Người dân bản '3 không' thoát nghèo nhờ nuôi cá 'hiếm' trên đỉnh núi

Nguyễn Thuỳ |

Đồng bào bản Pượn (xã Trung Sơn, Quan Hoá) bao đời nhọc nhằn, nghèo khó vì ở “ốc đảo” không đường, không điện, không sóng điện thoại. Vài năm nay, nhiều người dân đã vươn lên thoát nghèo nhờ đưa loài cá 'hiếm' về để phát triển kinh tế.

Thu hàng trăm triệu đồng/năm

Từ lâu, ông Hà Văn Khường (bản Pượn) đã có ý tưởng nuôi cá để phát triển kinh tế. Ban đầu gia đình ông đầu tư vốn thả các loại cá thuần như: Trắm, trôi, chép, mè, rô phi, nhưng qua một thời gian đưa vào nuôi, ông nhận thấy các loại cá này chậm phát triển, giá thành không cao, không có sức cạnh tranh, lại hay xảy ra dịch bệnh dẫn đến thất bại.

Sau này, trong một lần đánh bắt cá trên sông Mã, ông Khường phát hiện loài cá dầm xanh có đặc tính dễ nuôi, sinh sản nhanh, ông mang về nuôi thử. Thời gian đầu ông nuôi với số lượng chỉ có 30 con giống, đến nay, gia đình đã có trên 25 vạn cá giống.

Ông Khường cho biết, cá này dễ nuôi nhưng môi trường sống phải luôn sạch, ao nuôi phải có nước chảy vào, lối nước chảy ra, nếu nguồn nước đục, ô nhiễm cá sẽ còi cọc, sinh trưởng kém. 

"Cá dầm xanh mới nhìn giống cá trắm với thân mình thon dài nhưng lưng của chúng có màu xanh rêu, môi và vây màu đỏ. Đây là loài ăn tạp, thức ăn sẵn có chủ yếu là cỏ, ngô, sắn. Trọng lượng có thể lên tới hơn 10kg, thịt thơm, ngon, dễ thích nghi với nguồn nước tự nhiên", ông Khường nói.

Cá đạt kích cỡ từ 1,5kg - 2kg có thể cho thu hoạch, giá bán trung bình khoảng 150.000-200.000 đồng/kg. Trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu về từ 500-600 triệu đồng cả tiền bán cá giống và cá thịt.

"Khó khăn lớn nhất của bà con là không có đường, tuyến đường từ trung tâm xã vào đến khu ao nuôi cá của gia đình chủ yếu là đồi dốc đến mùa mưa hầu như thương lái không thể vào thu mua được", ông Khường bộc bạch.

Biết được mô hình nuôi cá dầm xanh có hiệu quả, nhiều người dân trong bản đã tìm đến ông Khường để học hỏi kinh nghiệm. Người nông dân này đã không ngần ngại hướng dẫn các hộ đào ao nuôi.

Gia đình anh Vi Văn Huyến cũng là hộ đã vươn lên thoát nghèo từ mô hình này. Năm 2018, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách rồi mua cá giống, đầu tư xây hai bể trát xi măng kiên cố. Vài năm trở lại đây nhờ mạnh dạn đầu tư nuôi cá, cuộc sống của gia đình anh đỡ vất vả hơn. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng từ nuôi cá giống.

Hiện bản Pượn có 39 hộ/174 nhân khẩu, với 100% người dân là đồng bào Thái. Trong đó, có 22 hộ nuôi cá giống dầm xanh, trung bình mỗi hộ có từ 1 - 3 ao nuôi.

Cá giống dầm xanh ở bản Pượn được mang đi các thị trường lân cận như huyện Quan Sơn, Bá Thước và một số huyện bên tỉnh Hoà Bình, Sơn La…

Từng bước thoát nghèo

Trưởng bản Pượn Vi Văn Nhất cho biết, mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là đường giao thông đi lại khó khăn, bản lại chưa có điện lưới, sóng điện thoại nên việc kết nối, giao thương, quảng bá giống cá còn hạn chế.

Người dân bản 3 không thoát nghèo nhờ nuôi cá hiếm trên đỉnh núi - Ảnh 1.

Hiện toàn bản Pượn có 22 hộ nuôi cá dầm xanh

"Đường sá đi lại khó khăn nên mỗi khi các gia đình mang cá đi nhập phải xuống tận trung tâm huyện mới có xe để gửi rất vất vả", ông Nhất nói.

"Cá giống dầm xanh ở bản Pượn hiện được các thương lái trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, thường xuyên đến thu mua về nhân giống với giá cao. Thu nhập, đời sống của người dân từ đó được cải thiện. Nhằm phát huy hiệu quả từ nuôi cá giống dầm xanh của các hộ dân, địa phương đã thành lập "Mô hình nuôi cá dầm xanh" và thu hút nhiều hộ tham gia", Trưởng bản Vi Văn Nhất cho biết thêm.

Theo ông Ngô Sỹ Tâm, Bí thư Đảng uỷ xã Trung Sơn, trên địa bàn xã ngoài mô hình nuôi cá trên lòng hồ thuỷ điện thì nuôi cá dầm xanh trong các ao của gia đình tại bản Pượn cũng được đánh giá cao, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

"Là bản nhiều không, không đường, không điện…nên việc phát triển kinh tế đối với đồng bào nơi đây là rất khó khăn. Tuy nhiên, từ khi có mô hình này, cuộc sống của bà con đã có sự thay đổi. Trăn trở lớn nhất của địa phương là đường không có dẫn đến giá thành cao nên khi đưa ra thị trường, sức cạnh tranh hơi khó.

Trong thời gian tới, sau khi được Nhà nước quan tâm làm đường, có điện lưới về, địa phương sẽ nhân rộng mô hình đặc biệt là nuôi cá con giống. Đây sẽ là hướng đi giúp đồng bào thoát nghèo nhanh chóng", Bí thư Đảng uỷ xã Trung Sơn khẳng định.

Được biết, mô hình nuôi cá dầm xanh được phát triển trong những năm gần đây ở một số tỉnh miền núi như: Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, nơi có nguồn nước mát, sạch. Hiện mô hình đang được huyện Quan Hoá khuyến khích nhân rộng để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại