Theo người nhà của chị Ng.T.Nh.(46 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM), chị này có một số răng bị sâu nên đã trồng lại một số răng giả.
Bấy lâu nay việc ăn uống của chị Nh.vẫn diễn ra bình thường, nhưng mới đây, trong lúc đang ăn cơm trưa bất ngờ chiếc răng giả rơi lúc nào chị không hay nên đã nuốt luôn với cơm vào bụng.
Sau khi bất ngờ “ăn” chiếc răng giả vào bụng, chị Nh. đau tức dữ dội vùng cổ ngực, không ăn được cơm. Lập tức người nhà hoảng sợ liền đưa chị Nh. đến bệnh viện để cấp cứu.
Ngày 27.11, bác sĩ Trương Ngọc Nhã – Trung tâm nội soi Xuyên Á, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) cho hay anh cùng ê kíp nội soi vừa gắp thành công một chiếc răng giả sắc nhọn cắm vào thực quản (nằm ở 1/3 giữa thực quản) của bệnh nhân Th., cứu bệnh nhân này thoát khỏi nguy cơ thủng ruột.
Trước đó khi tiến hành nội soi thực quản, các bác sĩ ở đây đã phát hiện trong dạ dày của bệnh nhân Th. có chứa dịch, niêm mạc dạ dày bị sung huyết và có một dị vật cắm vào 1/3 giữa thực quản.
“Dị vật này một đầu có móc inox sắc nhọn cắm vào thành thực quản. Các bác sĩ đã sử dụng một dụng cụ chuyên dùng gắp dị vật để đưa chiếc răng giả này ra khỏi thực quản của bệnh nhân mà không chảy máu ở thực quản”, bác sĩ Nhã cho biết.
Theo bác sĩ Nhã các dị vật đường tiêu hóa thường gặp nhất là xương cá, răng giả, vỏ bao phim của vỉ thuốc, tăm...
Đặc biệt đối với răng giả thường có móc sắt, khi nuốt trên đường di chuyển xuống bụng có thể làm rách thực quản, đến dạ dày có thể gây nghẹt môn vị dạ dày, thậm chí làm thủng ruột. Những trường hợp này đều phải can thiệp ngoại khoa để lấy dị vật ra.
“Người mang răng giả tháo lắp nên kiểm tra, tốt nhất nên trồng răng cố định. Khi đã lỡ nuốt răng giả, không nên cố móc họng, không nuốt cơm để trôi dị vật mà cần đi cơ sở y tế ngay.
Trong quá trình ăn uống và sinh hoạt hàng ngày phải rất thận trọng để tránh trường hợp hóc dị vật sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đường tiêu hóa và đôi khi nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Nhã khuyến cáo.