Người Anh cần sự dũng cảm kiểu Southgate

Hà My |

Bản lĩnh là một đại lượng cần đo dưới từng góc nhìn khác nhau. Trong mắt nhiều người, Gareth Southgate có thể là một HLV hèn nhát nhưng hãy để ý đi, dường như một mình ông đang chống lại cả một thế lực ưa bóng đá truyền thống của Anh. Và nếu đấy không phải là bản lĩnh thì còn là gì nữa?

Southgate chứng minh lựa chọn chính xác bằng kết quả thực tế

Southgate chứng minh lựa chọn chính xác bằng kết quả thực tế

Hãy tạm bỏ qua drama của Raheem Sterling sang một bên và đi vào chi tiết khác của trận bán kết giữa Anh và Đan Mạch. Phút 69, Jack Grealish được tung vào sân, thay thế cho Bukayo Saka với ý đồ sẽ gia tăng sức sáng tạo cho hàng công Tam sư. Nhưng đến phút 106, khi đội chủ nhà đã dẫn 2-1, Grealish lại bị rút ra và thay bằng Kieran Trippier.

Tại sao Southgate lại làm như thế? Hãy nhớ, ĐT Anh còn rất nhiều nhân tố khác đã xuống thể lực nhưng Southgate kiên quyết chỉ thay đổi có 4 người, trong khi Đan Mạch dùng trọn vẹn quyền của mình với 6 lần.

Grealish mới chỉ là cầu thủ thứ 3 trong lịch sử ĐT Anh vừa thay vào và vừa thay ra trong cùng một trận đấu thuộc một giải lớn, sau Jamie Redknapp (vs Scotland ở EURO 1996) và Aaron Lennon (vs Bồ Đào Nha ở World Cup 2006).

Rõ ràng với Southgate, logic thông thường không phải là thứ ông ưu tiên. Khi Southgate thấy cần, thì ông sẽ làm, chỉ vậy thôi, không thừa, không thiếu. Southgate thấy Grealish có ích trong 37 phút thì ông sẽ chỉ cho cậu học trò từng đấy thời gian. Bình luận, phân tích, đánh giá là câu chuyện của truyền thông và người hâm mộ, Southgate thực sự không để trong đầu.

Thật vậy, với một nền báo chí trọng tiểu tiết, người Anh đương nhiên không bỏ qua câu chuyện hi hữu này. Đã có rất nhiều đồn đoán về lý do thật sự đằng sau 37 phút góp mặt của Grealish, nhất là sau lời nhận xét của Jose Mourinho rằng tiền vệ thuộc biên chế Aston Villa không phải mẫu cầu thủ trong mơ của Southgate.

Người Anh cần sự dũng cảm kiểu Southgate - Ảnh 1.

Grealish hay bất cứ ngôi sao nào cũng bị loại bỏ nếu không phù hợp

Cánh bình luận viên thì lao vào chia sẻ quan điểm. Như Gary Neville thì tiên phong trong việc chỉ trích... Grealish vì cho rằng anh phải cảm thấy "xấu hổ" vì bị thay ra như vậy. Theo Neville, rõ ràng Grealish đã không cố gắng đủ nhiều để cho Southgate thấy nỗ lực của mình.

Trong khi đó, Roy Keane lại nghiêng về quan điểm đừng đặt nặng vấn đề là ai bị thay vào hay thay ra, hãy chú ý tới cách điều hướng của Southgate. Kể cả không phải Grealish mà là một cầu thủ khác thì trong tình huống như vậy, Southgate cũng sẽ làm tương tự. Vì sao?

Vì khi đã có bàn thắng thứ 2, Anh không cần thêm chất sáng tạo ở mặt trận tấn công. Chính bàn thắng đó đã làm thay đổi kết cấu trận đấu và một HLV thức thời cần thích nghi thật nhanh. Cần công bằng với nhau, Grealish không mạnh trong tranh chấp hay hỗ trợ phòng ngự. Khả năng hòa nhịp với cả đội của anh cũng có vấn đề khi chỉ được tung vào sân trong hiệp 2.

Đúng là Raheem Sterling hay Harry Kane đã thấm mệt nhưng sự hiện diện của họ khiến hàng thủ của Đan Mạch không thể tự do dâng cao. Lối chơi của 2 người này mang tính đột biến cao hơn, thay vì một Grealish quá lười di chuyển.

Người Anh cần sự dũng cảm kiểu Southgate - Ảnh 2.

Sterling đập tan chỉ trích nhờ niềm tin từ Southgate

Chính vì thế, Southgate rút Grealish ra, thay Trippier vào để xoay hệ thống về 3 trung vệ. Ông cũng chẳng cho thêm ai vào sân vì với sơ đồ đó, thì những con người có sẵn trên đã đủ. "Không thừa, không thiếu", hãy nhớ tôn chỉ này của Southgate.

"Trong cả giải đấu này, Southgate liên tục bị nghi ngờ về những quyết định của mình. Dùng Trippier trong trận đầu tiên, không trọng dụng Grealish, chiến thuật tiêu cực trong trận gặp Scotland, dùng tới 8 hậu vệ trước người Đức...", Neville nhận định. "Nhưng Southgate vẫn trung thành với cách nghĩ của mình.

Ông ấy thực sự không cần những cá tính lớn trong phòng thay đồ. Southgate sẽ ra quyết định mà ông ấy thấy cần thiết cho đội bóng. Grealish có thể tức giận nhưng rồi cậu ấy sẽ sớm nhận ra tất cả là vì lợi ích của tập thể".

Đặt lợi ích của tập thể lên trước danh tiếng của mình, liệu có bao nhiêu HLV tuyển Anh tiền nhiệm từng làm được? Xuất phát điểm của Southgate có thể là một lợi thế.

Ông chỉ là một cựu cầu thủ tầm trung, chuyển sang công tác huấn luyện cũng chẳng tạo được danh tiếng gì. Như nhiều người nói, Southgate chẳng có "cá tính, triết lý hay những thứ tương tự". Và quả thật, Southgate chẳng có gì để mất khi kiên định với thứ bóng đá theo đuổi trong đầu mình.

Người Anh cần sự dũng cảm kiểu Southgate - Ảnh 3.

ĐT Anh chỉ cách thiên đường một bước chân

Một HLV như vậy có lẽ mới là người cần thiết cho một tập thể vốn đầy drama và scandal như ĐT Anh. Họ không cần dát vàng cho băng ghế chỉ đạo nữa, mà cần một người thực sự dám đưa mặt mình ra cho công chúng xỉ vả, chỉ để đổi lại những chiến thắng.

Với một quốc gia 55 năm mới lại vào tới một trận chung kết tại giải đấu lớn, họ nên dần đập bỏ định kiến rằng Southgate là kẻ hèn nhát đi. Ngược lại thì có, đây là người đàn ông dũng cảm nhất nước Anh lúc này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại