Nhiều người xây chuồng heo như bà Lan
Liên quan đến vụ việc UBND TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) thực hiện vụ cưỡng chế chuồng heo, tạm giữ 10 con heo của gia đình, bà Phan Thị Lan (trú thôn Đông An, phường Hòa Thuận), dù rất bức xúc nhưng đã có nhiều chia sẻ thẳng thắn về việc làm của chính quyền địa phương.
Bà Lan bên chuồng heo bị cưỡng chế
Bà Lan khẳng định một lần nữa chuồng heo nhà bà là một nhà kho rộng 3m, dài 7m có từ năm 2000. Sau khi một bức tường bị đổ vì lốc, gia đình bà đã cải tạo lại làm nơi chăn nuôi heo với 11 con.
"Tôi vừa mới làm căn nhà rất to 2 tầng mà chỉ có 3 mẹ con sống nên không có nhu cầu làm nhà khác. Tôi muốn cải tạo lại cái nhà kho để chăn nuôi kiếm thêm thu nhập.
Tôi từng là cán bộ, là người có uy tín ở địa phương và hiểu biết pháp luật nên không làm gì trái pháp luật", bà Lan nhấn mạnh.
Theo bà Lan, khu vực thửa đất của bà Lan được quy hoạch là đất tái định cư cho Khu công nghiệp Thuận Yên. Tuy nhiên, dự án này treo suốt 10 năm nay. Thửa đất của bà Lan cũng nằm trong vùng điều chỉnh quy hoạch khai thác đất lẻ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
"Tôi biết trên đất này xây cái gì cũng phải xin giấy phép. Nhưng vấn đề là tôi chỉ cải tạo nhà kho cũ của mình để chăn nuôi thì bị cưỡng chế, đập bỏ.
Trong khi đó hàng xóm và nhiều hộ cũng xây chuồng nuôi heo nhưng không bị đập bỏ", bà Lan thắc mắc.
Một chuồng heo cách chuồng heo bị cưỡng chế của gia đình bà Lan khoảng 100m nhưng không bị xử lý
Theo quan sát của PV, xung quanh thửa đất của gia đình bà Lan có nhiều chuồng chăn nuôi heo vừa mới xây dựng. Cụ thể, cách nhà bà Lan khoảng 100m là chuồng nuôi heo được xây dựng năm 2016 của gia đình ông Trương Văn Hòa.
"Tôi ở đây lâu nên biết đó là nhà kho cũ mà bà Lan cải tạo lại làm chuồng nuôi heo. Có mấy cái chuồng mới xây dựng gần đây nhưng không thấy ai xử lý. Tôi cảm thấy rất lạ", một người hàng xóm bà Lan cho hay.
"Nếu làm đúng luật, phải đập bỏ tất cả"
Bà Lan cho hay bà sẽ gửi đơn kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Nam để xem xét lại về vụ việc.
"Nếu việc cưỡng chế này đúng pháp luật, nghiêm minh thì phải cưỡng chế tất cả các hộ xây dựng chuồng trại chăn nuôi khác như gia đình tôi.
Nếu vậy, tôi sẽ không có ý kiến gì cả", bà Lan nói.
Chị Trương Thị Ý An, con gái bà Lan, cho rằng cách ứng xử của chính quyền địa phương là chưa phù hợp.
Theo chị An, nếu lực lượng chức năng lo ngại việc xây chuồng heo để đòi đền bù đất sau này thì có thể làm bản cam kết để gia đình ký. Gia đình sẵn sàng ký cam kết không đòi bồi thường đối với chuồng heo nếu sau này có giải tỏa.
Bà Lan cho biết sẽ khiếu nại vụ việc lên UBND tỉnh Quảng Nam
Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận (TP Tam Kỳ), thừa nhận có nhiều hộ gia đình khác cũng xây chuồng heo như gia đình bà Lan nhưng chưa bị xử lý.
"Thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tham mưu cho cấp trên xử lý những trường hợp này", ông Sơn nói.
PV báo điện tử Trí thức trẻ đã liên hệ với UBND TP Tam Kỳ để làm rõ hơn về việc cưỡng chế chuồng heo gia đình bà Lan.
Tuy nhiên, ông Văn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ - người ký quyết định cưỡng chế, cho biết đang đi công tác.
Ông Tuấn ủy quyền lại cho Phó chủ tịch Nguyễn Minh Nam là người phụ trách lĩnh vực xây dựng trả lời báo chí. Mặc dù vậy, ông Nam cho rằng ông Tuấn là người ký quyết định cưỡng chế nên phải là người trả lời.