Có mặt tại điểm chặn xe rác vào cổng chính bãi rác Nam Sơn, bà Nguyễn Thị Huệ (62 tuổi) trú tại Đội 2, xã Nam Sơn cho biết: "Chúng tôi luôn ủng hộ các chính sách của Nhà nước, chấp nhận hi sinh môi trường sống để thành phố xanh sạch đẹp.
Do đó 21 năm qua, chúng tôi sống với mùi rác thải, ăn cơm phải chui vào màn vì quá nhiều ruồi, muỗi. Các con tôi đi làm công nhân phải đưa cháu đi theo vì không thể để trẻ con sống trong môi trường ô nhiễm thế này.
Bây giờ chúng tôi chỉ mong muốn các bên liên quan nhanh chóng giải quyết vấn đề đền bù một cách thỏa đáng để người dân được di dời khỏi khu vực bãi rác ô nhiễm này, ổn định cuộc sống sớm ngày nào hay ngày ấy.
Sống với ruồi, bọ, mùi hôi thối không ai có thể chịu nổi. Chúng tôi cũng không muốn đến đây lập chốt để chặn xe vào bãi rác, nhưng vì các bên liên quan vẫn chưa giải quyết cho chúng tôi nên buộc phải làm vậy".
Tại điểm chặn xe vào bãi rác Nam Sơn ở cổng phía Tây. Ông Đỗ Phương Bột (65 tuổi), người dân xóm Hòa Bình, thôn 2, xã Hồng Kỳ cho biết: Nguyên nhân khiến người dân chặn xe rác một phần là do những ngày gần đây, khu vực bãi rác bốc mùi nồng nặc gây ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt các xe chở rác bị ùn ứ, đỗ hàng dài ngoài đường làm rò, rỉ nước rác, bốc mùi hôi thối dọc hướng đường 35 đi Bắc Sơn.
"Ở khu vực thôn 2, xã Hồng Kỳ, các xe rác gây tiếng ồn, bốc mùi ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Việc đổ rác trong bãi lên quá cao, có nguy cơ gây mất an toàn.
Đồng thời các hộ dân của xã Nam Sơn và Hồng Kỳ rất bức xúc về tiến độ giải phóng mặt bằng trong dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường khu Liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn vùng bán kính 500m từ hàng rào xử lý vì chưa đảm bảo tiến độ", ông Bột nói.
Trao đổi về vấn đề người dân chặn đường vào bãi rác Nam Sơn, ông Trần Ngọc Hà – Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ khẳng định việc làm này là vi phạm pháp luật.
"Cần phải cho người dân thấy rõ việc lập chốt để chặn xe vào bãi rác là không đúng. Đồng thời cũng cần chỉ ra, việc chặn xe vào bãi rác không liên quan đến chuyện giải quyết các vấn đề đền bù để di dời.
Hiện tại, cả hệ thống chính trị của xã đã vào cuộc, thành lập nhiều tổ công tác tuyên truyền vận động người dân không nên chặn xe rác. Đồng thời, lãnh đạo xã cũng đã có nhiều cuộc họp với các đơn vị có thẩm quyền để báo cáo các vấn đề đang gặp khúc mắc, cũng như nguyện vọng của nhân dân.
Tuy nhiên, những điều người dân kiến nghị đều thuộc chính sách, thuộc thẩm quyền của Thành phố và Quốc hội nên xã cũng chỉ tổng hợp những ý kiến đó để chuyển lên trên”, Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ cho biết.
Cũng tại đây, chia sẻ về ý kiến nhiều người dân phản ánh rằng tỉ lệ bệnh tật quanh khu vực bãi rác Nam Sơn cao hơn những nơi khác, ông Hà xác nhận. "Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng nhiều năm nay, số người bị bệnh ung thư, các bệnh liên quan đến đường hô hấp trên địa bàn xã ngày càng tăng", Chủ tịch UBND xã Hồng Kì thông tin.
Chia sẻ về vấn đề sức khỏe của người dân sống xung quanh bãi rác Nam Sơn, tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT nhận định sức khỏe của người dân chắc chắn bị ảnh hưởng.
"Thứ nhất là nước rỉ rác nếu không xử lí kỹ sẽ thấm vào mạch nước ngầm, trong khi người dân thường sinh hoạt bằng nước giếng. Thứ hai là mùi rác thải rất khó chịu, kèm theo ruồi, nhặng, muỗi làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Vì những lí do trên mà người ta bắt buộc phải di dời người dân khỏi khu vực cạnh bãi rác", Tiến sĩ Tùng nói.
Cuối cùng, nói về vấn đề người dân chặn đường vào bãi rác Nam Sơn gây nên tình trạng ùn ứ rác trong nội thành Hà Nội, ông Trần Ngọc Hà cho biết: "Trong cuộc họp với Thường trực Thành ủy Hà Nội chiều qua (25/10), Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ bày tỏ rất chia sẻ với người dân Sóc Sơn.
Người dân Sóc Sơn đang gánh rác thải của cả thành phố Hà Nội, cuộc sống và sức khỏe bị ảnh hưởng rất nhiều. Do đó thành phố cũng cần chia sẻ với người dân đang sinh sống quanh khu vực bãi rác Nam Sơn".