Ngày 25-7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) có văn bản góp ý Bộ Tư pháp về dự thảo Nghị định của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu lần 3. Theo đó, cơ quan này đã nêu ra góp ý trên.
Đáng chú ý, Bộ KH-ĐT cho biết dự thảo Nghị định xây dựng theo hướng giao việc tính toán, quyết định giá xăng dầu cho doanh nghiệp nhưng không có quy định cụ thể về cơ chế, trách nhiệm giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm, đền bù thiệt hại cho các đối tượng liên quan (Nhà nước, người dân…) trong trường hợp doanh nghiệp tính toán giá chưa chuẩn xác, khi có những sai phạm liên quan tới tính giá.
Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, bổ sung các điều khoản cụ thể quy định cụ thể trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đối với việc bình ổn thị trường xăng dầu theo cách điều hành giá mới.
Trong khi đó, Bộ Tài chính cho biết tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá ban hành kèm theo Nghị định số 85-2024/NĐ-CP quy định đối với hàng hóa, dịch vụ xăng, dầu thành phẩm, Bộ Công Thương là cơ quan quy định đặc điểm kinh tế kỹ thuật của hàng hóa dịch vụ và tiếp nhận văn bản kê khai giá, UBND cấp tỉnh là cơ quan tiếp nhận văn bản kê khai giá.
"Căn cứ các quy định trên, tại Điều 33 dự thảo Nghị định quy định về nguyên tắc điều chỉnh giá bán xăng dầu đề nghị không quy định Bộ Tài chính tiếp nhận việc kê khai giá của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu" - Bộ Tài chính kiến nghị.
Tại hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu lần 3 gửi Bộ Tư pháp mới đây, Bộ Công Thương giữ quan điểm như tại bản thảo hồi tháng 4 là để doanh nghiệp (đầu mối, phân phối) tự tính, quyết định giá bán lẻ, Nhà nước sẽ không điều hành giá nhiên liệu.
Cụ thể, Nhà nước công bố giá thế giới bình quân 7 ngày/lần, Premium được công bố trên thị trường quốc tế tính bình quân 7 ngày/lần theo số ngày có giá xăng dầu thế giới. Chi phí vận tải xăng dầu về Việt Nam, chi phí bảo hiểm đưa xăng dầu về Việt Nam được tính bình quân 1 quý/lần (được rà soát, điều chỉnh khi có biến động bất thường); Lợi nhuận định mức.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, chi phí kinh doanh định mức (biến động hàng năm theo chỉ số giá tiêu dùng CPI, rà soát lại 3 năm/lần hoặc khi có biến động bất thường) để công bố giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu mazut là giá bán buôn) của thương nhân trên thị trường.
Giá bán xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định tại Nghị định.
Điểm mới là họ sẽ phải kê khai giá, thông báo với cơ quan quản lý để giám sát.
Theo đó, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện thông báo giá bán, kê khai giá bán gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính; thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện thông báo giá bán, kê khai giá bán gửi Sở Công Thương, Sở Tài chính, Cục quản lý thị trường tại địa phương nơi thương nhân có hoạt động kinh doanh xăng dầu sau khi thương nhân công bố giá bán lẻ xăng dầu.