Ngất lịm vì chảy máu dạ dày không biết
Chị Hoàng Hải Quyên (34 tuổi, Thanh Nhàn, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, xanh xao. Trước đó, người thân phát hiện chị Quyên ngất sau khi đi làm về. Người nhà lo lắng tưởng chị Quyên ngất do bệnh tim mạch nào đó nên vội vàng đưa chị vào bệnh viện cấp cứu.
Tại bệnh viện, điện tim không có gì bất thường, nhưng bác sĩ đã phát hiện ổ loét dạ dày to gây chảy máu dạ dày và bệnh nhân bị mất máu nhiều nhưng không hề biết mình bị chảy máu dạ dày.
Chị Quyên cho biết, chị bị viêm loét dạ dày khoảng 10 năm nay. Tuy nhiên, chị không thấy có dấu hiệu đau thượng vị như mọi khi. Trước đây, mỗi lần có cảm giác đau thượng vị chị Quyên vội vàng đi nội soi dạ dày nhưng gần đây không thấy bệnh gì nên chị chủ quan không đi khám và không nghĩ bị xuất huyết dạ dày.
Ảnh minh hoạ.
Hay như trường hợp anh Nguyễn Văn Dự, Thanh Xuân, Hà Nội vào cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nôn ra cả máu và thức ăn. Người nhà của anh Dự cho biết anh đi uống rượu tối hôm trước đến sáng nôn ra máu và thức ăn nhưng anh còn nhầm đó có thể là dưa hấu chưa tiêu hóa từ hôm trước.
Nôn ra máu nhiều khiến anh tái nhợt, xanh xao. Anh vào cấp cứu bác sĩ chẩn đoán xuất huyết dạ dày. Anh Dự cũng có tiền sử viêm dạ dày nhưng không được điều trị triệt để.
Còn chị Vũ Thúy Hà (Thái Bình) cũng bị xuất huyết dạ dày. Chị Hà bị thoát vị đĩa đệm nên uống thuốc giảm đau trong thời gian dài. Khi bị ngất, người thân vội đưa chị vào bệnh viện khám thì kết quả chảy máu dạ dày từ nhiều ngày dẫn đến mất máu mà chị Hà không biết.
Chị Hà chưa bị viêm loét dạ dày nhưng việc sử dụng thuốc đã dẫn tới xuất huyết dạ dày nặng. Bác sĩ phải nội soi cầm máu vì sử dụng thuốc không có hiệu quả.
Bệnh nguy hiểm như nào?
Theo PGS Mai Duy Tôn – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai chảy máu tiêu hóa là một cấp cứu nhanh chóng. Bệnh nhân cần phải cầm máu để tránh mất máu. Xuất huyết dạ dày gây chảy máu ở niêm mạc dạ dày dẫn đến ói ra máu, đi cầu ra máu.
Đây là một biến chứng nặng của bệnh lý dạ dày. Có những trường hợp nhẹ nhưng cũng có nhiều trường hợp rất nguy hiểm, nếu không phát hiện và điều trị cầm máu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Hình ảnh xuất huyết trong dạ dày
Các dấu hiệu của chảy máu dạ dày:
Thứ nhất: Người bệnh nôn ra máu màu nâu đỏ kèm theo cả thức ăn. Trường hợp vỡ tĩnh mạch thực quản thì bệnh nhân nôn ra máu tươi.
Thứ hai: Chảy máu dạ dày người bệnh đi ngoài ra máu phân đen, phân nâu thậm chí phân có máu tươi
Thứ ba: Một số người có dấu hiệu mất máu xanh xao, hoa mắt. Thậm chí ngất xỉu, da tái xanh, người mệt mỏi, tụt huyết áp.
Xã hội phát triển, thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống của người dân thay đổi cũng là một trong những nguyên nhân gây nên xuất huyết dạ dày. Tuy nhiên, xuất huyết dạ dày thường xảy ra ở những người bị viêm loét dạ dày, có tiền sử nghiện rượu, stress nặng, lạm dụng thuốc giảm đau, kháng sinh có nguy cơ bị chảy máu dạ dày nặng hơn.
Bước 1: Để bệnh nhân nằm bất động, nâng cao chân, nên để bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng sang 1 bên tránh sặc dịch nôn vào đường hô hấp gây suy hô hấp, giữ ấm cho bệnh nhân và nhanh chóng đưa tới các cơ sở y tế.
Bước 2: có thể cho người bệnh dùng thuốc cầm máu với những bệnh nhân đã có tiền sử xuất huyết tiêu hóa thường phải có thuốc cầm máu dự phòng trong nhà.
Đặc biệt, người thân không nên cho người bệnh uống nước lạnh, nước đá để cầm máu vì ta chưa đánh giá được mức độ xuất huyết nên bệnh nhân có thể vào viện can thiệp nội soi cầm máu.Tất cả nước uống, cháo loãng đưa vào cho bệnh nhân thì có thể trở thành dị vật trào lên bệnh nhân khi có can thiệp. Không tự điều trị cho người bệnh.
Phòng chảy máu dạ dày cần điều trị và thăm khám thường xuyên nếu bị viêm loét dạ dày, không tự ý sử dụng thuốc kháng viêm, kháng sinh. Tăng cường vận động và ăn uống nhiều hoa quả, rau xanh.