"Người có liên quan" - Thế lực nắm lượng lớn cổ phần tại các ngân hàng tư nhân

Thảo Vân |

Tại các ngân hàng tư nhân, các lãnh đạo chủ chốt đều nắm giữ lượng cổ phần dưới 5%, trong khi số lượng cổ phần của người có liên quan tới các lãnh đạo này lại lên tới hàng chục phần trăm.

Tính tới 1/8, VPBank, Techcombank, MB, OCB, Eximbank, ACB, MSB… đã công bố danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ, dựa trên thông tin cổ đông cung cấp. Tại nhiều ngân hàng, ngoài cổ đông tổ chức, các cá nhân liên quan đến Chủ tịch cũng sở hữu lượng lớn cổ phiếu.

Chủ tịch VPBank và người có liên quan nắm hơn 33,6% vốn điều lệ

Tại VPBank, tính đến 19/7, ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch VPBank đang nắm hơn 328,5 triệu cổ phiếu VPB, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 4,14%. Người có liên quan tới ông Dũng nắm giữ 2,34 tỷ cổ phiếu, tương đương sở hữu 29,5% vốn điều lệ.

Tổng cộng, ông Dũng và người có liên quan nắm giữ hơn 33,6% vốn điều lệ VPBank trong khi tỷ lệ sở hữu công bố cuối năm 2023 tại báo cáo quản trị theo Luật Chứng khoán là 13%.

Sự thay đổi này là do kể từ 1/7, theo Luật Các tổ chức tín dụng mới, cổ đông và người có liên quan được phép nắm giữ 15% thay vì 20% như trước. Trường hợp nhóm này sở hữu cổ phần vượt trần theo quy định mới vẫn được duy trì nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông có liên quan đến ông Dũng thay đổi lớn một phần do quy định mới mở rộng hơn về "những người có liên quan". Theo đó, danh sách những người có liên quan được mở rộng so với trước, gồm cả cha mẹ nuôi, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, anh em rể, chị em dâu, ông bà nội ngoại...

"Người có liên quan" - Thế lực nắm lượng lớn cổ phần tại các ngân hàng tư nhân- Ảnh 1.

Vợ Chủ tịch Techcombank và người liên quan nắm gần 1/3 vốn điều lệ ngân hàng

Còn tại Techcombank, các cá nhân nắm giữ nhiều hơn 1% đều là người có liên quan đến vợ chồng Chủ tịch Hồ Hùng Anh.

Cụ thể, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank nắm giữ 39,31 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 1,1% vốn điều lệ. Người có liên quan của ông Hồ Hùng Anh sở hữu 661,6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 18,78%.

"Người có liên quan" - Thế lực nắm lượng lớn cổ phần tại các ngân hàng tư nhân- Ảnh 2.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – vợ ông Hùng Anh đang giữ nhiều cổ phiếu nhất với 174 triệu cổ phiếu, tức 4,943% vốn ngân hàng. Bà Thủy hiện là Chủ tịch Công ty cổ phần One Mount Group và Công ty TNHH Việt Thành - Sài Đồng.

Nhóm người liên quan của bà Thủy cũng sở hữu 27,8% ngân hàng, tương đương với hơn 980 triệu cổ phiếu TCB. Tổng cộng, gần 33% vốn của Techcombank đang do nhóm cổ đông của bà Thủy sở hữu.

Hai người con của ông Hùng Anh và bà Thủy là Hồ Anh Minh, Hồ Thủy Anh mỗi người nắm giữ gần 4,9% vốn, người con còn lại là Hồ Minh Anh sở hữu hơn 2%.

Chủ tịch Trần Hùng Huy và người liên quan sở hữu gần 12% vốn ACB

Ở ACB, Chủ tịch Trần Hùng Huy và mẹ là bà Đặng Thu Thủy cũng là hai cá nhân sở hữu trên 1% vốn điều lệ ngân hàng, theo cập nhật đến 30/7.

Theo đó, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB đang sở hữu hơn 153 triệu cổ phiếu, tương đương 3,4% vốn ngân hàng. Còn người liên quan đến ông Huy đang sở hữu 367 triệu cổ phiếu, tương đương 8,2% vốn.

Tổng cộng, ông Trần Hùng Huy và người có liên quan nắm gần 12% vốn điều lệ tại ACB.

Còn bà Thủy, cũng đang nắm hơn 53 triệu cổ phiếu ACB, chiếm 1,2% vốn. Tỷ lệ sở hữu của người có liên quan đến bà Thủy còn lớn hơn của ông Huy, lên tới gần 10,5% vốn ngân hàng.

"Người có liên quan" - Thế lực nắm lượng lớn cổ phần tại các ngân hàng tư nhân- Ảnh 3.

19,9% vốn điều lệ của OCB nằm trong tay Chủ tịch và người có liên quan

Theo danh sách của OCB, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch OCB cùng người có liên quan, nắm giữ tổng cộng 19,9% vốn điều lệ.

"Người có liên quan" - Thế lực nắm lượng lớn cổ phần tại các ngân hàng tư nhân- Ảnh 4.

Ngoài các cổ đông là lãnh đạo cấp cao và người liên quan, danh sách còn xuất hiện một cổ đông "bí ẩn" khác là ông Nguyễn Đức Toàn. Hiện ông Toàn sở hữu hơn 74,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,637% vốn điều lệ. Người liên quan đến ông Toàn cũng sở hữu tới hơn 77,7 triệu cổ phiếu OCB, tương đương 3,784% vốn điều lệ. Tổng cộng, nhóm cổ đông này đang nắm giữ 152,4 triệu cổ phiếu OCB, tương đương 7,421% cổ phần OCB.

Bên cạnh các ngân hàng trên, một số nhà băng khác lại có dấu ấn của các cổ đông tổ chức.

Chẳng hạn tại MSB, nhóm của ROX Group – tiền thân là TNG Holding và một số doanh nghiệp khác đang giữ hơn 20% vốn của ngân hàng.

Hay tại Eximbank, Tập đoàn Gelex cũng mới "lộ diện" khi trở thành cổ đông lớn nhất của nhà băng này. Hiện, doanh nghiệp này sở hữu hơn 85,5 triệu cổ phần tương đương 4,9% vốn điều lệ của Eximbank.  

Trước đây, các ngân hàng chỉ phải công khai thông tin của cổ đông lớn nắm giữ từ 5% vốn hoặc thông tin của lãnh đạo cùng người có liên quan. Tuy nhiên, theo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ 1/7, ngân hàng cần phải công khai thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ. Đồng thời, danh sách người có liên quan cũng được mở rộng nhiều so với trước gồm cả cha mẹ nuôi, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, anh em rể, chị em dâu, ông bà nội ngoại...

Luật mới cũng giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.

Kể từ 1/7, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt trần theo quy định mới vẫn được duy trì nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại