Người bán thịt lợn khai được con rể cựu Chủ tịch Tổng Công ty 3/2 nhờ đứng tên cổ đông

Hoàng An |

Tại phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Đại Dương (con rể ông Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch Cty 3/2) phủ nhận việc nhờ người đứng tên cổ đông tại công ty do mình làm chủ, nhưng người được nhờ khai tại thời điểm đó anh ta bán thịt lợn, không có tiền và được Dương nhờ đứng tên.

Chiều 16/8, HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Nguyễn Đại Dương (chủ Công ty Âu Lạc) trong vụ án “thâu tóm” hai lô đất vàng tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Trình bày tại tòa, bị cáo Dương khai, năm 2010, sau khi nghe bố vợ là ông Nguyễn Văn Minh trao đổi về việc Tổng công ty 3/2 có khu đất 43ha đầu tư khả quan, Dương đã trao đổi với một số người, trong đó có bị cáo Nguyễn Quốc Hùng, rồi thành lập Công ty Âu Lạc vào tháng 6/2010 để đầu tư vào dự án tại khu đất này.

Theo Dương, việc thành lập Công ty Âu Lạc do các cổ đông thực hiện, bị cáo chỉ biết chút ít về quá trình thành lập và các hoạt động của doanh nghiệp này. Bị cáo thừa nhận có tham gia kết nối, song không tham gia quá trình soạn thảo hợp đồng khi Công ty Âu Lạc thỏa thuận thành lập liên danh với Công ty Tân Phú.

Dương khai thêm, để đi đến ký kết giữa hai bên, bị cáo Hùng là người trực tiếp đến gặp ông Nguyễn Văn Minh tại Tổng công ty 3/2. Sau khi Hùng soạn thảo hợp đồng ký kết, bị cáo là người tham gia góp ý.

“Bị cáo không biết Công ty Âu Lạc đã chuyển bao nhiêu tiền cho Tổng Công ty 3/2, chỉ biết anh Hùng từng nói Tổng Công ty 3/2 cho một địa chỉ để làm trụ sở Công ty Tân Phú, nhưng lại không cho sử dụng địa chỉ đó, Tổng Công ty 3/2 cũng không cấp kinh phí cho đối tác mà bỏ mặc làm ngơ. Âu Lạc phải tự bỏ nguồn lực để cho Công ty Tân Phú chuẩn bị các bước liên danh thực hiện dự án", bị cáo Dương khai.

Vẫn theo bị cáo, chỉ đến khi Viện kiểm sát ra cáo trạng, Dương mới biết Công ty Âu Lạc đã chuyển tiền cho Tổng công ty 3/2. Bị cáo cũng biết việc Công ty Âu Lạc và Tổng Công ty 3/2 ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất 43ha. Tuy nhiên, bị cáo không tham gia quá trình ký kết này.

Liên quan đến việc chuyển nhượng dự án trên khu đất 43h cho Công ty Kim Oanh (ở TP HCM), bị cáo Dương cho biết, sau khi thực hiện một thời gian thì gặp khó khăn, bị cáo có đi hỏi đại diện Công ty Kim Oanh có mua không. Sau khi đưa hồ sơ khu đất dự án, phía Kim Oanh đã đồng ý mua. Bị cáo là người giới thiệu để ông Nguyễn Quốc Hùng làm việc trực tiếp với đối tác Kim Oanh, mức giá chuyển nhượng đất trên hợp đồng là do Kim Oanh đưa ra.

Sau khi thỏa thuận xong hợp đồng, Kim Oanh lại không chuyển 20 tỷ đồng tiền đặt cọc cho phía ông Hùng, mà lại chuyển vào tài khoản của bị cáo. Dương cho rằng, mục đích của Kim Oanh là muốn Dương cùng chịu một phần trách nhiệm về phi vụ chuyển nhượng 43ha đất.

Người bán thịt lợn khai được con rể cựu Chủ tịch Tổng Công ty 3/2 nhờ đứng tên cổ đông - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Đại Dương tại tòa. Ảnh chụp màn hình tại tòa án.

Nhờ người bán thịt lợn đứng tên cổ đông

Nguyễn Đại Dương cho rằng Viện kiểm sát quy kết bị cáo “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” nhưng không đưa ra căn cứ pháp lý nào, cũng không có phụ lục thể hiện rút ra từ bút lục nào.

Cũng tại phần khai báo của bị cáo Dương, HĐXX công bố việc quá trình điều tra thu giữ tài liệu thể hiện bị cáo nhờ anh Dương Đình Tâm đứng 45% cổ phần tại Công ty Âu Lạc. Tuy nhiên, Dương phản bác ý kiến của HĐXX và cho rằng, anh Dương Đình Tâm từng đi tù 2 năm vì đứng tên trên giấy tờ hộ cho một người khác.

Trước phủ nhận trên của Dương, chủ toạ cho cách ly bị cáo để hỏi người làm chứng là Dương Đình Tâm.

Ông Tâm phủ nhận việc bản thân là cổ đông góp vốn vào Âu Lạc, việc đứng tên cổ đông là do bị cáo Nguyễn Đại Dương nhờ và cho biết, không hề quen Nguyễn Đại Dương, thông qua một người bạn tên Quân giới thiệu, ông Tâm có lần vào TP. HCM gặp Dương, bị cáo này đưa một số giấy tờ cho anh ký.

"Thực tế tôi không góp vốn, không có tiền. Thời điểm lúc đó, tôi bán thịt lợn", ông Tâm nói.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, xuất phát từ mối quan hệ thân thích gia đình, Nguyễn Đại Dương được cha vợ là ông Nguyễn Văn Minh cho biết sẽ triển khai dự án trên khu đất 43ha. Do đó, Dương và Minh đã thành lập liên doanh để có pháp nhân thực hiện Dự án là Công ty Âu Lạc.

Dương sau đó nắm quyền chỉ đạo và giao cho Nguyễn Quốc Hùng (bạn kinh doanh) làm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật.

Ngay sau khi thành lập Công ty Âu Lạc , Nguyễn Đại Dương đã chỉ đạo Hùng ký Hợp đồng hợp tác với Tổng Công ty 3/2 để thành lập liên doanh Công ty Tân Phú với mục đích nhận chuyển nhượng khu đất 43ha với giá 500.000 đồng/m2.

Theo viện kiểm sát, Nguyễn Đại Dương không đứng tên góp vốn thành lập Công ty Âu Lạc nhưng kết quả điều tra và lời khai của các cổ đông cho thấy, Dương nhờ Dương Đình Tâm đứng tên hộ 45% cổ phần tại Công ty Âu Lạc và là người trực tiếp điều hành công ty này.

Quá trình liên doanh, năm 2016, Tổng Công ty 3/2 chưa chuyển nhượng khu đất 43ha cho "sân sau' là Công ty Tân Phú; chưa xin chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc nhưng Dương đã trực tiếp đàm phán, thỏa thuận với Nguyễn Thị Kim Oanh (ở TPHCM) chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty Tân Phú (Chủ đầu tư dự án Khu dân cư - Thương mại - Dịch vụ Tân Phú trên khu đất 43ha) cho công ty của bà Kim Oanh với giá 350 tỷ đồng; cam kết nếu không thực hiện sẽ bồi thường 800 tỷ đồng và giao cho Nguyễn Quốc Hùng (đại diện Công ty Âu Lạc) ký hợp đồng hứa mua hứa bán vốn góp.

Để tạo điều kiện cho Công ty Âu Lạc do con rể Nguyễn Đại Dương điều hành, ngày 8/12/2016, bị cáo Nguyễn Văn Minh đã đại diện Tổng Công ty 3/2 ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú với giá hơn 250 tỷ đồng.

Viện kiểm sát kết luận, Dương giữ vai trò xuyên suốt, thúc đẩy, hỗ trợ, tạo điều kiện cho cha vợ và đồng phạm gây thất thoát số tiền hơn 964 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại