Người đàn bà đóng giày cho những đôi chân “dị biệt”

Ngọc Thiện |

Gần 40 năm làm nghề đóng giày, biết bao đôi chân khuyết tật đã ám vào cuộc đời của bà Tuyết, để lại những buồn vui, trăn trở.

Mỗi lần “đáp ứng” được nguyện vọng của họ, bà lại thấy tim mình reo vui, hạnh phúc. Thế nên, cái nghề đã gắn vào bà như là định mệnh, không thể bỏ được.

Truyền nhân làng giày

Trước những năm 1950, làng giày Khánh Hội (quận 4, TP. Hồ Chí Minh) đón những thế hệ thợ giày đầu tiên di cư từ ngoài Bắc vào lập nghiệp. Với đôi bàn tay khéo léo, thợ giày Khánh Hội đã tạo nên một không khí làm ăn nhộn nhịp vì sản phẩm của họ được người tiêu dùng ưa chuộng.

Quận 4 một thời được xem là “thủ phủ” đóng giày ở Sài Gòn, nhiều nghệ nhân được mời sang Campuchia đóng giày cho Quốc vương Norodom Sihanouk. Các tiệm Sáng, Tiến, Giày Sài Gòn, Khánh Hội… là một phần ký ức đô thị của nhiều người Sài Gòn sinh ra từ trước năm 1975.

Sau giải phóng, các thợ giày tập trung lại thành lập tổ hợp giày da và lên hợp tác xã vào năm 1980. Tuy nhiên, cũng như nhiều ngành sản xuất khác, nghề giày cũng vấp phải không ít thăng trầm bởi thị trường thu hẹp, cạnh tranh từ các địa bàn khác và hàng nhập lậu.

Càng về sau này, làng giày càng đìu hiu. Tuy nhiên, vẫn có những tiệm giày giữ được thương hiệu, tồn tại lâu bền do chủ nhân có một tình yêu đặc biệt với giày, quyết duy trì cho hậu thế cái nghề truyền thống.

Bà Bùi Thị Ánh Tuyết (57 tuổi) là truyền nhân đời thứ 3 trong gia tộc đóng giày nổi tiếng của làng giày quận 4 xưa kia.

Thời hoàng kim, tiệm giày của gia đình bà Tuyết có tên 555. Khi bà Tuyết lập gia đình, cha mẹ cho phép lấy thương hiệu riêng. Bà Tuyết đặt tiệm giày của mình là Tuyết Tiến (ghép hai tên vợ chồng).

Có nghề truyền nối, lại sở hữu bàn tay khéo léo, trí óc sáng tạo, bà Tuyết nhanh chóng trở thành một cái tên cả nước biết đến, thậm chí ra ngoài thế giới.

Những người biết bà toàn là dị nhân sở hữu một đôi chân “dị biệt”. Giới trong nghề gọi là “chân khó”, chỉ có bàn tay giỏi mới “trị được”.

Cuộc đời đóng giày của bà Tuyết không thể nhớ đã đóng được bao nhiêu đôi, gặp bao nhiêu con người. Tuy nhiên, cũng có những đôi chân để lại trong bà “sự ám ảnh” không chỉ độ khó về kỹ thuật mà cả hoàn cảnh, cuộc đời của nhân vật.

Chuyện mới nhất là trường hợp của một vị khách tên Hảo ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Đôi chân của bà Hảo thuộc hàng cao thủ của “dị biệt”. Bàn chân của bà Hảo cong queo, ngoằn ngoèo, phải mang giá đỡ và hai thanh sắt kẹp hai bên đầu gối.

Bà Hảo từng đi nhiều tiệm nhưng các thợ đều lắc đầu, nếu có ai nhận làm thì cũng không ưng ý, không vừa khuôn với bàn chân của bà.

Cho đến một ngày bà Hảo gặp bà Tuyết. Nhìn ngắm thật lâu đôi bàn chân vị khách, bà Tuyết trầm tư suy nghĩ. Nhưng cuộc đời làm giày của bà không hề có khái niệm từ chối, dù ca đó khó như... hái sao trên trời.

Sau khi có đôi giày ưng ý, bà Hảo lại tiếp tục đặt bà Tuyết làm các đôi tiếp theo. Lần này, do đường sá xa xôi, trắc trở, bà Hảo không thể xuống TP. Hồ Chí Minh được nên đặt hàng qua điện thoại.

Các chỉ số bà Hảo nhắn cho bà Tuyết: Cao, thấp 2.5cm, dài ngắn cũng 2.5cm. Các số liệu này chỉ có bà Tuyết hiểu. Nhưng cái khó là chân bà Hảo đang có giá đỡ và cây nẹp nên phải gò sống (làm trực tiếp) thì mới hiệu quả.

Nhận đơn hàng qua điện thoại, bà Tuyết suy nghĩ mấy ngày. Bà muốn đôi giày làm ra phải vừa vặn, giấu được khuyết tật và quan trọng nhất phải làm cho chủ nhân êm chân, đi lại thoải mái, tự tin. Giày của bà Hảo do bà Tuyết trực tiếp làm.

Bà tỉ mẩn ngày đêm, gò đẽo, khâu vá, uốn nắn, phải đặt bàn chân của mình trong hoàn cảnh đó thì mới làm ra được đôi giày đặc biệt.

Từ sự kết nối của bàn tay và đôi chân, bây giờ bà Hảo và bà Tuyết đã trở thành bạn tâm giao của nhau. Họ chia sẻ với nhau chuyện vui, chuyện buồn trong cuộc sống.

 Người đàn bà đóng giày cho những đôi chân “dị biệt”  - Ảnh 1.

Bà Tuyết luôn hài lòng với công việc của mình.

"Bảo bối" của những đôi chân khuyết tật

Bất cứ ai tiếp xúc với bà đều cảm nhận được sự gần gũi. Bàn tay của bà nâng niu những đôi chân khuyết tật, đôi mắt bà đắm đuối nhìn vào đó bằng một tình cảm yêu thương thật sự.

Mới đây, bà Tuyết nhận làm đôi giày cho người đàn ông chuẩn bị làm chú rể. Anh này bị tai nạn khi chỉ còn hai ngày nữa là tới ngày cưới, một bên chân bó bột trắng toát khiến cả hai họ đều vô cùng lo lắng.

Làm chú rể không thể xuất hiện bằng đôi chân như thế, cũng không thể đi chân đất rước dâu.

Anh này tới gặp bà Tuyết trình bày hoàn cảnh và mong bà thiết kế cho một đôi giày... chân to, chân bé. Nghe xong bà Tuyết khuyên nên đặt 3 chiếc cho đỡ phí. Khi nào bên chân bị gãy khỏi thì vẫn có một đôi để mang làm kỷ niệm.

Vị khách đồng ý, bà Tuyết chợt giật mình khi chỉ còn 2 ngày để vừa sản xuất, thiết kế, chế tạo ra 3 chiếc giày “dị biệt”. Dân trong nghề thừa hiểu, ngần ấy thời gian để hoàn thiện là một kỳ tích, khó thực hiện.

Lo lắng một chút, bà Tuyết sốc lại mình và tự cho đó là thử thách cần phải vượt qua.

Trong cuộc đời này, giới hạn là do con người đặt ra và nếu cứ làm hết sức mình thì chẳng có giới hạn nào là vĩnh hằng cả. Bà Tuyết vốn là người khoái đồ độc, lạ nên một khi “thượng đế” thích là bà “nóng máu” để làm cho bằng được.

 Người đàn bà đóng giày cho những đôi chân “dị biệt”  - Ảnh 2.

Vợ chồng bà Tuyết đã xây dựng thương hiệu giày Tuyết Tiến được gần 40 năm.


Gần 40 năm làm nghề đóng giày, biết bao đôi chân khuyết tật đã ám vào cuộc đời của bà, để lại những buồn vui, trăn trở. Bà Tuyết khẳng định, mình có thừa kinh nghiệm để xử lý tất cả các “ca khó”.

Mỗi lần “đáp ứng” được nguyện vọng của họ, bà Tuyết lại thấy tim mình reo vui, hạnh phúc. Thế nên, cái nghề đã gắn vào đời bà như là định mệnh, không thể bỏ được.

Trải qua được ngần ấy năm, bà Tuyết đóng vai người thợ nhiều hơn là bà chủ tiệm giày. Tiếp nhận một đôi chân, điều đầu tiên, bà Tuyết dùng mắt quan sát thật tỉ mỉ. Sau đó, dùng bút ghi chép các đặc điểm nhận dạng...

Đây sẽ là thông số quan trọng nhất để định hình cho một đôi giày. Khâu may vá, đục đẽo chỉ là bước hoàn thiện cuối cùng, cái đó người thợ nào cũng có thể làm được.

Nghề đóng giày truyền thống đang dần mai một, thế hệ sau này đã không còn mặn mà với nghề nữa. Nhưng nếu ai muốn học, đam mê với nghề thì bà sẽ dạy bằng cả trái tim của mình.

Ở làng giày, có lẽ bà Tuyết là nghệ nhân lập dị. Bà không đóng giày theo số lượng mà đóng theo cảm xúc, vui thì làm nhanh, buồn làm hơi lâu nên bà tự nhận mình có khuyết điểm, nhiều lần lỡ hẹn với khách.

Người ta phàn nàn thì bà lấy giá “hạt dẻ” nên cả chủ và khách cứ cười xuề với nhau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại