Người dân làm thủ tục thuế trực tiếp tại trụ sở cơ quan thuế. Ảnh: PV
Cán bộ thuế yêu cầu người dân bị khai khống đến DN (nơi mà người dân bị khai khống) yêu cầu gỡ thông tin trong danh sách nhận thu nhập. Việc này gây nhiều rắc rối cho chính khổ chủ trong khi lỗi do người khác gây ra.
Anh Lê Việt Đức, quận Đống Đa (Hà Nội cho biết), anh tự làm quyết toán thuế thu nhập cá nhân online. Trong khi hoàn thành thủ tục, cán bộ thuế thông báo, anh Đức có phát sinh thuế thu nhập cá nhân tại một công ty thuộc ngành thủy lợi ở Hà Nội.
Tuy nhiên, anh Đức xin thông tin liên hệ của công ty, cơ quan thuế chỉ có thể cung cấp tên công ty, phần liên hệ như số điện thoại, cơ quan thuế không có để cung cấp cho anh Đức.
“Công ty kê khai thuế của tôi lạ hoắc, tôi hoàn toàn không liên quan. Cán bộ thuế nói, tôi phải liên hệ yêu cầu công ty này gỡ tên ra khỏi danh sách nhận thu nhập hoặc lên cơ quan thuế ký cam kết không có thu nhập tại đây mới có thể khớp số liệu quyết toán thuế. Đây là trách nhiệm của cơ quan thuế nhưng lại đẩy cho người nộp thuế, rất vô lý”, anh Đức nói.
Cùng chung cảnh như anh Đức, chị Lê Thu Vân ở Hà Nội cho biết, gia đình chị không thể quyết toán thuế, vì một DN khác kê khống thu nhập. Chị Vân tìm số điện thoại của công ty, tìm theo địa chỉ kinh doanh nhưng không tìm thấy.
“DN kê khai khống về thuế TNCN của tôi nhằm trốn thuế nên rất khó tìm thông tin của họ trên mạng để liên hệ, kể cả tìm theo thông tin DN đã đăng ký kinh doanh. Chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian xử lý trong khi lỗi không phải do mình. Cơ quan thuế nên có chính sách như công bố mẫu cam kết và cho phép người dân gửi cam kết online để không gặp rắc rối như trên”, chị Vân kiến nghị.
Tình trạng người dân bỗng nhiên bị khai khống thu nhập chịu thuế như trên xảy ra khá nhiều. Trên nhiều diễn đàn về Thuế TNCN trên mạng xã hội, nhiều người rơi vào cảnh bị khai khống như trên.
Theo một lãnh đạo Chi cục Thuế quận Đống Đa (Hà Nội), khi phát hiện bị khai khống thuế, người nộp thuế làm cam kết không phát sinh thu nhập tại DN khai khống và gửi tới cơ quan thuế. Dựa trên thông tin người dân cung cấp trong cam kết, cơ quan thuế sẽ tiến hành xử lý DN khai khống.
Trường hợp, DN khai khống trực thuộc sự quản lý của chi cục thuế, chi cục sẽ kiểm tra thông tin. Nếu DN hoạch toán chi phí của người lao động vào chi phí của DN trong khi người lao động kê khai không liên quan, hành vi đó của DN có dấu hiệu khai khống thuế.
“Nếu khai khống thuế, DN sẽ bị xử lý theo quy định, xử phạt hành chính và nếu trốn thuế trên 100 triệu sẽ bị xử lý hình sự”, vị lãnh đạo này cho biết.
"Công cụ xử lý DN trốn thuế, vi phạm về thuế đã có đầy đủ. Khi cơ quan thuế xử lý nghiêm, các DN không dám vi phạm, tránh gây ra phiền phức cho người dân".
TS Phan Phương Nam, Trường ÐH Luật TPHCM
Ðẩy việc khó cho người dân?
Theo TS Phan Phương Nam, Phó trưởng Khoa Luật thương mại (Trường ĐH Luật TPHCM), có tình trạng DN đăng thông tin tuyển dụng, lấy hồ sơ của người lao động. Sau đó, dù không tuyển dụng, DN vẫn lấy thông tin cá nhân của người lao động để khai khống thuế.
Ông Nam cho rằng, để giải quyết thực trạng này, cơ quan quản lý thuế cần thay đổi tư duy. Hiện nay, cơ quan thuế yêu cầu người lao động ký cam kết gửi cơ quan thuế là đẩy việc khó cho người lao động.
“Người lao động không thể dễ dàng đi tới đi lui ở cơ quan thuế làm cam kết trong khi lỗi không phải của mình. Cơ quan thuế yêu cầu người dân thực hiện việc không phải do họ gây ra là có phần vô lý. Nhà nước đã cho kê khai, quyết toán online tại sao không cho cam kết online? Nhà nước nên hỗ trợ người dân bằng cách cho gửi cam kết online như hình thức kê khai, quyết toán thuế TNCN online”, ông Nam kiến nghị.
Ông Nam nhấn mạnh, với cơ quan thuế, sau khi có cam kết của người dân không liên quan tới DN khai khống, cần gửi thông tin về chi cục thuế, cục thuế mà DN khai khống đang quản lý; phối hợp kiểm tra, rà soát, thanh tra DN, nếu cần xử lý hành vi trốn thuế.
“Công cụ xử lý DN trốn thuế, vi phạm thuế đã có đầy đủ. Khi cơ quan thuế xử lý nghiêm, các DN không dám vi phạm, tránh gây ra phiền phức cho người dân”, ông Nam nói.