2 năm trước, câu chuyện cảm động về hành trình chiến đấu với căn bệnh hiếm gặp của bố con nghệ sĩ Quốc Tuấn đã lấy nước mắt của rất nhiều khán giả.
Sau 15 năm đằng đẵng cùng nhau vượt qua đau đớn, khó khăn, Bôm đã nỗ lực viết tiếp những trang tươi sáng cho cuộc đời mình bằng âm nhạc.
Đó cũng là cơ duyên giúp Bôm gặp được người bố thứ 2 của cuộc đời mình. Bôm từng bảo: "Ngoài anh Tuấn, Bôm còn một người bố nữa, Bôm yêu bố Mạnh nhiều lắm".
"Bố Mạnh" của Bôm chính là tiến sĩ (TS) Nguyễn Tiến Mạnh - người thầy dạy nhạc, đồng thời cũng là một trong những nghệ sĩ nhạc Jazz thành công nhất ở Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại.
TS.Nguyễn Tiến Mạnh cùng với bé Bôm trong buổi lễ trao học bổng tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Giấc mơ mang nhạc Jazz Việt Nam đến với quốc tế
Tháng 8 vừa rồi, TS.Nguyễn Tiến Mạnh vinh hạnh được mời trình diễn tại "Jazz Festival Ystad" ở Thụy Điển. Đây là một festival uy tín, được giới chuyên môn đánh giá "5 sao", quy tụ hơn 300 nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới.
Trong đó có những tên tuổi huyền thoại của làng nhạc Jazz như Benny Golson, Charles Lloyd, Joyce Moreno, Richard Galliano, Nils landgren...
Với TS. Nguyễn Tiến Mạnh, đây là một cơ hội để quảng bá hình ảnh nhạc Jazz Việt Nam ra thế giới.
Nam nghệ sĩ đã rất vui khi toàn bộ số vé của chương trình đều được bán hết, và ban tổ chức tiếp tục mời anh biểu diễn thêm một buổi nữa.
"Có thể khẳng định tôi là một trong những nghệ sỹ piano Jazz nói riêng nhạc Jazz nói chung của Việt Nam đầu tiên được mời diễn tại một trong những festival uy tín như thế này", nam TS tự hào chia sẻ.
Phần giới thiệu về tên tuổi của TS.Nguyễn Tiến Mạnh trên trang web của "Jazz Festival Ystad"
Trong vài năm trở lại đây, TS. Nguyễn Tiến Mạnh cũng tham gia biểu diễn rất nhiều concert quan trọng của quốc gia như: Lễ đón tiếp Chủ tịch Triều Tiên - Kim Jong Un, Tổng thống Mỹ - Donald Trump hay biểu diễn cho nữ hoàng Đan Mạch...
Không những vậy, TS.Nguyễn Tiến Mạnh còn tham gia giảng dạy nhạc Jazz Việt Nam tại trường Đại học tổng hợp Lund (top 100 trường đại học uy tín trên thế giới) tại Châu Âu vào tháng 4 năm 2019.
Với tất cả những điều đã và đang nỗ lực cố gắng, TS.Nguyễn Tiến Mạnh cho biết anh luôn mang trong mình khát vọng đem Jazz Việt Nam đến với thế giới, dù bối cảnh hiện tại còn nhiều hạn chế.
"Chúng ta hiện vẫn đang chậm rất nhiều so với thế giới tuy nhiên khoảng cách sẽ được ngắn gần trong 5 đến 10 năm tới.
Vài năm gần đây có rất nhiều học viện, trung tâm tại Việt Nam có giảng dạy về nhạc jazz. Tuy nhiên giữa nhạc jazz được viết sẵn (Jazz tra transcriptions - như âm nhạc cổ điển) với nhạc jazz ngẫu hứng (jazz chính quy) còn rất cách xa nhau 1 trời một vực.
Tôi có thể khẳng định 100% chỉ có duy nhất tại khoa Jazz - Học viện Âm nhạc Quốc gia là đào tạo nhạc Jazz chính quy.
Công tác giảng dạy và biểu diễn của Khoa Jazz hiện nay không hề thua kém các chương trình đào tạo nhạc Jazz trên thế giới. Bởi đội ngũ các GS, TS, giảng viên của chúng tôi là những người được đào tạo bài bản chính quy tại nước ngoài.
Chương trình cũng tổng hợp sự tiến bộ của các nước Mỹ, Thụy Điển, Pháp... trên tinh thần có điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh, thực tiễn của học sinh sinh viên Việt Nam.
Đặc biệt, ban lãnh đạo Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt nam, đặc biệt là PGS.TS Lê Anh Tuấn (Giám đốc học viện - PV) cũng luôn quan tâm, định hướng xây dựng Khoa Jazz trở thành một cơ sở đào tạo nhạc Jazz có uy tín trong khu vực Đông Nam Á", TS.Tiến Mạnh nói.
TS.Nguyễn Tiến Mạnh luôn ấp ủ giấc mơ đưa Jazz Việt Nam đến với quốc tế.
"Thành công hay không là sự nỗ lực của chính Bôm"
Với những trăn trở và hoài bão của mình trên con đường tìm bản sắc riêng cho jazz Việt Nam trong quá trình hòa nhập quốc tế, TS.Nguyễn Tiến Mạnh tâm sự: "Để trở thành một nghệ sỹ nhạc jazz, chúng tôi cũng đã phải hy sinh tập luyện học hành cả quá trình dài tối thiểu là chục đến hai chục năm.
Và không được phép dừng lại mà không ngừng tập luyện và nỗ lực nâng cao chính mình. Chúng tôi học từ thế giới, nhưng rồi tìm ngược lại những nét đặc trưng của âm nhạc dân gian Việt Nam trong các loại hình như dân ca, chèo, cải lương, nhã nhạc cung đình...
Sau đó kết hợp khéo léo chúng lại với nhau, để vừa giữ được những đặc trưng của nhạc Jazz, vừa mang lại bản sắc riêng. Đây chính là điều khiến chúng ta có thể "mang Jazz đi đánh xứ người" được".
Khi nhắc về bé Bôm - cậu học trò đặc biệt của mình, TS. Nguyễn Tiến Mạnh tâm sự: "Bôm có khuyết tật ở một số cơ ngón tay, nên luyện tập vất vả hơn các bạn. Nhưng cũng chính vì thế, mà Bôm luyện tập có phần chăm chỉ hơn các bạn.
Hiện kết quả học tập ở trường của Bôm khá tốt. Nhưng về tương lai, tôi không dám hứa trước điều gì.
Với một người nghệ sĩ nhạc Jazz, việc thể hiện cái tôi riêng của mình là điều cực kỳ quan trọng. Quá trình đó phải mất ít nhất là 10 năm. Mọi thứ với Bôm mới chỉ là bắt đầu.
Tôi chỉ có thể đem tất cả những kinh nghiệm mình có để truyền đạt lại cho Bôm và các bạn học sinh ở Khoa Jazz. Còn có thành công hay không, là ở nỗ lực của chính Bôm và các bạn".
TS.Nguyễn Tiến Mạnh cho biết hiện Bôm đang là một trong những học sinh có kết quả học tập tốt tại Khoa Jazz