Ngày 25-8-1969, Mỹ mở chiến dịch Cù Kiệt tập trung lực lượng rất lớn để giành lại Cánh đồng Chum. Đây là cố gắng lớn nhất của Mỹ và tay sai Lào so với bất kỳ một cuộc hành quân nào trước đó.
Địch đã huy động 20 tiểu đoàn đặc biệt với 12.000 quân (trong đó phải kể đến 4 tiểu đoàn biệt kích, 1 tiểu đoàn cơ động, 3 tiểu đoàn thám kích đặc biệt, 6 tiểu đoàn phỉ), cùng với 5.000 quân Thái Lan mặc quân phục ngụy Lào.
Có cả máy bay B52 và 5 đại đội máy bay chiến đấu, 100 máy bay lên thẳng với lực lượng pháo binh hùng mạnh do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) chỉ huy.
Quân tình nguyện Việt Nam và QĐND Lào gặp mặt mừng chiến thắng. Ảnh do tác giả cung cấp.
Trong chiến dịch Cù Kiệt, mỗi ngày Mỹ huy động hàng trăm lượt máy bay, cả B52 thay nhau đánh phá lực lượng yêu nước Lào. Trước tình hình đó, liên quân chiến đấu Lào-Việt quyết định mở chiến dịch phản công mang mật danh 139 có nhiệm vụ kiên quyết tiêu diệt địch lấn chiếm Cánh đồng Chum và khôi phục, mở rộng vùng giải phóng.
Từ ngày 15-9-1969 đến tháng 1-1970, liên quân chiến đấu Lào-Việt loại khỏi vòng chiến đấu 7.800 tên địch và 5 tiểu đoàn của chúng, gây thiệt hại nặng 7 tiểu đoàn khác, bắn rơi và phá hủy 89 máy bay, thu hàng nghìn súng các loại, khiến các cố vấn Mỹ, Thái Lan và tướng Vàng Pao phải bỏ chạy sang Thái Lan, đồng thời thu hồi toàn bộ khu vực Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng và Mường Sủi.
Thắng lợi của chiến dịch 139 đã giáng một đòn rất mạnh vào lực lượng Vàng Pao vốn là lực lượng nòng cốt của Mỹ trong "chiến tranh đặc biệt", bước đầu đánh bại học thuyết Nixon ở Lào, tạo chuyển biến có lợi về so sánh tương quan lực lượng của cách mạng Lào, mở ra nhiều triển vọng cho cuộc đấu tranh cả ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao để giải quyết vấn đề Lào.
Bị thất bại nặng nề trên chiến trường, tinh thần quân ngụy Lào sa sút nghiêm trọng, không còn khả năng tổ chức đánh vào các vùng giải phóng. Mỹ và quân ngụy Lào phải chấp nhận giải pháp 5 điểm của Mặt trận Lào yêu nước, chính phủ phản động Viêng Chăn phải đàm phán với phái đoàn Pathet Lào.
Ngày 21-2-1973, Mỹ và ngụy Lào phải ký Hiệp định Viêng Chăn lập lại hòa bình, hòa hợp dân tộc Lào. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ chưa từ bỏ âm mưu dùng quân sự thôn tính nước Lào, vẫn duy trì 20 tiểu đoàn lính đánh thuê Thái Lan, 2.000 quân Mỹ và viện trợ hơn 300 triệu USD để duy trì hơn 100.000 quân ngụy tiếp tục đánh phá cách mạng Lào.
Chúng bất chấp lệnh ngừng bắn theo Hiệp định Viêng Chăn, liên tiếp mở các cuộc lấn chiếm vùng giải phóng, đe dọa đảo chính, nhưng vẫn không đảo ngược được tình thế.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào Chansamone Chanyalath tiếp Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, năm 2016. Ảnh do tác giả cung cấp.
Trước thắng lợi của cách mạng Việt Nam, ngày 5-5-1975, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào họp hội nghị mở rộng, quyết định: "Phát động quân và dân cả nước nổi dậy với thế trận ba vùng và bằng ba đòn chiến lược đồng loạt tấn công địch, giành chính quyền trong thời gian ngắn nhất, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ lịch sử vẻ vang của dân tộc".
Sau 6 ngày (từ ngày 18 đến 23-5-1975), các lực lượng vũ trang giải phóng Lào đã tạo được thế bao vây, chia cắt chiến lược toàn Lào. Nghị quyết mới của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã thúc đẩy phong trào tấn công, nổi dậy giành chính quyền ở 13 tỉnh và 4 thành phố.
Chính quyền cách mạng đã làm tan rã hơn 30.000 quân đánh thuê cho Mỹ, vô hiệu hóa lực lượng sĩ quan địch, tạo điều kiện để nhân dân nhanh chóng giành chính quyền hoàn toàn.
Theo nguyện vọng của nhân dân, đầu tháng 12-1975, tại thủ đô Viêng Chăn đã diễn ra Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Lào. Đại hội đã quyết nghị một số vấn đề quan trọng như xóa bỏ chế độ quân chủ, thành lập nước CHDCND Lào.
Đây là thắng lợi vang dội mà nhân dân các dân tộc Lào anh em đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, giải phóng hoàn toàn đất nước Lào khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, viết nên trang sử huy hoàng nhất, rực rỡ nhất của nhân dân Lào, đem lại độc lập, tự do cho nhân dân, đưa Lào bước vào kỷ nguyên phát triển mới, vô cùng tươi sáng: Kỷ nguyên của hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng.
Cay đắng trước thất bại, Mỹ và tay sai vẫn tiếp tục tìm mọi cách gây khó khăn, âm mưu đảo chính bằng cách tập hợp tàn quân còn lọt lưới trong nước cùng với bọn phản động lưu vong ở Thái Lan tổ chức gây rối, vu khống, xuyên tạc chính sách của Nhà nước Lào.
Do đó, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vẫn là nhiệm vụ nặng nề của QĐND Lào. Từ sau năm 1975, QĐND Lào đã phải tiến hành nhiều chiến dịch đập tan các cuộc bạo loạn ở Bắc Lào.
QĐND Lào, một quân đội thực sự từ nhân dân mà ra, đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển của cách mạng Lào. Đối với nhân dân Lào thì tận trung, tận hiếu; đối với địch thì kiên quyết, bất khuất; đối với QĐND Việt Nam thì thủy chung, chia sẻ gian nguy, sống chết chung một chiến hào./.
*Thiếu tướng HUỲNH ĐẮC HƯƠNG, Trưởng ban liên lạc toàn quốc, nguyên Chính ủy Bộ tư lệnh Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào.