Người bệnh tim mạch cần chú ý gì khi tập luyện?

BS. Phạm Quang Thuận |

Cùng với dùng thuốc, dinh dưỡng hợp lý, tập luyện có vai trò hết sức quan trọng, hỗ trợ điều trị đối với những người có bệnh tim mạch.

Tập luyện cải thiện và tăng cường chức năng tim mạch

Người bệnh tim mạch cần chú ý gì khi tập luyện? - Ảnh 1.

Người bệnh tim mạch cần có phương pháp tập luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.

Mục tiêu chung của tập luyện thể lực đối với bệnh nhân tim mạch là nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe toàn thân thông qua tăng cường chức năng tim mạch. Vì vậy, tập luyện có tác dụng và ít gây căng thẳng khi huy động được nhiều nhóm cơ tham gia.

Lợi ích có được của việc tập luyện là nhờ duy trì đều đặn, thường xuyên, một cách có hệ thống, phù hợp với đặc điểm trạng thái thể lực và bệnh lý của mỗi người. Hiệu quả của các bài tập lên tim phụ thuộc vào tần số, cường độ và thời gian luyện tập.

Khởi động kỹ trước mỗi buổi tập và thư giãn đủ sau khi tập nhằm giúp cơ thể cũng như hệ thống tim mạch thích nghi với lượng vận động.

Để tránh tập quá sức, người tập cần biết cách xác định cường độ vận động phù hợp bằng tần số tim cần duy trì khi tập qua công thức: (220 - số tuổi) x (60% hoặc 70%). Ví dụ người 60 tuổi thì nhịp tim tối đa trong lúc tập luyện chỉ nên ở mức: (220 - 60) x 70% = 112 lần/phút.

Phương pháp tập luyện hiệu quả và ít gây nguy hại là tập ngắt quãng, luân phiên giữa các bài tập khó và dễ, thời gian của mỗi bài tập không nên quá dài, mức độ gắng sức phải phù hợp với mỗi người. Thời gian tập luyện trong khoảng 30-60 phút mỗi ngày hoặc 150 phút hàng tuần.

Những người có thể trạng yếu, thời gian tập có thể rút ngắn hơn, hoặc thay vì tập luyện có thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như làm vườn, lau nhà, hay tất cả các công việc sinh hoạt khác có thể.

Tập luyện với một số bệnh tim mạch thường gặp

Rối loạn nhịp tim

Đốii với những người bệnh này nên chú trọng luyện tập sức bền như đi bộ, chạy chậm… bởi sức khỏe toàn thân được nâng cao sẽ giúp cải thiện khả năng dung nạp với những rối loạn chức năng tim mạch.

Người bệnh tim mạch cần chú ý gì khi tập luyện? - Ảnh 2.

Đi bộ phù hợp với người bị rối loạn nhịp tim.

Người bị suy tim

Cần cân nhắc lựa chọn bài tập phù hợp với mức độ suy của tim và khả năng đáp ứng vận động của cơ thể.

Gắng sức vừa phải được coi là mức độ tập luyện phù hợp. Nghiên cứu cho thấy các bài tập sức mạnh như nâng, đẩy an toàn và hiệu quả với những người mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, tải trọng cần giảm và không vượt quá 60% tải trọng tối đa có thể nâng được bằng duy nhất một động tác.

Bệnh nhân suy tim cơ lực thường yếu, vì vậy nên giảm tải trọng và tăng số lần lặp lại mỗi bài tập. Nên tập các bài tập sức mạnh sau các bài tập tăng cường sức khỏe chung.

Chống chỉ định tập luyện ở những người đau thắt ngực không ổn định; suy tim mất bù, phình giãn cơ tim, bệnh van tim nặng (đặc biệt là hẹp động mạch chủ), viêm cơ tim hoạt động, thiếu máu cơ tim cục bộ nặng; rối loạn nhịp nặng như nhịp nhanh thất, block nhĩ – thất hoàn toàn, rối loạn nhịp nhĩ tần số cao, loạn nhịp mới xuất hiện hoặc chưa xác định; tăng huyết áp không kiểm soát, tụt huyết áp; suy nhược cơ thể nặng; nhiễm khuẩn tiến triển.

Đảm bảo an toàn tập luyện

Thời điểm tập luyện phù hợp, tránh điều kiện bất lợi của thời tiết, khí hậu, nhiệt độ môi trường. Không tập lúc quá nóng, quá lạnh, khi vừa ăn no hoặc lúc quá đói….

Chú ý đặc điểm cá thể, tình trạng bệnh của mỗi người để lựa chọn loại hình vận động thích hợp. Cường độ, khối lượng vận động phải phù hợp, tăng dần theo khả năng thích nghi của cơ thể, không tập quá sức, tập nặng đột ngột khi chưa có sự chuẩn bị thể chất đầy đủ.

Người tập cần biết cách tự kiểm tra, theo dõi nhận biết tình trạng sức khỏe và ảnh hưởng của tập luyện đối với sức khỏe qua tần số mạch (nhịp tim), huyết áp trước khi tập, sau khi tập ở các cường độ vận động khác nhau, sau khi được nghỉ ngơi đầy đủ; cảm giác ngon miệng; thời gian và chất lượng giấc ngủ; sự thay đổi trọng lượng cơ thể…

Thông báo kịp thời những biểu hiện bất thường cho nhân viên y tế để điều chỉnh, ngăn ngừa những biến cố do tập luyện gây ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại