Các nhà nghiên cứu từ một số trường đại học đã tìm thấy bằng chứng về các vết cắt trên hộp sọ xung quanh một tổn thương lớn được cho là do sự phát triển của tế bào ung thư gây ra. Họ cũng tìm thấy 30 tổn thương nhỏ hơn trên hộp sọ, dấu hiệu cho thấy căn bệnh ung thư đã lan rộng.
Mẫu hộp sọ này hiện được lưu giữ trong bộ sưu tập Duckworth của Đại học Cambridge (Anh).
Theo các nhà nghiên cứu, hộp sọ thuộc về một người đàn ông khoảng 30 đến 35 tuổi khi chết. Các vết cắt có thể được tạo ra bằng một vật sắc nhọn, cho thấy những người Ai Cập cổ đại này có thể đã cố gắng phẫu thuật khối u.
Nhà nghiên cứu Tatiana Tondini tại Đại học Tubingen ở Đức cho biết: "Khi lần đầu tiên quan sát các vết cắt dưới kính hiển vi, chúng tôi không thể tin được những gì ở trước mặt mình".
Nhưng ông Edgard Camaros, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Santiago de Compostela ở Tây Ban Nha, lại cho rằng các vết cắt phẫu thuật có thể bắt nguồn từ quá trình khám nghiệm tử thi y tế trong nỗ lực tìm hiểu thêm về căn bệnh này, sau khi người đàn ông tử vong. Ông nói: "Cả hai khả năng đều cho thấy sự can thiệp phẫu thuật có liên quan mật thiết đến các khối u. Điều này thật đáng kinh ngạc".
Một mẫu hộp sọ của người Ai Cập cổ đại được cho là bị phá hủy bởi căn bệnh ung thư (Ảnh: Tondini, Isidro, Camarós)
Phát hiện này là bằng chứng độc đáo về các phương pháp mà nền y học Ai Cập cổ đại đã áp dụng để phát hiện và điều trị bệnh ung thư cách đây hơn 4.000 năm.
"Đây là một góc nhìn mới lạ, khác với sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử y học" - một nhà nghiên cứu khẳng định. Nhóm nghiên cứu cũng tiết lộ trên tạp chí Frontiers in Medicine rằng, mặc dù ung thư thường được coi là căn bệnh gây ra bởi các yếu tố môi trường như ô nhiễm và chế độ ăn uống..., nhưng thực tế, căn bệnh này đã xuất hiện trong những nền văn minh cổ đại. Ngay cả khủng long cũng không tránh khỏi bệnh ung thư.
Người Ai Cập cổ đại được biết đến là những người có tay nghề cao về y học và có kiến thức nhất định về giải phẫu và phẫu thuật. Bằng chứng cho thấy, họ có thể xác định, mô tả và điều trị vết thương như gãy xương hay trám răng cùng nhiều bệnh khác.
Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết ung thư vẫn là một lĩnh vực kiến thức y khoa mới với người Ai Cập cổ đại. Họ cũng phân tích một hộp sọ khác có niên đại hơn 2.000 năm tuổi, thuộc về một người phụ nữ có thể đã hơn 50 tuổi và cũng phát hiện tổn thương lớn phù hợp với một khối u ung thư đã phá hủy xương.
Ông Camaros nói rằng những phát hiện này rất "đáng khích lệ" nhưng "sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn để làm sáng tỏ cách các xã hội cổ đại đối phó với bệnh ung thư". Ông cho biết, trong các bước tiếp theo, nhóm sẽ cố gắng tìm hiểu thêm về cách ung thư phát triển thành một căn bệnh. "Mục tiêu của chúng tôi là hoàn thiện tiểu sử về bệnh ung thư ngay từ buổi đầu của lịch sử loài người" - ông Camaros tiết lộ về kế hoạch sắp tới.