Bất kể ở đâu, khi nào thì trong cuộc sống bạn đều có thể gặp phải những người chẳng hề dễ chịu – nhất là ở nơi làm việc.
Không những làm ảnh hưởng đến tinh thần làm việc, họ còn có thể là tác nhân phá hỏng toàn bộ triển vọng trong công việc của bạn nếu không thể kiểm soát được những tác động họ gây ra.
Dưới đây là 7 “chiến thuật” tâm lý để vững tâm giữa chốn công sở với những đồng nghiệp khó chịu mà ai cũng có thể áp dụng:
1. Tập trung kiểm soát chính bản thân mình
Việc khiến một người ngừng lan man trong các cuộc họp và chỉ chăm chăm nêu lên ý kiến của mình mà không màng đến người khác không hề dễ dàng.
Bạn cũng chẳng thể mong trưởng nhóm bỗng nhiên quan tâm đến mình và hỗ trợ anh em cộng sự nếu trước nay họ là một người làm việc độc lập. Việc cố gắng thay đổi người khác đôi khi chỉ tốn thời gian và công sức mà thôi.
Nếu không thể kiểm soát người khác thì hãy quay về tập kiểm soát cách bạn phản hồi trước hành động của họ.
Cho dù bạn quyết định là lên tiếng hay im lặng thì hãy đảm bảo bạn đặt năng lượng vào những hành động tích cực mà mình làm.
2. Từ bỏ thói quen kêu ca, phàn nàn
Tất cả chúng ta đều có những cách riêng để giải phóng sự thất vọng, nhưng trút giận chỉ khiến bạn bị ghim chặt vào vấn đề và ngăn bạn tìm ra giải pháp.
Đặc biệt hãy cẩn thận với việc phàn nàn với sếp của mình, bởi điều đó chứng tỏ bạn không có khả năng giải quyết vấn đề cũng như không kiểm soát được thái độ của bản thân.
Thay vào đó, hãy trình bày một cách rõ ràng, không quên kèm theo giải pháp cho vấn đề đó.
3. Nhận trách nhiệm cho cảm giác của bản thân
Nếu bạn cứ chăm chăm than thở rằng đồng nghiệp khiến bạn khó chịu, sếp không coi trọng bạn… thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn đang để người khác kiểm soát cảm giác của mình.
Cho dù đồng nghiệp có khó chịu đến đâu thì cũng đừng cho phép hành vi của họ sai khiến cảm xúc của bạn.
Bạn cần phải kiểm soát được cảm xúc của mình và chấp nhận rằng, những gì mình cảm nhận được là do chính mình quyết định chứ không phải do cách hành xử của người khác.
4. Không lãng phí thời gian vào những suy nghĩ vô bổ
Bạn đã bao giờ đi làm về và miên man suy nghĩ về cuộc trò chuyện dang dở với đồng nghiệp hay chưa?
Hay bạn từng dành cả nửa ngày chủ nhật để lo lắng về việc giải quyết nó vào sáng thứ hai tới? Nếu có, bạn đang cho phép những đồng nghiệp xấu tính chen vào giữa thời gian cá nhân của mình.
Nếu bỗng nhiên xuất hiện những suy nghĩ này, hãy làm việc gì đó để tạm quên đi – dọn nhà, cà phê với bạn bè hay chỉ là đi dạo công viên. Hãy làm bất cứ điều gì “đánh lạc hướng” não bộ của bạn.
5. Tránh những câu nói ám chỉ mình là “nạn nhân”
Những câu kể lể như “Tôi phải làm việc 60 giờ/tuần vì đồng nghiệp chẳng biết làm gì nên hồn” hay “Tôi chỉ đồng ý cho xong chuyện” ám chỉ rằng bạn đang bị buộc phải làm một việc mà mình không muốn.
Và điều đó có thể dẫn đến sự vô tâm cũng như cảm giác bất lực trong công việc.
Thay vào đó, bạn chỉ cần thay đổi một chút ở cách diễn đạt là có thể thay đổi góc nhìn câu chuyện hoàn toàn.
Nó chứng tỏ bạn có khả năng kiểm soát những gì mình làm và những việc đấy đều sẽ mang lại một “lợi ích” nào đó.
6. Thiết lập một ranh giới rõ ràng
Nếu bị ngắt lời khi đang phát biểu trong cuộc họp, hãy dõng dạc nói rằng: “Tôi cảm ơn góp ý của bạn nhưng hãy để tôi trình bày hết rồi tôi sẽ trả lời thắc mắc”.
Hoặc nếu liên tục bị vây quanh bởi những người đồng nghiệp có tính “buôn dưa lê” thì bạn cũng có thể thẳng thắn: “Tôi không thích tò mò về người khác đâu”.
Có nhiều người hẳn sẽ khó chịu về ranh giới rõ ràng mà bạn vạch ra nhưng nó sẽ giúp bạn tránh được những rắc rối và căng thẳng không đáng có sau này.
7. Thực hành các kỹ năng đối phó
Ngay cả khi bạn đã thể hiện ranh giới “khó chịu” của mình thì vẫn sẽ có những người đồng nghiệp xấu tính vây xung quanh, họ vẫn có thể rút cạn sức lực tinh thần của bạn.
Bởi thế, việc thực hành thêm nhiều kỹ năng đối phó là việc cực kỳ cần thiết.
Hãy nhớ tinh thần không thể khỏe mạnh nếu cơ thể không mạnh khỏe. Đừng tìm đến rượu, đồ ăn vặt hay thức khuya xem phim…
Thay vào đó, hãy chú ý đến các hoạt động thể thao, thiền định hay những thử thách khám phá bản thân.