Người bố nuôi con teo não bị sỉ vả, dọa chém: Tại sao chúng ta mở vòng tay nhưng trái tim lại khép?

Vũ Mạnh Cường |

Một người cha độc thân nuôi hai đứa con trai bị teo não. Anh đem hai con rời khỏi quê nhà đến đô thị lớn nhất nước để có nhiều cơ hội hơn kiếm tiền nuôi con.

Thất học, không có vốn liếng, không có người thân quen, người cha cũng không thể làm gì hơn ngoài những việc chỉ kiếm đủ khoản tiền chi tiêu rất tùng tiệm cho ba cha con.

Một ngày kia, có tờ báo phát hiện ra trường hợp thương tâm của anh và đăng câu chuyện đó lên báo. Như một lẽ đương nhiên, những người hảo tâm bắt đầu xuất hiện đem tiền bạc và các món quà thiết yếu tặng cha con anh. Thêm những tờ báo khác đăng tải câu chuyện của anh và số người giúp đỡ cũng nhiều hơn. Kéo theo đó là những hệ luỵ.

Bao lâu nay, cứ mỗi khi bắt gặp những hoàn cảnh thương tâm, người Việt chúng ta thường làm một việc rất phổ biến là giúp đỡ bằng vật chất. Giúp tiền là cách giúp nhanh nhất, dễ nhất, cho hiệu quả tức thì, nhưng nhiều khi cũng là cách giúp hời hợt nhất.

Từ thương cảm đến việc mở hầu bao chỉ diễn ra trong tích tắc, mà ít ai chịu nghĩ đến rằng những con người rơi vào cảnh đời khiến ta động lòng đó sau khi nhận được tiền sẽ ra sao, sau khi số tiền đó hết sẽ thế nào?

Người bố nuôi con teo não bị sỉ vả, dọa chém: Tại sao chúng ta mở vòng tay nhưng trái tim lại khép? - Ảnh 1.Người cha đã từng khiến hàng triệu khả giả phải rơi lệ giờ đang đang phải hứng chịu quá nhiều búa rìu dư luận.

Trợ giúp đào tạo nghề để họ có việc làm ổn định - cách giải quyết vấn đề căn cơ cho những người có hoàn cảnh đáng thương - đáng tiếc là vẫn chưa phải là cách được thực hiện rộng rãi trong xã hội.

Người cha trong câu chuyện này hẳn đã vô cùng mừng rỡ khi thấy rằng kể cho báo chí nghe câu chuyện của mình là cách đỡ cực nhất để kiếm được tiền chăm hai con.

Nhưng anh không thể cứ kể mãi một câu chuyện. Các nhà báo đòi hỏi phải có tình tiết mới, bài báo viết sau phải có thông tin mới, phải hay hơn bài báo đã viết trước đó; mà cao điểm là chương trình game show nơi mà anh được hát bài xin tiền trước khán giả của cả nước.

Người cha tội nghiệp thiếu bản lĩnh bị cuốn vào vòng quay đó, và anh đã chế thêm những tình tiết tưởng như vô thưởng vô phạt, nhưng đã để lại những hệ quả không hề nhỏ.

Người đàn ông đã từng khiến khả giả phải rơi lệ về hoàn cảnh éo le của mình giờ đang đang phải hứng chịu quá nhiều búa rìu và gạch đá.

Người đời quy kết anh là thiếu lòng tự trọng, đi quá ranh giới đạo đức cho phép, đem hai đứa con tội nghiệp ra trục lợi, lợi dụng lòng cả tin của công chúng để kiếm tiền.

Quả thực, lòng tự trọng đối với người cha là một thứ xa xỉ. Trong cuộc sống hôm nay, có không ít người lành lặn có cơ hội kiếm tiền và cuộc sống bình thường, nhưng chỉ đứng trước một món lợi nho nhỏ cũng đã sẵn sàng hạ mình.

Chỉ cần có một đứa con bị teo não thôi, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ thấy khổ sở như thế nào. Đằng này người cha ấy lại có đến hai đứa con bị teo não.

Người bố nuôi con teo não bị sỉ vả, dọa chém: Tại sao chúng ta mở vòng tay nhưng trái tim lại khép? - Ảnh 2.

Có người đặt câu hỏi: Tại sao anh không gửi hai con vào trung tâm bảo trợ trẻ em, còn bản thân thì đi lao động một cách trung thực?

Thử hình dung xem cuộc sống của hai đứa bé ấy trong một trung tâm bảo trợ trẻ em nhé: Với việc thỉnh thoảng lại bị lên cơn, thì chắc chúng sẽ bị xích, bị nhốt; chắc người chúng sẽ bê bết trong chất thải. Không ngoại trừ chúng bị bỏ đói, bị ngược đãi.

Vậy thì việc quyết định giữ hai con lại bên mình, tự tay chăm sóc chúng, lo cho chúng ăn, tắm rửa cho chúng, lấy nụ cười của chúng trong những lúc tỉnh táo làm niềm vui, sẵn sàng chịu những trận đánh của chúng mỗi khi chúng lên cơn (mà chúng thì ngày một lớn và những cú đấm cú đá của chúng mỗi ngày một mạnh hơn, đau hơn) đã đủ thấy anh là người cha đáng tôn trọng.

Trong hoàn cảnh của anh ấy, không đi ăn cắp để nuôi con là tốt lắm rồi. Nếu phải tự hạ mình để không phải đi ăn cắp thì cũng còn hơn.

Người đời có vẻ không vui khi vỡ lẽ ra số tiền mà anh nhận được từ các nhà hảo tâm lên đến vài trăm triệu đồng. Ở một số người có thứ tâm lý rất kỳ lạ là nếu anh đi ăn xin và tôi là người cho anh tiền, thì anh đừng mong có được số tiền nhiều hơn số tiền mà tôi có.

Tâm lý ấy đã khiến người ta trút phẫn nộ lên người đàn ông, mà không chịu hiểu rằng chính sự giúp đỡ vô trách nhiệm bằng cách đơn giản là mở hầu bao cho tiền đã dẫn đến tình cảnh này.

Nhưng mấy trăm triệu của thiên hạ cho anh sẽ giúp bố con anh tồn tại được bao lâu? Số tiền đó có thể giảm bớt những khó khăn của anh, nhưng có thể giảm bớt nỗi khổ của anh không?

Tôi rất tâm đắc với câu nói của ông Đoàn Ngọc Hậu, Chủ tịch xã Hương Lộc quê nhà của người đàn ông có hai con bị teo não: "Theo tôi, dù cho sự thật có thế nào đi nữa, dù anh Nghị nhận được sự giúp đỡ nhiều đến đâu thì cũng khó bù đắp được những vất vả, tổn thương mà anh đang phải gánh chịu"!

Vòng tay của nhiều người trong chúng ta đã mở, nhưng dường như tay mở mà trái tim vẫn còn khép. Đừng chỉ trích người đàn ông đó nữa. Hãy mở nốt trái tim để cùng hướng tới một giải pháp căn cơ làm vơi đi nỗi buồn của cuộc sống vốn đã quá nhọc nhằn của họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại