Cũng dễ hiểu thôi. Đến bộ huy chương bạc World Cup còn chẳng mấy khi được những đội á quân vồ vập, thì vị trí thứ ba - bộ huy chương an ủi mang tính "giải khuyến khích", có cũng được, mà không có thì có lẽ còn hợp lý hơn.
Lịch sử World Cup từng chứng kiến Johann Cruyff không thèm nhận "giải nhì" năm 1974, cũng từng hai lần thấy Michel Platini ngồi ngoài dự khán trận tranh hạng ba, những năm 1982-1986. Và VCK EURO cũng không tổ chức trận đấu ấy, một trận đấu bị rất nhiều người xem là thừa thãi.
Song, không phải tất cả đều đủ ngạo nghễ, và đủ tư cách để ngạo nghễ đến thế. Bộ HCĐ World Cup dù sao cũng vẫn là phần thưởng cho những ai thực sự cần những sự ghi nhận, những nguồn khích lệ, những động lực dành cho chính mình.
Hai mươi qua, Croatia không buông bỏ, Thổ Nhĩ Kỳ không hời hợt, Đức không nhạt nhẽo, và Hà Lan cũng không hững hờ với cuộc chơi này. Đối với họ, dù sao, một chiến thắng cũng là cách thích hợp hơn, để khép lại cuộc hành trình.
Và đội tuyển Bỉ năm 2018 cũng vậy. Họ thậm chí còn chơi hay gấp bội so với những trận trước. Một phần vì không còn chặng đường nào để phải giữ sức hay giấu bài. Một phần nữa, quan trọng hơn, vì "bầy sư tử đảo quốc" cũng chẳng bung hết tiềm lực.
Nếu thực sự muốn chiến thắng bằng mọi giá, Gareth Southgate sẽ không thay đổi đến nửa đội hình chính thức, và công bố điều đó sớm đến nửa ngày như vậy. Ông thừa biết là "Những con quỷ đỏ" giàu hiểm họa đến thế nào, khi những trụ cột của họ cũng chính là những người đang khuynh đảo Giải ngoại hạng Anh, và thường xuyên thể hiện được đẳng cấp vượt trội so với hầu như tất cả các học trò của mình.
Thế nhưng, ông vẫn lựa chọn việc đương đầu với đối thủ ấy bằng việc sẵn sàng hy sinh những cơ cấu vận hành quen thuộc đối với đội bóng của mình. Nếu không phải là chẳng coi trọng gì cuộc chơi này, thì chỉ còn một cách giải thích: Southgate đánh bạc với thời vận. Có thể ông mong chờ những khoảnh khắc xuất thần từ đoàn quân của mình, hoặc sự chủ quan từ phía địch thủ.
Song, tỷ số chung cuộc đã là hệ quả tất yếu của thế trận. Không ai ngạc nhiên. Không có gì đáng để nhướn mày, khi thế trận của người Anh bị cắt xẻ tan nát dễ dàng như vậy, như những mũi dao nóng xiên vào một tảng bơ. Những vùng vẫy muộn màng và vô vọng ở hiệp hai chỉ tô đậm thêm một câu hỏi: Đây lẽ nào lại là đội bóng gắn liền với slogan đầy tự tin: "It’s coming home!", cho đến tận trước trận bán kết?
Họ gợi lại hình ảnh một Bulgaria vỡ vụn năm 1994. Cũng trước một đối thủ thực sự thèm khát chiến thắng. Cũng với tâm thế buông trôi sau những giấc mơ hoang đường. Và cũng với một Vua phá lưới trong đội hình.
Harry Kane là Vua phá lưới World Cup. Có điều, trong mọi tình huống sinh tử, "vị vua" ấy không thể lên tiếng, dù chỉ một lần. Đó là dạng Vua phá lưới kiểu Oleg Salenko - người đã kịp ghi tới 5 bàn thắng vào lưới đội tuyển Cameroon trong trận cuối vòng bảng mang tính thủ tục, để chia sẻ vinh quang với Hristo Stoitchkov - người hết động lực tỏa sáng sau khi bị Roberto Baggio che mờ ở bán kết năm 1994, và đứng rất xa sau lưng một Vua phá lưới World Cup đồng hương: Gary Lineker, năm 1986.
Năm ấy, đội tuyển Pháp là đương kim vô địch châu Âu. Platini đã 3 lần liên tiếp đoạt Quả Bóng Vàng - thành tích vô tiền khoáng hậu ở thời điểm đó.
World Cup 2018, Harry Kane là ai? Và vị thế của đội tuyển Anh là gì? Trước thềm World Cup, họ ở đâu trên bản đồ quyền lực của bóng đá thế giới? Sau trận thua này, khi những hạt giống ảo tưởng đã kịp được gieo xuống, họ liệu sẽ còn tiến thêm được bước nào?