Bạn có thể sử dụng những quy tắc này ở nơi làm việc và ở nhà để tránh rơi vào tình huống không mong muốn. Và khi rơi vào những tình huống khó xử, các quy tắc này sẽ giúp bạn tìm ra giải pháp. Bên cạnh đó sử dụng 5 quy tắc dưới đây còn giúp bạn hiểu và quản lý tốt cảm xúc của mình và người đối diện.
1. Quy tắc "cá heo xanh" để kiểm soát suy nghĩ tích cực
Trong tâm lý học, thuật ngữ "con gấu trắng" nhằm chỉ ra rằng khi càng cố kìm nén những suy nghĩ nhất định thì bạn sẽ càng tăng tần suất xuất hiện chúng trong tâm trí mình. Khái niệm này được lấy trong một tác phẩm của nhà văn người Nga Fyodor Dostoevsky. "Hãy thử làm việc này xem: Dù cố không tưởng tượng ra con gấu bắc cực, nó lại càng xuất hiện nhiều hơn từng phút từng giây".
Mỗi người vốn dĩ đều có "con gấu trắng" của riêng mình. Ở đây "con gấu trắng" có thể hiểu là cảm xúc lo lắng bồn chồn trước một cuộc họp. Hay khi mong muốn mua một thứ gì đó đắt đỏ nhưng càng làm ngơ bạn lại càng muốn sở hữu.
Như vậy, bạn phải xử lý "con gấu trắng" đó như thế nào? Câu trả lời là bạn cần một "cá heo xanh". "Cá heo xanh" là một suy nghĩ thay thế, thứ mà giúp bạn chuyển sự tập trung của mình sang khi "con gấu trắng" xuất hiện trong tâm trí.
Nếu "con gấu trắng" là nỗi lo trước mỗi bài thuyết trình hay phát biểu trước công chúng, bạn có thể thay thế nó bằng một "con cá heo xanh" với sự tự nhủ: Mình rất phấn khích khi làm việc này. Đây là cách giúp bạn chuyển những tiêu cực tiềm ẩn thành giá trị tích cực.
2. Quy tắc của sự im lặng khi rơi vào tình huống khó xử
Khi đối mặt với các câu hỏi thách thức, thay vì trả lời ngay lập tức, bạn dừng lại vài giây và suy nghĩ sâu sắc về nội dung muốn nói.
Bạn có thể dành 5, 10 thậm chí là 15 giây (hoặc lâu hơn) trước khi đưa ra phản hồi. Nếu không quen làm điều này, bạn có thể cảm thấy lúng túng ở những lần đầu. Song quy tắc này là công cụ tuyệt vời của tư duy phản biện.
Khi đối mặt với câu hỏi thách thức, bạn sẽ rất dễ mất kiểm soát cảm xúc dẫn đến nói điều không thực sự muốn nói. Dừng lại một chút trước khi trả lời, bạn sẽ kiểm soát được tình hình. Bạn cho mình thời gian để có những suy nghĩ thấu đáo mọi thứ. Đồng thời bạn tăng cường sự tự tin cho mình và chắc chắn về những gì muốn nói.
3. Quy tắc phạm vi
Mọi người đều muốn làm việc lớn nhưng không nhiều người hiểu được những gì cần thiết để làm được việc đó. Đó là lý do giải thích tại sao những ý tưởng hay không có nhiều và người hay công ty có thể thực hiện được ý tưởng đó lại rất ít.
Thuật ngữ "phạm vi" được sử dụng để mô tả chi tiết những gì liên quan đến thời gian, công sức và sự nỗ lực để hoàn thiện công việc. Như bạn có thể tưởng tượng cho dù làm việc trên một dự án phức tạp hay đơn giản, việc xác định phạm vi rất quan trọng. Nó sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng và công việc trở nên suôn sẻ.
4. Quy tắc viên kim cương
Không ai thích bị phê bình nhưng tất cả chúng ta đều cần nó. Bởi đây là cách tốt nhất để học hỏi và phát triển. Trong cuốn sách của Justin Bariso - EQ Applied: The Real-World Guide to Emotional Intelligence", ông đã so sánh phản hồi tiêu cực với một viên kim cương thô mới được khai thác. Nhìn bề ngoài, bạn sẽ thấy đó chỉ là một viên đá thô ráp, xù xì. Nhưng nếu được mài giũa, đánh bóng, viên đá xấu xí đó sẽ trở nên vô giá.
Lời phê bình cũng giống như một viên kim cương chưa được đánh bóng: Thật xấu xí. Nhưng giống như người thợ cắt kim cương chuyên nghiệp có thể biến hòn đá thô ráp, chưa được đánh bóng thành một thứ gì đó đẹp đẽ, bạn cũng có thể học cách chắt lọc lợi ích từ những lời chỉ trích khó nghe.
Đối với hầu hết chúng ta, bất cứ lời phê bình nào cũng thường được mặc định gắn nhãn là sự chỉ trích mà người khác sử dụng để công kích cá nhân. Chúng ta phản ứng lại bằng cách tự thu mình lại, hoặc tìm cách hạ bệ lại người phê bình. Điều đó dẫn đến việc bạn đóng cửa tâm trí và bỏ qua những gì người khác nói.
Nhưng có một vấn đề mà bạn ít khi thừa nhận: Sự chỉ trích thường bắt nguồn từ sự thật. Chỉ vì bạn thông minh và chăm chỉ không có nghĩa là bạn không bao giờ mắc lỗi. Bạn có thể cảm thấy thật tệ nếu ai đó nhìn thấy và nhắc nhở bạn đang bị tuột dây giày hay cúc áo bị lệch. Nhưng chẳng phải nhờ những lời góp ý chân thật đó mà bạn có thể nhìn lại bản thân trước khi bước vào cuộc họp hay gặp gỡ một đối tác quan trọng?
Tất nhiên, cũng có một số người quanh ta sẽ đưa ra những lời chỉ trích thẳng thừng, thiếu tế nhị. Nhưng ngay cả trong những trường hợp này, lời chỉ trích cũng vẫn có giá trị - bởi vì nó giúp bạn nhìn thấy hành động của mình thông qua một góc nhìn khác khách quan hơn. Từ đó bạn có thể điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với chuẩn mực chung.
5. Quy tắc làm mới
Điều này có liên quan đến việc dành thời gian để khẳng định lại mục tiêu, giá trị và nguyên tắc bạn cần thực hiện - thậm chí là liệt kê bằng văn bản. Sau đó đưa chúng trở thành trung tâm để giúp tập trung suy nghĩ và cảm xúc.
Điều này là cần thiết bởi chúng ta đang bị bao quanh bởi quá nhiều công việc. Bằng cách dành thời gian cần thiết để khẳng định lại những mục tiêu, viết ra điều quan trọng, bạn sẽ đưa suy nghĩ của mình trở lại trung tâm. Và tâm lý học dạy chúng ta rằng việc kiểm soát suy nghĩ cho phép kiểm soát cảm xúc của mình.
Vệ sĩ số 1 của Trung Quốc: Khởi đầu là nhân viên an ninh, được đích thân Warren Buffett mời làm việc với mức lương gần 1 tỷ đồng/giờ.