Trước kia, có một người ăn xin, ngày nào cũng phải lang thang, tích góp từng chút lương thực và đồng tiền được ban tặng đem đổi thành gạo, đêm nào cũng chỉ mơ được sống như một người bình thường. Thế nhưng, tích góp mãi, số gạo vẫn ít đến thảm thương.
Thấy nghi ngờ, một đêm nọ, người ăn xin âm thầm trốn trong góc, quả nhiên nửa đêm có một con chuột to đến ăn trộm. Anh giận dữ hét lên: "Tại sao mi không đi trộm gạo của nhà giàu mà lại dòm ngó số gạo ít ỏi của ta?!"
Chuột đáp: “Mệnh anh chỉ có từng ấy gạo thôi, không giữ nhiều hơn được đâu.”
Người ăn xin bực bội: “Tại sao có thể như thế được?”
Chuột nói: “Làm sao tôi biết được. Anh đi hỏi Phật tổ thử xem.”
Vì vậy, người ăn xin quyết tâm lặn lội đi tìm Phật tổ để hỏi cho ra nhẽ. Anh nghĩ bụng: “Mình nhất định phải hỏi rõ Phật tổ tại sao lại có vận mệnh như vậy! Đi đâu tìm cơ hội giàu có để đổi đời!”
Ngày hôm sau người ăn xin liền xuất phát lên đường, vừa đi vừa xin miệng cơm ăn, lang thang khắp nơi để mong tìm được Phật tổ. Đi đến tận khi trời tối mịt, anh ta bắt gặp một hộ nhà.
Sau khi tới gõ cửa, một người quản gia bước ra và hỏi anh ta có chuyện gì. Người ăn xin bày tỏ mong muốn xin một ít đồ ăn cho tối nay và sáng sớm ngày mai. Đúng lúc chủ nhà đi qua, ông ta tò mò hỏi, tại sao tối muộn thế này rồi mà anh ta vẫn đang đi đâu thế.
Người ăn mày kể về số mệnh của mình, và mong muốn được đi gặp Phật tổ để hỏi cho ra lẽ. Nghe xong, chủ nhà đã mở cửa cho anh vào nhà và đưa tặng rất nhiều lương khô cũng như tiền bạc. Người ăn xin ngạc nhiên, bày tỏ bản thân không thể nhận nhiều điều như vậy được.
Chủ nhà do dự một lúc rồi kể chuyện con gái lớn của mình đã trưởng thành nhưng vẫn chưa biết nói. Ông muốn nhờ người ăn xin tới gặp Phật tổ thì hỏi dùm nguyên nhân cho nhà mình.
Anh cảm thấy, hỏi 1 câu cũng là hỏi, 2 câu cũng một công như vậy, bèn gật đầu đồng ý luôn, dù gì người ta cũng tốt bụng tặng mình rất nhiều đồ ăn.
Đi qua rất nhiều con đường núi, người ăn xin gặp một ngôi miếu bèn đi tới xin miếng nước uống. Trong miếu chỉ có một vị hòa thượng già, chống một cái trượng gỗ, vẫn khỏe mạnh đi qua đi lại. Bắt gặp anh, vị hòa thượng đi lấy nước rồi nhiệt tình mời anh nghỉ chân qua đêm, sáng mai lại lên đường và hỏi chuyện anh đang đi đâu.
Người ăn xin kể lại mục đích chuyến đi của mình, vị sư già vội đỡ lấy anh ta và nói: "Cậu nhất định phải giúp tôi hỏi Phật tổ điều này. Tại sao tôi đã tu luyện hơn 500 năm, sớm nên lên trời, nhưng vẫn ở lại hồng trần tới tận bây giờ?”
Người ăn xin cũng đồng ý sẽ hỏi giúp vị sư già.
Đi xa hơn nữa, sau bao khó khăn, anh gặp một con sông lớn, rộng mênh mông, sâu thăm thẳm, nhưng không có một chiếc thuyền nào qua sông. Người ăn mày lo lắng, chờ đợi hết nửa ngày vẫn không thấy cơ hội nào. Anh ta bật khóc và thốt lên, lẽ nào con đường của mình phải dừng bước tại đây sao?
Đột nhiên, một con rùa lớn nổi lên từ giữa sông. Rùa già hỏi anh khóc vì điều gì mà đau khổ thế?
Người ăn xin kể lại những gì đã xảy ra. Rùa bèn nói: Ta tu hành đã hơn 1.000 năm, lẽ ra phải thu được linh khí đất trời, đợi ngày thăng thiên, thế nhưng đợi mãi vẫn chỉ là một lão rùa già. Nếu anh có thể hỏi Phật tổ nguyên do dùm ta, ta sẽ hạ cố cõng anh qua sông.
Người ăn xin vui vẻ đồng ý.
Lại đi về phía trước không biết bao nhiêu ngày, vượt qua không biết bao nhiêu vùng đất, gặp được rất nhiều người, nhưng không một ai biết Phật tổ ở đâu. Người ăn xin quá mệt mỏi, dựa vào một gốc cây mơ mơ màng màng ngủ gục.
Trong mộng, Phật tổ bất ngờ hiện lên và hỏi rằng: “Con đã trèo đèo lội suối, đường xa vất vả tìm ta khắp nơi như vậy, nhất định là có điều rất quan trọng đúng không?”
Người ăn xin mừng quá, vội nói: "Vâng, đúng vậy, con có nhiều điều muốn hỏi Ngài để tìm ra đáp án."
Phật tổ hiền lành đáp: "Được rồi, nhưng ta có một điều kiện. Con nhiều nhất chỉ có thể hỏi ba câu."
Người ăn xin đồng ý. Anh ta nghĩ bụng, lão rùa già tu hành hơn một nghìn năm cũng không dễ dàng gì, nếu giúp được thì mình nên giúp. Vì thế, anh hỏi câu đầu tiên: “Thưa Phật tổ, tại sao lão rùa già vẫn chưa được nhận linh khí, hóa thân để thăng thiên sau hơn một nghìn năm tu luyện?”
Phật tổ bèn đáp, là vì nó vẫn luyến tiếc mai rùa trên lưng, trốn mãi trong mai rùa thì sao có thể nhận linh khí.
Người ăn mày lại nghĩ, hòa thượng trong ngôi miếu nọ cũng đã vất vả 500 năm mà chưa tìm được nguyên do. Vì vậy, anh lại hỏi Phật tổ vấn đề của vị hòa thượng nọ.
Phật tổ đáp, là vì ông vẫn luyến tiếc cây trượng của mình, buông nó ra mới có thể thực sự tự do.
Người ăn mày lại nghĩ tới đứa con gái đáng thương của vị chủ nhà tốt bụng, đã đến tuổi trưởng thành mà không nói năng được gì thì hỏng cả một đời mất. Thế là anh lại hỏi cho họ.
Phật tổ đáp, không cần phải vội, đợi đến khi cô ấy gặp được người định mệnh, cô ấy sẽ tự nói.
Sau đó, Phật tổ biến mất. Anh mới giật mình nhận ra vẫn chưa hỏi được câu nào cho bản thân!
Nhưng chuyện cứu người cũng hệ trọng, anh vẫn nhanh chóng quay về theo đúng đường cũ.
Đến chỗ rùa già, anh thuật lại y nguyên lời Phật tổ. Rùa bèn tỉnh ngộ. Nó tháo mai rùa ra, tặng cho anh ăn xin rồi từ từ hóa thân và bay đi mất.
Người ăn xin nhận lấy mai rùa mới giật mình phát hiện bên trong có 24 viên ngọc trai vừa to vừa đẹp.
Đi ngang qua ngôi miếu, anh lại ghé vào và thuật lại y nguyên cho vị hòa thượng nghe. Hòa thượng giật mình, đưa lại chiếc trượng cho anh, sau đó cũng dần dần bay lên trời.
Chiếc trượng trong tay nặng chịch, hóa ra nó không làm bằng gỗ mà là một loại vật liệu rất quý hiếm, giá trị vô vàn.
Cuối cùng, người ăn mày đến trước ngôi nhà nọ. Anh hoan hỉ hét lớn: “Đợi cô ấy tìm được người mình thích thì sẽ biết nói thôi.”
Chủ nhà vui mừng chạy ra, cảm ơn anh hết lời. Cô con gái nghe tiếng, tò mò ra khỏi phòng và lắng nghe câu chuyện của người ăn xin kể lại. Cảm động trước tấm lòng nhân hậu và tinh thần vị tha ấy, cô bỗng nói: “Nếu vậy, anh có muốn làm người định mệnh của tôi hay không?”
Cuối cùng, tuy người ăn xin không thể hỏi được gì cho mình. Nhưng câu trả lời đã nằm trong lòng anh ngay từ đầu.
Có thể thấy, tấm lòng mới là giá trị quan trọng nhất để đem tới những cơ hội quý giá trời cho. Nếu không đủ phẩm đức, không có tố chất, dù đi qua vàng bạc đá quý, kho báu ngợp trời, bạn cũng không có duyên để chạm tới nửa phần.