Người bệnh tim mạch đối phó với nắng nóng thế nào?

TS.BS. Lê Văn Dũng |

Trong những ngày nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời dao động 34 đến hơn 40 độ C đã ảnh hướng rất lớn đến sức khoẻ mọi người, nhất là đối với người già, trẻ nhỏ và đặc biệt là những người bị bệnh tim mạch.

Để thích ứng với thời tiết nóng nực, cơ thể điều chỉnh bằng cách tăng tiết mồ hôi và giãn mạch máu ngoại biên. Khi tiết nhiều mồ hôi cơ thể sẽ mất nước, giảm thể tích máu lưu thông, trong khi đó tim vẫn phải co bóp để đảm bảo bơm đủ lượng máu đi khắp cơ thể.

Do thể tích máu giảm nên tim phải làm việc nhiều hơn, tăng sức co bóp và tăng số tim trong một phút. Mặt khác khi vận động, mồ hôi ra nhiều, mất dịch nhiều, các cơ vận động đòi hỏi cần được cung cấp nhiều máu hơn. Khi mất quá nhiều dịch, thân nhiệt tăng lên, các cơ quan bị tổn thương, nhất là hệ thần kinh và tim mạch: người bệnh rất mệt mỏi, mất tỉnh táo, thiếu tập trung, tim đập nhanh, huyết áp tăng.

Đối với một số bệnh tim mạch như: suy tim, bệnh mạch vành, khi nắng nóng tim phải gắng sức co bóp, làm tình trạng suy tim tăng lên, có thể gây tử vong. Mặt khác, tim gắng sức sẽ tăng nhu cầu ôxy của tim nên dễ dẫn đến thiếu máu cơ tim cục bộ gây cơn đau thắt ngực, mệt, khó thở, nặng hơn là nhồi máu cơ tim.

Những người đã đặt stent mạch vành hoặc van tim cơ học, việc mất nước khiến máu bị cô đặc, dễ tạo cục máu đông gây tắc stent hoặc kẹt van tim là những tình huống hết sức nguy hiểm.

Các thuốc tim mạch cũng góp phần ảnh hưởng tới người bệnh tim mạch trong thời tiết nắng nóng. Thuốc lợi tiểu làm mất nước, thuốc ức chế bêta làm giảm nhịp tim khiến tim không đáp ứng đủ như mức cần thiết để thích ứng với nắng nóng.

Những dấu hiệu nguy hiểm xuất hiện khi nắng nóng

Thời tiết nắng nóng gây ra hai hiện tượng kiệt sức do nóng và sốc nhiệt, những hiện tượng này rất dễ xảy ra đối với người bị bệnh tim mạch.

Kiệt sức do nóng: biểu hiện ra mồ hôi nhiều, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn và nôn, chuột rút, da lạnh và ẩm ướt, mạch nhanh, thở nhanh nông.

Sốc nhiệt: là tình trạng bệnh lý nặng nhất do nắng nóng, xảy ra khi cơ thể không còn khả năng điều hòa thân nhiệt. Thân nhiệt có thể tăng lên 40 độ C hoặc cao hơn trong 10-15 phút.

Sốc nhiệt có thể gây tử vong hoặc để lại những hậu quả nặng nề nếu không được điều trị kịp thời. Những dấu hiệu cảnh báo gồm: thân nhiệt tăng trên 40 độ C; không ra mồ hôi; hoa mắt, chóng mặt; đau đầu dữ dội; nôn ói; da đỏ, nóng, khô; mạch nhanh, hoản loạn hay bết tỉnh.

Các biện pháp người bệnh tim mạch cần biết để phòng tránh khi nắng nóng

- Nên ở trong nhà vào thời gian nắng nóng nhất là từ 10 -15h, nếu có thể thì ở nơi có máy điều hòa nhiệt độ, mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.

- Nếu có việc phải ra ngoài cần mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, đội mũ. Nếu việc không cần thiết thì nên đi vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối.

- Không ăn quá no, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, hạn chế lượng muối ăn vào. Nên ăn nhiều trái cây tươi như cam, quýt, chuối, nho để cung cấp đầy đủ các chất điện giải cho cơ thể, không uống rượu, bia, cà phê. Cần phải uống thuốc đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

- Uống đủ nước. Tuy nhiên, cần lưu ý người suy tim tránh uống quá nhiều nước vì làm tăng gánh nặng cho hệ tim mạch. Người bệnh tim cần theo dõi cân nặng mỗi ngày để bù vừa đủ lượng nước, chẳng hạn khi cân nặng giảm 1kg có nghĩa mất đi 1 lít nước nên cần uống lượng nước tương ứng để bù vào.

- Hạn chế vận động thể lực để tránh mất muối nước và tăng gánh nặng cho tim.

Tóm lại, thời tiết nắng nóng gay gắt là mối nguy hại cho người bệnh tim mạch đặc biệt là người bị suy tim và bệnh động mạch vành, thường xuất hiện nhiều biến chứng phức tạp làm bệnh thêm nặng hơn và có thể ảnh hướng tới tính mạng. Vì thế, những người bị các bệnh về tim mạch trong lúc thời tiết nắng nóng cần hết sức thận trọng để tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại