siết chặt xử phạt vi phạm quy định về nồng độ cồn. Theo số liệu từ Cục cảnh sát giao thông, chỉ trong quý 1/2023, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn quốc đã phát hiện hơn 750.000 trường hợp vi phạm, trong đó vi phạm nồng độ cồn chiếm 20,6% trong số tổng vi phạm.

Theo quan sát trong cơ cấu doanh thu của Sabeco, mảng nước giải khát vẫn tăng nhưng mảng bia giảm mạnh.

Doanh thu giảm nhưng các loại chi phí của Sabeco lại tăng, trong đó chi phí bán hàng tăng 14% và chi phí quản lý tăng 10%. Điều đó khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Sabeco giảm 18% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế là 1.004 tỷ đồng, giảm 19% và xuống thấp nhất trong 1 năm qua.

Quy mô tài sản Sabeco cũng giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm. Tại thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản công ty là 31.480 tỷ đồng, giảm gần 3.000 tỷ đồng so với đầu năm (-9%).

Năm 2023, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu 40.272 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5.775 tỷ đồng, tăng trưởng 15% và 5% so với năm 2022. Như vậy, kết thúc quý 1 Sabeco mới hoàn thành 15% chỉ tiêu doanh thu và 17% chỉ tiêu lợi nhuận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại