Gạo là loại lương thực thiết yếu, được sử dụng phổ biến tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Bên cạnh gạo trắng, còn có một loại gạo khác cũng được sử dụng rộng rãi hiện nay, đó chính là gạo lứt.
Ngoài cung cấp năng lượng, cả 2 loại gạo này đều được coi là nguồn bổ sung thêm một số vi chất, vitamin quan trọng cho cơ thể. Dù vậy câu hỏi ‘‘ăn gạo trắng hay gạo lứt tốt hơn?’’ vẫn khiến nhiều người lăn tăn và tò mò. Các thông tin dưới đây sẽ giúp bạn có câu trả lời thích đáng, từ đó đưa ra một sự lựa chọn phù hợp cho bản thân và gia đình.
Sự khác biệt giữa gạo trắng và gạo lứt
Gạo lứt là một loại ngũ cốc nguyên hạt, là sản phẩm sơ chế sau khi bóc vỏ, giữ lại lớp ngoại bì, lớp aleurone và mầm của gạo. Trong khi đó, gạo trắng đã được tinh chế thêm để loại bỏ phần trấu, cám và mầm gạo. Chính vì vậy, khi nhìn bề ngoài, gạo lứt trông có vẻ thô hơn, còn gạo trắng thì trong và mịn màng.
Việc gạo trắng trải qua quá trình tinh chế đã khiến hàm lượng dinh dưỡng, chất xơ, vitamin và các loại khoáng chất bên trong giảm xuống. Cũng vì lẽ đó, nhiều người cho rằng ăn gạo trắng không tốt cho sức khỏe bằng gạo lứt. Vậy quan điểm này liệu có chính xác hay không?
Hàm lượng dinh dưỡng trong gạo trắng và gạo lứt
Để đánh giá được giá trị của gạo trắng và gạo lứt đối với sức khỏe của con người, cần phải xem xét 2 loại gạo này dựa trên hàm lượng dinh dưỡng mà chúng cung cấp.
Theo đó, cả gạo trắng và gạo lứt đều có hàm lượng carbohydrate cao. Tuy nhiên, gạo lứt chứa nhiều chất xơ hơn vì có lớp ectoderm, aleurone và cả các loại vitamin đặc biệt quan trọng. Trong đó, vitamin B có vai trò trong quá trình trao đổi chất, giúp cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Chất xơ trong gạo lứt sẽ thúc đẩy nhu động ruột, giảm táo bón và kiểm soát lượng đường trong máu - điều này đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.
Với gạo trắng, sau khi trải qua quá trình tinh chế, chúng đã mất phần lớn chất xơ và vitamin. Do đó, dù có hương vị ngon hơn nhưng giá trị dinh dưỡng của gạo trắng không bằng gạo lứt. Đặc biệt, với những người cần kiểm soát lượng đường trong máu, việc tiêu thụ gạo trắng trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường.
Không chỉ giàu chất xơ hơn gạo trắng, các chất dinh dưỡng khác có trong gạo lứt cũng nhiều hơn đáng kế. Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), trong 100g gạo lứt đã được nấu chín có chứa: 2,74g đạm, 0,97g chất béo, 0,56mg sắt, 4mg natri, 86mg kali,... Còn của gạo trắng lần lượt là 2,69g đạm, 0,28g chất béo, 0,2mg sắt, 1mg natri, 35mg kali,...
Theo các tài liệu liên quan, các chất chống oxy hóa như vitamin E và polyphenol có trong gạo lứt còn có thể chống lại các gốc tự do và giảm tổn thương tế bào. Những chất này gần như bị mất đi hoàn toàn trong gạo trắng.
Trang tin sức khỏe nổi tiếng thế giới - Healthline khẳng định, so với gạo trắng, gạo lứt chứa nhiều dinh dưỡng tổng thể hơn. Gạo lứt có thể giúp giảm cholesterol, giảm nguy cơ đột quỵ, mắc bệnh tim, tiểu đường loại 2, chống lão hóa và ngăn ngừa các bệnh mãn tính.
Nên ăn gạo trắng hay gạo lứt?
Nhìn chung, sự khác biệt về dinh dưỡng giữa gạo lứt và gạo trắng chủ yếu thể hiện ở hàm lượng chất xơ, vitamin và khoáng chất. Gạo lứt giữ lại nhiều thành phần tự nhiên nên mang lại lợi ích đáng kể trong việc kiểm soát cân nặng, duy trì sự ổn định lượng đường trong máu và tăng cường sức khỏe đường ruột.
Với gạo trắng, do đã bị loại bỏ một số chất trong quá trình hoàn thiện nên lượng dinh dưỡng bên trong ít hơn gạo lứt. Tuy nhiên, gạo trắng rất dễ tiêu hóa, hấp thu và có thể nhanh chóng bổ sung năng lượng cho cơ thể.
Các chuyên gia sức khỏe khuyên rằng, mọi người nên lựa chọn sử dụng loại gạo phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của bản thân. Ví dụ, người béo phì, tiểu đường có thể chọn ăn gạo lứt để giúp kiểm soát lượng đường trong máu và cân nặng. Người mắc bệnh về tiêu hóa, người già và bệnh nhân sau phẫu thuật có thể tăng lượng gạo trắng một cách thích hợp để giảm bớt gánh nặng cho đường tiêu hóa.
Ngoài ra, dù là gạo lứt hay gạo trắng thì cũng nên kết hợp với rau, trái cây, protein và các thực phẩm khác để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng toàn diện của cơ thể. Cả hai loại gạo đều nên được dùng trong chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng để giúp cơ thể cân bằng và đạt được sức khỏe tốt nhất.