Người bệnh sốt xuất huyết có nên truyền dịch tại nhà?

Minh Khánh/VOV.VN |

Nếu bù dịch tốt, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết sẽ tránh được mất nước, giảm được biến chứng của bệnh. Tuy nhiên bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân tuyệt đối không được truyền dịch tại nhà.

Tại miền Bắc, thời điểm này cũng đang vào mùa mưa, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi nảy nở, dẫn đến các bệnh truyền nhiễm gia tăng, trong đó có sốt xuất huyết.

Theo Bộ Y tế, thống kê tổng hợp từ các địa phương cho thấy, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 190.005 trường hợp mắc, 72 tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4 lần, tử vong tăng 53 trường hợp.

TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn Aedes Aegypti. Bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, nguy hiểm và phục hồi.

Người bệnh sốt xuất huyết có nên truyền dịch tại nhà? - Ảnh 1.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Ở giai đoạn đầu của sốt xuất huyết (khoảng 3 ngày), thường người bệnh có triệu chứng sốt cao, có thể điều trị ở nhà. Các biện pháp điều trị chủ yếu là nghỉ ngơi, chườm mát, uống thuốc hạ sốt paracetamol nếu có sốt cao, uống từ 2 - 3 lít nước/ngày bao gồm oresol, nước hoa quả, sữa, cháo, nước canh nhằm tăng cường sức đề kháng, giúp bảo vệ thành mạch và làm tình trạng bệnh sớm được cải thiện hơn. Tuyệt đối không uống các loại thuốc hạ sốt khác như Aspirin, Ibubrofen… vì làm tăng nguy cơ xuất huyết. Nhưng từ 3 - 7 ngày tiếp theo, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Đây chính là giai đoạn nguy hiểm, người bệnh cần đến cơ sở y tế theo dõi và điều trị đề phòng những biến chứng xảy ra. Ở giai đoạn phục hồi (sau ngày thứ 7), lúc này người bệnh đã tạo ra kháng thể đào thải virus.

TS Nguyễn Đăng Mạnh cho biết, người bệnh sốt xuất huyết thường đột ngột sốt cao từ 39- 40 độ trong 3 - 4 ngày đầu kèm cơ thể mệt mỏi, đau nhức hốc mắt, đau nhức xương khớp, đau đầu. Một số người còn bị viêm họng hoặc viêm đường hô hấp nên không muốn ăn uống. Nếu không biết cách bù nước có thể xảy ra biến chứng ở giai đoạn nguy hiểm như giảm tiểu cầu, máu cô do tăng tính thấm thành mạch, gây thoát huyết tương. Nếu bị thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến tình trạng sốc. Đồng thời có dấu hiệu xuất huyết như: xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết não, xuất huyết nội tạng, xuất huyết ồ ạt do giảm tiểu cầu. Nếu không được theo dõi, bù dịch, truyền khối tiểu cầu có thể nguy hiểm đến tính mạng.

“Việc bù nước điện giải giai đoạn đầu rất quan trọng, nó ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị cũng như tiên lượng của bệnh. Nếu bù dịch tốt, bệnh nhân sẽ tránh được mất nước, giảm được biến chứng của bệnh và làm hạn chế những bất lợi giai đoạn nguy hiểm của bệnh. Tuy nhiên, đây chỉ là giai đoạn đầu của sốt xuất huyết, còn giai đoạn nguy hiểm tiếp theo, bệnh nhân cần lưu ý để bác sĩ theo dõi chặt chẽ hơn. Do vậy, bệnh nhân cần được khám để bác sĩ chỉ định có nên theo dõi tiếp ở nhà hay phải nhập viện. Đặc biệt, ở ngày thứ 5, 6, 7 là chuyển sang giai đoạn tái hấp thu dịch vào mạch máu. Nếu bù nước quá nhiều sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không được tự ý truyền dịch tại nhà”- BS Nguyễn Đăng Mạnh cho biết.

Cũng theo TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, việc tự truyền dịch tại nhà hoặc sử dụng dịch vụ y tế tại nhà mà không có sự kiểm soát chặt chẽ của nhân viên y tế là hết sức nguy hiểm. Bởi theo bác sĩ, khi truyền dịch tại nhà, người bệnh phải đối diện với rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra, đó là phản vệ đối với dịch truyền. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng nêu rõ, không phải bệnh nhân sốt xuất huyết nào cũng cần truyền dịch và được truyền dịch.

Người bệnh sốt xuất huyết có nên truyền dịch tại nhà? - Ảnh 2.

Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước ghi nhận hơn 190.000 ca mắc sốt xuất huyết, 72 người tử vong.

“Những bệnh nhân có bệnh lý về tim mạch, hô hấp, đôi khi việc truyền dịch sẽ làm tăng gánh nặng của tim, dẫn đến việc sẽ nguy hiểm hơn là bệnh nhân không truyền dịch. Vì vậy, bác sĩ tuyệt đối khuyến cáo bệnh nhân không được truyền dịch tại nhà”- BS Hùng cảnh báo.

TS.BS Thân Mạnh Hùng cho biết, việc truyền dịch tại nhà sẽ không được đảm bảo như tại bệnh viện. Vì vậy, việc có thể nhiễm khuẩn vi khuẩn trong quá trình thao tác động tác truyền dịch vào cơ thể rất dễ xảy ra, cần phải hết sức lưu ý.

Theo BS Hùng, trong bệnh cảnh của sốt xuất huyết, những ngày đầu tiên có thể truyền dịch được, còn thời điểm bệnh nhân đang trong giai đoạn thoát dịch, việc truyền dịch không được kiểm soát dễ dẫn đến tràn dịch ở các mạch, tràn dịch màng phổi, tim, bụng, có thể làm nặng thêm tình trạng của bệnh của bệnh nhân”- BS Hùng cho biết.

Các chuyên gia y tế cho biết, từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Đây cũng là giai đoạn có rất nhiều biến chứng xảy ra, cụ thể: Biến chứng nhẹ nhất là xuất huyết dưới da kèm theo cảm giác ngứa da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Nặng hơn là xuất huyết đường tiêu hóa như phân đen, đi ngoài lẫn máu, nôn ra máu tươi hoặc máu đông. Nguy hiểm hơn là xuất huyết não, xuất huyết ổ bụng, viêm não, viêm gan, viêm cơ tim. Những biểu hiện này có thể ảnh hưởng tới tính mạng.

Vì vậy các chuyên gia y tế khuyến cáo người nhà cần theo dõi bệnh nhân sát sao. Nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu như nôn nhiều, bụng đau không rõ nguyên nhân, đau đầu, đi tiểu ít, vật vã, li bì hoặc có dấu hiệu xuất huyết thì lập tức đưa ngay bệnh nhân tới bệnh viện để được theo dõi điều trị, tránh tình trạng để xảy ra diễn tiến nặng (sốc, xuất huyết nặng, suy đa tạng), thậm chí tử vong nếu không được xử trí điều trị kịp thời./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại