Hành trình đầy những yêu thương
“Bà ơi… bà…” cậu bé 14 tuổi đã cao lớn, ngồi chơi một mình trước cửa lớp học; ánh mắt ngây dại bỗng như tươi tỉnh, cất tiếng gọi khó khăn khi nhìn thấy nụ cười hiền hậu của bà Nga.
Bà Nga bước từng bước chậm rãi, nhẹ nhàng đến xoa đầu dỗ dành đứa trẻ vào lớp: “Con ngoan rồi chiều bà bảo bố đến đón nhé!”. Cậu bé như hiểu những điều bà nói, ngoan ngoãn gật đầu đi vào.
Trong lớp là đủ lứa tuổi, có cháu 10 tuổi đã lớn vẫn ê a học chữ cái, có trẻ nhỏ hơn, không nói được nhưng đã biết ngồi ngay ngắn, tay cầm bút viết được nửa trang chính tả nắn nót, sạch sẽ theo hướng dẫn; nhưng cũng có những cháu mới được nhận vào Trung tâm Hy Vọng học, vẫn đang cố gắng chỉ để làm được theo sự chỉ huy của cô giáo…
Bà Nga quay sang chúng tôi trăn trở: “Nhìn đơn giản thế thôi nhưng để dạy dỗ các cháu là sự kiên trì rất lớn; mỗi cháu một cách khác nhau và có những cháu đã tiến bộ từng ngày”.
Có lẽ như có duyên nợ với những trẻ bị di chứng não, chậm phát triển trí tuệ, suốt 20 năm nay, bà Đỗ Thúy Nga, Giám đốc Trung tâm Hy Vọng (ở Kim Mã, Đống Đa, Hà Nội; thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TP Hà Nội) đã sáng lập và “chèo lái” để Trung tâm trở thành nơi gửi gắm, dạy dỗ những đứa trẻ không may khuyết tật về trí não, là chỗ dựa tinh thần cho gia đình các em.
Ở tuổi 80, độ tuổi nhiều người đã mắt mờ, chân chậm nhưng bà Đỗ Thúy Nga vẫn đau đáu, thương yêu những đứa trẻ thiệt thòi ấy. Cuộc sống khi về già của bà là gắn bó với những mảnh đời, với tiếng cười, tiếng khóc, tiếng ngọng nghịu của những đứa trẻ ở đây.
Từng tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, sau thời gian 10 năm làm bác sĩ nhi khoa, bác sĩ Đỗ Thúy Nga về công tác tại Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em, rồi làm cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình.
"Bà Nga" cùng các cháu ở Trung tâm Hy Vọng.
“Từ y khoa, khi chuyển sang làm công tác giáo dục, trong những lần đến kiểm tra các trường học trên địa bàn, tôi nhận thấy có nhiều học sinh nhận thức chậm hơn bình thường, nhiều cháu ngồi im, ít tương tác khiến tôi chú ý. Tôi luôn để điều đó trong đầu, và thấy những trẻ này cần phải được giáo dục trong môi trường đặc biệt hơn. Từ đó, tôi luôn mong ước có một cơ sở nào đó tiếp nhận trẻ em bị khuyết tật, chăm sóc các em kỹ càng hơn, dạy dỗ các em những điều đơn giản hơn bình thường”, bà Đỗ Thúy Nga chia sẻ.
Năm 2002, sau khi về hưu, bà Đỗ Thúy Nga đã biến ước mơ thành hiện thực. Bà đã trải qua quá trình nghiên cứu, đọc các tài liệu tham khảo rất nhiều về trẻ khuyết tật trước đó; cùng với tham khảo ý kiến bạn bè, đồng nghiệp về các triệu chứng của trẻ, đối chiếu với các dấu hiệu lâm sàng, căn cứ vào từng trẻ để xây dựng nên chương trình chăm sóc, giáo dục với các biện pháp can thiệp khác nhau, phù hợp với từng trường hợp; sau đó thống nhất với các giáo viên để triển khai.
“Khi mạnh dạn thành lập Trung tâm, chúng tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là thời điểm đó là cộng đồng chưa có nhận thức rộng rãi về trẻ tự kỷ, chưa quan tâm nhiều đến việc giáo dục những trẻ chậm phát triển trí tuệ; hầu như ít có các cơ sở chuyên về lĩnh vực này. Chính vì sự thiếu hụt đó, ngay từ khi có ý tưởng, chúng tôi đã được các tổ chức, cơ quan ủng hộ mạnh mẽ.
Trong những ngày đầu, Hội Cứu trợ trẻ em Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ Trung tâm rất nhiều; địa phương cũng ủng hộ rất nhiệt tình, thậm chí đã động viên, khích lệ khi chúng tôi xây dựng Trung tâm để có môi trường hỗ trợ giáo dục tốt nhất cho các em. Các tổ chức đoàn thể như: Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, Tổ chức Unireach International (Mỹ), các tình nguyện viên trong và ngoài nước... cũng thường xuyên ủng hộ các hoạt động của Trung tâm”, bà Nga chia sẻ.
Những đứa trẻ ngây ngô trong giờ học.
Đặc biệt, con gái lớn của bà Nga đã cho Trung tâm mượn mảnh đất 60m2 ngay cạnh nhà để làm địa điểm. Kể từ đó, căn nhà ở số 4, ngách 82/189 ngõ 290 Kim Mã, quận Ba Đình (Hà Nội) đã trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều gia đình tin tưởng, gửi gắm những con em bị khuyết tật đến để chăm sóc, phục hồi chức năng suốt bao năm qua.
“Trẻ vào trung tâm đa phần là các cháu bị khuyết tật trí tuệ như bị hội chứng Down, bại não sau viêm màng não, chậm phát triển ngôn ngữ và trí tuệ, tăng động giảm chú ý... nên việc chăm sóc, dạy dỗ rất vất vả.
Những ngày đầu, khi Trung tâm còn ít học sinh, mới chỉ có 3- 4 giáo viên; với kinh nghiệm vừa là bác sĩ, vừa là nhà giáo, tôi cũng phải trực tiếp cùng các cô giáo chăm sóc, dạy dỗ trẻ. Rồi truyền tai nhau, các gia đình có con em bị khuyết tật đã biết và tìm đến Trung tâm; không chỉ ở khu vực Hà Nội mà chúng tôi đã nhận các trẻ từ 23 tỉnh, thành trong cả nước như: Sài Gòn, Cần Thơ, Đắk Lắk, Thái Nguyên, Lào Cai…”, bà Đỗ Thúy Nga kể.
Đến nay, biết bao lớp trẻ đã được dạy dỗ, được hòa nhập với cuộc sống bình thường; số giáo viên của Trung tâm đã tăng lên 18 giáo viên, chia làm 4 nhóm lớp theo độ tuổi và theo dạng khuyết tật.
Các em được chăm sóc, dạy dỗ chu đáo, từ cách phát âm đến những kỹ năng tự phục vụ bản thân như vệ sinh, ăn uống... với mức học phí phụ huynh phải đóng góp rất ít, thậm chí chỉ đủ lo ăn uống cho các cháu, và một phần công rất nhỏ cho các giáo viên.
Nhiều trẻ, nhiều hoàn cảnh đã từng đến Trung tâm học, nhưng bà Nga dường như nhớ từng trẻ một. Khi hỏi về các cháu, ánh mắt bà đầy niềm vui lên khi nhắc đến những cái tên: Thái Sơn, Phúc Bảo, Khánh An… là những trẻ vào Trung tâm từ khi chỉ 3- 4 tuổi và chưa biết nói. Sau thời gian được dạy dỗ, các cháu đã nói tốt hơn; có thể hòa nhập đi học cùng với bạn bè, có những cháu đã học đến lớp 4- lớp 5 nhưng Trung tâm vẫn dõi theo những bước phát triển của các trẻ.
Có những trường hợp sau khi “tốt nghiệp” tại Trung tâm cũng đã trưởng thành, có công ăn việc làm, dù chỉ có thể làm những công việc nhẹ nhàng như: Làm nhân viên bảo vệ, nhân viên quán ăn, làm công việc tạp vụ tại các khách sạn… những đó là niềm vui rất lớn của bà Nga, của các giáo viên và gia đình các cháu.
Các giáo viên hướng dẫn, trị liệu cho các cháu khuyết tật.
Cũng có những đứa trẻ đã phát triển vượt bậc dưới sự dạy dỗ, yêu thương của bà Nga và các giáo viên của Trung tâm Hy Vọng. Có cháu bị liệt nửa người bên phải, được bố mẹ đưa tới Trung tâm từ năm 3 tuổi qua nhiều người giới thiệu. Sau một thời gian theo học, cháu đã biết viết, biết làm mọi việc bằng tay trái; đặc biệt tuy phải viết bằng tay trái nhưng chữ cháu rất đẹp; thậm chí có thể gấp những con én bằng một tay rất nhanh.
Khi đã “tốt nghiệp”, mỗi bước tiến bộ, làm thêm được những việc gì cháu đều gọi điện khoe với bà, với các cô ở Trung tâm.
“Nhiều trẻ có những tiến bộ bất ngờ, chứng kiến những điều tưởng như bình thường đó, tôi và nhiều phụ huynh đã rơi nước mắt... Việc giáo dục trẻ bình thường đã cần sự kiên trì của các bậc phụ huynh và thầy cô giáo, nhưng với trẻ tự kỷ nói riêng, trẻ chậm phát triển trí tuệ nói chung, việc đồng hành cùng các em đòi hỏi sự nỗ lực gấp bội", bà Nga chia sẻ.
Được nuôi dạy đúng cách, trẻ đến đây dần học được kỹ năng sống, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Vừa qua, bà Đỗ Thúy Nga, Giám đốc Trung tâm Hy Vọng đã được Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hà Nội vinh danh là Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu với những đóng góp quý báu cho cộng đồng và xã hội.
Bà Nga dỗ dành học trò tại Trung tâm.
Dành trọn tâm huyết cho những đứa trẻ thiệt thòi
“Các cháu, các gia đình vẫn coi Trung tâm như ngôi nhà của mình, là nơi để trở về; nhiều đứa vẫn thi thoảng về thăm bà, thăm các cô, nhớ đến Trung tâm vào những ngày lễ Tết. Cả tôi và các giáo viên ở đây luôn coi Trung tâm như một ngôi nhà chung, đoàn kết thương yêu lẫn nhau, có như vậy mới thương yêu được học sinh của mình”, bà Đỗ Thúy Nga cười hiền lành.
Có lẽ bởi vậy mà mà bà Nga luôn dành hết tình cảm, dồn tất cả những điều tốt đẹp nhất có thể cho “ngôi nhà” ấy, cho những “đứa cháu” bất hạnh.
Không chỉ lo vận hành Trung tâm, xây dựng chương trình dạy học phù hợp, Trung tâm cũng rất coi trọng việc an toàn cho trẻ. Bà Đỗ Thúy Nga đã cho xây dựng quy chế đón trả trẻ với tiêu chí an toàn là quan trọng nhất. Có lẽ bởi vậy mà trong suốt 20 năm qua, chưa từng có tình huống sơ xảy nào. “Đó là may mắn và hạnh phúc rất lớn của tôi”, bà Đỗ Thúy Nga chia sẻ.
“Bao năm kiên trì ngày ngày đưa con tới đây học, tôi thấy như được san sẻ gánh nặng đi rất nhiều. Việc chăm sóc ở nhà rất vất vả vì cháu đã lớn, hay có hành vi chống đối, nhưng đến lớp cháu đã biết vào nền nếp, biết làm những việc chăm sóc bản thân hàng ngày, mừng nhất là cháu được học chữ. Vì vậy gia đình trông đợi rất nhiều vào Trung tâm, chúng tôi với bà Nga và Trung tâm đã như người thân trong nhà”, anh N.H.V, phụ huynh đưa con đến Trung tâm Hy Vọng học tâm sự.
Những lớp học đặc biệt mà ai cũng chỉ dám mong kết quả “đầu ra” là những đứa trẻ có thể làm được nhiều việc như người bình thường, đó đã là thành công lớn. Nhìn những ánh mắt khờ khạo thích thú vận động chân tay với các bài tập yoga trong giờ học đã thấy những tia sáng, hy vọng nhỏ nhoi ấy nhen lên ở những đứa trẻ.
Còn với bà Đỗ Thúy Nga, những trăn trở đó khiến bà vẫn đau đáu trong lòng; nhất là khi bà ở tuổi xưa nay hiếm.
“Tôi vẫn rất trăn trở khi Trung tâm còn nhiều khó khăn chưa khắc phục được, như khó khăn trong việc đưa đón trẻ vì địa điểm nằm sâu trong ngõ nhỏ, mặt bằng hẹp, thiếu không gian vui chơi, vận động cho trẻ. Mong muốn lớn nhất của tôi là cố gắng duy trì hoạt động của Trung tâm để giúp những gia đình không may khuyết tật có nơi gửi gắm, giúp cho các trẻ có cơ hội hồi phục.
Quy luật của cuộc đời không thể tránh được, với tôi tuổi già đã tới từ lâu, mắt mờ, chân chậm nhưng tôi vẫn cố gắng làm đến khi nào không thể. Để có thế hệ kế cận yên tâm khi tôi già yếu, tôi cố gắng tập trung bồi dưỡng cho các giáo viên ý thức làm việc tự chủ; mỗi giáo viên đều là người làm chủ Trung tâm, coi Trung tâm như nhà của mình.
Tôi rất mừng vì có tới 80% giáo viên ở đây đều rất tâm huyết, gắn bó với tôi từ những ngày đầu thành lập đến nay; đó là lực lượng vững chắc để tiếp nối những gì tôi đang làm", bà Đỗ Thúy Nga tâm sự.
Là người phụ nữ đã lớn tuổi nhưng ở bà Nga vẫn là sự dẻo dai, nhịp nhàng khi hàng ngày bà vẫn đi cầu thang bộ lên căn phòng làm việc nhỏ trên tầng 4 của Trung tâm; vẫn minh mẫn và luôn tiếp tục học hỏi mỗi ngày.
“Tôi luôn tự nhắc nhở mình phải duy trì hoạt động điều độ mỗi ngày, không để bị “lẫn” khi ngày một già yếu. Ngoài duy trì tập yoga đều đặn hàng ngày; tôi vẫn liên tục trau dồi kiến thức. Tôi đọc sách mỗi ngày, rèn luyện thêm tiếng Pháp, tiếng Anh để trí não luôn vận động, giữ được sự minh mẫn của mình, bởi vì Trung tâm Hy Vọng vẫn đang rất cần tôi”, bà Đỗ Thúy Nga vui vẻ chia sẻ.