Người con trai út bị lãng quên của Albert Einstein: Tư chất thông minh nhưng kết cục bi thảm và nỗi ám ảnh day dứt của người cha thiên tài

DIỆP LỤC |

Thiên tài Albert Einstein tạo ra những phát minh vĩ đại cho nhân loại nhưng không thể cứu nổi người con trai út của mình.

Nhà vật lý thiên tài Albert Einstein được cả thế giới ngưỡng mộ và ghi tên trong lịch sử nhân loại bởi những phát minh vĩ đại của mình. 

Tuy nhiên, trong cuộc sống cá nhân, Albert Einstein lại thất bại trong chính gia đình của mình, trong đó không thể không nhắc đến người con trai út của ông, Eduard Einstein.

Einstein đã kết hôn hai lần trong đời nhưng người vợ đầu của ông, bà Mileva Maric, lại là người vợ duy nhất sinh 3 người con cho ông. 

Einstein đã gặp Mileva Maric khi cả hai đều là sinh viên của Học viện Bách khoa Zurich. Bà lớn hơn Einstein 4 tuổi và là người duy nhất học vật lý tại Học viện này.

Sau khi kết hôn, cặp đôi có người con gái tên là Lieserl sinh năm 1902, không rõ tung tích và con trai Hans Albert sinh năm 1904. 

Mấy năm sau đó, Eduard Einstein ra đời, được gọi yêu là "Tete", có nghĩa là "bé nhỏ". So với người anh hơn 6 tuổi, Eduard được bố yêu quý hơn.

Ngay từ nhỏ, Eduard đã bộc lộ tư chất thông minh và năng khiếu âm nhạc. Cậu bé tỏ ra đam mê với thơ ca, piano và tâm thần học. 

Vào năm 6 tuổi, Eduard đã đọc Shakespeare và sau này đọc hết tác phẩm của Kant, Schopenhauer, Platon.

Người con trai út bị lãng quên của Albert Einstein: Tư chất thông minh nhưng kết cục bi thảm và nỗi ám ảnh day dứt của người cha thiên tài - Ảnh 1.

Albert Einstein và người vợ đầu tiên chụp hình năm 1912.

Con trai út của thiên tài vật lý vô cùng tôn thờ Sigmund Freud - cha đẻ trường phái Phân tâm học đến mức treo chân dung ông trong phòng ngủ. Cậu bé nuôi mộng trở thành bác sĩ tâm thần.

Tuy nhiên, Eduard lại có thể chất yếu ớt. Cậu bé thường xuyên vắng mặt trong các chuyến đi của gia đình vì bệnh tật. 

Thậm chí, Albert Einstein từng viết thư cho đồng nghiệp, bày tỏ sự lo lắng của mình về tình trạng của người con út: "Tôi tuyệt vọng về tình trạng của nó. Thằng bé không thể phát triển toàn diện".

Vào năm 1919, Einstein đã ly dị người vợ đầu tiên và cùng trong năm đó, ông kết hôn với bạn tình Elsa. 

Trong khi đó, hai cậu bé sống với mẹ sau khi gia đình tan vỡ. Dù đi bước nữa nhưng Einstein vẫn đảm bảo việc cung cấp tài chính và duy trì mối liên hệ với hai người con trai của mình. 

Tuy vậy, sự chia ly của bố mẹ đã để lại tổn thương cho cả Hans Albert lẫn Eduard.

Năm 1929, Eduard tốt nghiệp trường phổ thông chuyên chỉ dành cho học sinh giỏi, sau đó tiếp bước cha mẹ đỗ vào Học viện Bách khoa Zurich. 

Thời điểm ấy, Albert đã vô cùng nổi tiếng, khiến hai người con của ông cảm thấy rất áp lực. Trong một buổi tự phân tích tâm lý bản thân, Eduard viết: "Đôi lúc, thật khó khăn khi có người cha như vậy vì bạn sẽ thấy bản thân không quan trọng".

Eduard có mối tình với một người bạn học hơn tuổi nhưng sau đó mối quan hệ kết thúc không mấy tốt đẹp. Sau khi chia tay, Eduard suy sụp và từng cố gắng tự tử. 

Vào năm 1930, ở độ tuổi 20, chàng trai trẻ được chẩn đoán tâm thần phân liệt. Năm 1932, Eduard vào Bệnh viện tâm thần Burghölzli ở Zurich, bỏ dở sự nghiệp học hành. 

Bệnh tình của con trai út đã khiến Albert Einstein cảm thấy tuyệt vọng. Ông cho rằng Eduard bị di truyền gene xấu từ nhà ngoại, không có cách nào cứu vãn được.

"Đứa con trai tài giỏi của tôi, đứa con mà tôi coi là bản sao của mình, đã bị căn bệnh tâm thần không thể chữa được cướp mất", nhà thiên tài vật lý đau đớn chia sẻ với người bạn của mình.

Người con trai út bị lãng quên của Albert Einstein: Tư chất thông minh nhưng kết cục bi thảm và nỗi ám ảnh day dứt của người cha thiên tài - Ảnh 2.

Eduard (trái) bên anh trai Hans Albert.

Sau khi phát bệnh, Eduard tỏ ra chán ghét người bố của mình. Mặc dù vậy, Albert vẫn dành tình cảm cho con, là người đứng ra chi trả mọi chi phí điều trị. 

Ông cũng tích cực viết thư trao đổi với con về cuộc sống và thơ ca. Mọi lá thư của ông gửi đến con trai đều được mở đầu bằng "Tete yêu dấu", ký tên "Papa".

Đầu năm 1933, Albert về Zurich thăm con trai út, cầm theo cây violin của con. Trước đây, họ hay chơi đàn cùng nhau, lấy âm nhạc thể hiện những cảm xúc không thể diễn tả bằng ngôn từ. 

Cuộc gặp hôm ấy dường như diễn ra không mấy tốt đẹp. Ảnh chụp lại cho thấy hai bố con nhà vật lý ngồi cạnh nhau một cách gượng gạo. 

Albert, tay giữ đàn, nhìn đi hướng khác với vẻ mặt bất lực còn Eduard nhìn xuống sách, mặt nhăn nhó.

Rời Zurich, Albert không biết rằng mình sẽ không bao giờ gặp con út nữa. Đức Quốc Xã lên nắm quyền, nhà vật lý phải di cư sang Mỹ. 

Hans Albert cũng đi theo bố. Albert Einstein cố gắng đưa Eduard đến Mỹ nhưng không thể do tình trạng tâm lý không ổn định của con.

Các nhà lịch sử cho rằng những phương pháp điều trị tâm thần thời bấy giờ đã khiến bệnh tình Eduard ngày càng nặng. Hans Albert thì khẳng định em trai bị tổn thương vĩnh viễn về nhận thức và trí nhớ do liệu pháp sốc điện.

Người con trai út bị lãng quên của Albert Einstein: Tư chất thông minh nhưng kết cục bi thảm và nỗi ám ảnh day dứt của người cha thiên tài - Ảnh 3.

Suốt 30 năm, Eduard liên tục ra vào viện tâm thần, bà Mileva là người chăm sóc chính cho con. 

Dù được chồng cũ hỗ trợ tài chính từ xa, bà vẫn phải bán nhà để có tiền chi trả viện phí đắt đỏ. Năm 1948, Mileva qua đời, Eduard chuyển hẳn tới Bệnh viện Tâm thần Burghölzli.

Albert Einstein cảm thấy xót xa vì con phải ở một mình không có ai bên cạnh. Ông từng phải thốt lên rằng: "Nếu biết trước, tôi đã không để thằng bé đến với cuộc đời này".

Tháng 10/1965, ở tuổi 55, Eduard qua đời vì đột quỵ. 

Ông được chôn cất ở nghĩa trang Hönggerberg, Zurich. Không lâu trước khi mất, Eduard từng nói với một nhà báo: "Có người cha thiên tài chẳng giúp ích gì cho tôi cả".

Người con còn lại của Einstein cũng là một nhà khoa học, Hans Albert Einstein, đạt nhiều thành tích như học bổng Guggenheim, giải nghiên cứu từ Hiệp hội Kỹ sư Dân sự Mỹ nhưng không hề có giải Nobel. 

Thực tế, danh tiếng của Hans Albert mãi mãi không vượt qua được cái bóng của bố.

Bernhard Einstein, người con đẻ còn sống duy nhất của Hans Albert, lớn lên trở thành một nhà vật lý, nhận vài bằng sáng chế song vẫn không thể nào so với ánh hào quang của ông nội. 

Một bài báo trên Forbes năm 2016 nhận định so với người thường, Hans Albert cùng hậu duệ khá thành công nhưng nếu so với Albert Einstein - cha đẻ của thuyết tương đối - họ chẳng có thành tựu rực rỡ nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại