Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều thành viên kỳ cựu qua các đời ở ngành thể thao lắc đầu ngao ngán với hiện tượng hàng loạt người của Tổng cục TDTT đang xếp hàng trước nhiệm kỳ VIII VFF.
Nguyên Tổng Cục trưởng Lê Bửu từng chia sẻ: "VFF là tổ chức xã hội nhưng không thể nói Tổng cục TDTT không có trách nhiệm đặc biệt về những con người của mình "gửi" vào đấy. Tổng cục TDTT là cơ quan quản lý về mặt nhà nước nên càng phải giám sát kỹ những sai phạm về điều lệ mà VFF được Bộ Nội vụ thông qua.
Một khi Tổng cục TDTT "gửi" người của mình vào ứng cử các vị trí quan trọng ở VFF thì hơn hết phải đảm bảo đó là những người có uy tín, có chuyên môn và đặc biệt là có tư cách đạo đức bởi đó là bộ mặt của Tổng cục TDTT đại diện cho người nhà nước tham gia vào bộ máy liên đoàn".
Ông Bửu cũng kể thời VFF khóa I, khóa II do chưa có sự tham gia nhiều về mặt xã hội nên người của Tổng cục TDTT mới phải cáng đáng. Nay thì các liên đoàn hầu hết đều xã hội hóa rõ nét nên không nhất thiết người của Tổng cục TDTT lại tràn vào nhiều đến thế.
VFF là tổ chức xã hội nhưng nhiều lúc Tổng cục TDTT lại "gửi" người của mình vào nhiều quá. Ảnh: QUANG THẮNG
"Anh lo việc xã hội thì việc nhà nước anh sẽ không đảm đương tốt và ngược lại. Thế nên tôi ủng hộ việc người nhà nước nếu bận bịu nhiều với công việc của xã hội, của tổ chức liên đoàn thì chủ động rời các chức vụ ở nhà nước để có chỗ cho nhiều người khác lên làm" - ông Bửu nói.
Cùng ý kiến với nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu, nhiều nhà thể thao kỳ cựu, trong đó có cả các tiến sĩ thể thao thú thật rằng ở Tổng cục TDTT có hiện tượng "đặt cục gạch" giữ chỗ, lãnh lương ở Tổng cục rồi "bay nhảy" ở các tổ chức xã hội, ở các liên đoàn. Xã hội hóa để tận dụng nguồn lực xã hội sao lại là chỗ để nhiều người ở những bộ máy nhà nước tràn qua ăn 2-3 đầu lương?
Trước nhiệm kỳ VIII VFF nhiều người ngao ngán khi người của Tổng cục tràn vào và sẽ "đấu nhau" ở VFF nhiều quá. Điều này được chính giới chuyên môn chỉ ra rằng hình như Tổng cục TDTT hoặc không chỉ đạo được nên cử ai tham gia VFF hoặc cử không đúng người. Vì thế mà xã hội mới đề cử thêm người mà xã hội cho là có uy tín, có tài thực và giúp được cho bóng đá mà Tổng cục TDTT "quên".
Qua sự kiện trên, chuyện trong ngôi nhà Tổng cục TDTT được chỉ ra mà có thể Bộ VH-TT&DL ở "xa quá" nên không nhìn thấy. Đó là trong các cấp phó ở Tổng cục, có người hiểu về bóng đá, từng là cầu thủ và có chuyên môn lý luận cao về bóng đá và từng là phó chủ tịch LĐBĐ VN như ông Phạm Văn Tuấn lại không được giao quản lý, giám sát bóng đá.
Thay vào đó, Tổng cục TDTT lại "đẩy" cho cấp phó có chuyên môn… bóng chuyền "gắn bó" và "giám sát" bóng đá (!?). Hay trước đây, Tổng cục TDTT từng giới thiệu người của mình tham gia chức danh chủ tịch LĐBĐ VN mà ông này lại là dân chuyên môn… bóng rổ.
Cũng có thể vì Tổng cục TDTT tự loại người có chuyên môn mà xã hội và các CLB thấy bất hợp lý nên lại đề cử tham gia VFF khóa VIII.
Điển hình là đại diện CLB Becamex Bình Dương mới đây đề cử ông Phạm Văn Tuấn vào chức danh phó chủ tịch phụ trách chuyên môn. Chưa biết ông Phạm Văn Tuấn có nhận lời hay không nhưng tự nhiên tiến trình chuẩn bị VFF khóa VIII lại chật chội người của Tổng cục TDTT.
Hy vọng Tổng cục TDTT thực sự là cơ quan quản lý các liên đoàn, các hiệp hội thể thao về mặt nhà nước và có những chỉ đạo hoặc cử người xứng đáng để tránh những dị nghị về việc ưu ái người này và dìm người tài, người có chuyên môn.