Trước tiên, hãy thử suy nghĩ và trả lời câu hỏi này: trong nhóm bạn của bạn, có ai thật giàu không?
Sau đó tiếp tục trả lời câu này: Đã bao giờ họ là những người đứng ra chủ chi cho những cuộc vui? Số lượng chắc chắn sẽ rất ít, thậm chí là chẳng bao giờ. Bổ đầu người thì nói chuyện thôi.
Lúc này, có lẽ bạn cũng như nhiều người khác phải thốt lên một câu: Giàu mà... ki. Nhưng phải chăng vế còn lại "Ki nên mới giàu" cũng đúng? Hay chính đồng tiền đã làm họ keo kiệt?
Càng keo, càng xấu tính càng giàu?
Một nghiên cứu năm 1993 đã so sánh sự hào phóng của sinh viên các trường về vấn đề quyên góp từ thiện. Và kết quả thật bất ngờ: số lượng sinh viên Kinh tế - những người được cho là có hầu bao khá rủng rỉnh lại có số lượng người đồng ý đóng góp chỉ bằng một nửa so v ới các khoa Kiến trúc và Tâm lý học.
Công trình nghiên cứu của Paul Piff của ĐH Berkeley (Mỹ) cũng cho thấy kết quả tương tự. Piff đã đưa cho mỗi người một loạt các câu hỏi để họ tự đánh giá quyền lợi của bản thân, ví dụ "Nếu tôi ở trên tàu Titanic, tôi phải được xuống cái tàu cứu hộ đầu tiên".
Kết quả cho thấy: người giàu hơn có xu hướng đặt bản thân mình lên trên hết, cho rằng mình luôn giỏi về mọi thứ, và thường rất coi trọng "nhan sắc" bản thân, đặc biệt là trước khi chụp ảnh.
Người giàu có thường xấu tính và có xu hướng keo kiệt
Trong một nghiên cứu khác, Piff tập trung một nhóm người có thu nhập từ thấp đến cao, một số người có thu nhập lên tới 200.000 USD/ năm và cho mỗi người 10 USD. Họ phải chọn số lượng tiền họ sẽ cho đi, và thật bất ngờ: người có thu nhập thấp cũng là những người hào phóng hơn.
Tuy nhiên, Piff cũng cho rằng chưa thể kết luận được rằng vì giàu nên họ mới phải... ki bo hơn. Đơn giản là vì họ kỹ tính hơn với tiền bạc của bản thân, và đó là lí do mà họ giàu.
Đó không hẳn là sự keo kiệt, đó là sự kĩ tính và quý trọng đồng tiền
Đột nhiên có nhiều tiền có khiến cho con người trở nên xấu tính hơn?
Để xác định rõ hơn tác động của đồng tiền đến hành vi con người, Piff đã tổ chức một trò chơi giống như "Cờ tỉ phú".
Đầu tiên người chơi sẽ tung đồng xu để quyết định ai là người có quyền bắt đầu trò chơi với số tiền gấp đôi đối thủ, và nhận gấp đôi số tiền mỗi lần lượt chơi của họ thành công. Piff quan sát họ qua một cái gương một chiều để xem có điều gì thay đổi khi họ đang "giàu" hay không.
Hành vi của con người thay đổi đáng kể khi bỗng dưng có nhiều tiền?
Một số người trở nên ồn ào hơn, một số la hét và một số nhún nhảy chiếc xe đồ chơi trên bản đồ. Một số ăn nhiều bánh quy để trên bàn hơn.
Và khi kết thúc phần chơi, họ được hỏi về lí do thắng cuộc, họ đều trả lời về nỗ lực đã bỏ ra, về những quyết định chính xác... Nhưng tuyệt nhiên không một người nào nói về lợi thế ban đầu nhận được khi tung đồng xu.
Do đó, có lẽ khi có nhiều tiền, thậm chí là tạm thời hay tiền giả trong game, con người có xu hướng tự cho mình là trung tâm và trở nên xấu tính hơn chăng?
Sự thật hoàn toàn trái ngược
Nếu những nghiên cứu trên kiểm tra mức độ tốt bụng, nhân hậu trong cách cư xử nghe có vẻ mâu thuẫn, hãy xét đến hoạt động từ thiện.
Warren Buffett – nhà tỷ phú tự nguyện cho đi 99% tài sản của mình – có phải là trường hợp ngoại lệ hiếm có hay không?
Warren Buffett - một trong những tỷ phú từ thiện nhiều nhất thế giới
Trên thực tế, một số bằng chứng cho rằng nếu như con người có cực kỳ nhiều tiền, hoặc ít nhất sống trong khu vực "sang chảnh" toàn người giàu sẽ có xu hướng tốt bụng hơn bình thường.
Các nhà nghiên cứu đi đến 20 địa điểm khác nhau ở London, "rải" những bức thư đã dán tem kèm địa chỉ trên vỉa hè, và chờ xem có bao nhiêu bức thư được những người đi đường tốt bụng trả về nhà.
Kết quả cho thấy, trong những khu nhà giàu như Wimbledon, 87% lá thư được đến đúng nơi cần đến, được trả về với chủ nhân của chúng, trong khi con số này ở các quận thu nhập thấp hơn như Shadwell chỉ là 37%. Xin lưu ý, những bức thư đã được dán tem, nên người dân không cần tốn thêm xu nào để gửi chúng đi cả.
Điều đáng ngạc nhiên là những người giàu có thường thể hiện sự hào phóng một cách hoàn toàn tự nhiên - ở nơi họ ít bị nhận dạng và không ai trả ơn cho họ.
Ví dụ, theo số liệu do Kristin Brethel – Haurwitz và Abigail Marsh từ ĐH Georgetown thu thập, ở những bang có thu nhập cao ở Mỹ, số lượng người hiến thận cao hơn hẳn các bang khác. Điều đó cho thấy, sự tốt bụng đi đôi với sự sung túc.
Tiền không làm ảnh hưởng đến tính cách của con người
Stefan Trautman của ĐH Heidelberg (Đức) đã cố gắng loại bỏ những nghi ngờ bằng cách mở một cuộc điều tra quy mô trên 9.000 người tại Hà Lan. Ông nhận thấy những người có tình trạng kinh tế - xã hội cao thường độc lập, không phụ thuộc và không dính dáng tới những người khác.
Nhưng khi họ chơi một trò chơi về niềm tin tài chính, tất cả mọi người cả giàu lẫn nghèo đều có tỷ lệ phản bội đối tác ngang nhau. Tức là, tiền bạc ở đây tác động đến mọi người là như nhau.
Không phải tiền làm họ keo kiệt, mà bản chất họ như thế rồi.
Do đó lần tới khi tụ tập bạn bè, nếu bạn chú ý ai đó giàu có mà ít khi chi tiền, đó chẳng qua là bản tính họ như vậy, chứ không phải tiền làm cho họ keo kiệt đâu.
Nguồn: BBC