Thiếu ngủ dẫn đến nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính
Trong một nghiên cứu được công bố tuần này trên Tạp chí PLOS, các nhà khoa học tại Đại học College London đã sử dụng dữ liệu từ nghiên cứu Whitehall II (một nghiên cứu dài hạn về công chức Anh). Từ đó, các nhà nghiên cứu có thể phân tích hơn 7.000 công chức ở Vương quốc Anh trong suốt 25 năm, những người đã báo cáo về giấc ngủ của họ ở độ tuổi 50, 60 và 70 để xem họ có mắc 13 căn bệnh mãn tính sau hay không.
Những căn bệnh được phân tích bao gồm ung thư, tiểu đường, bệnh tim, sa sút trí tuệ, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh thận mãn tính, suy tim, bệnh gan, viêm khớp, Parkinson, trầm cảm và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác.
Khi dân số già tăng lên, số lượng người phải vật lộn với nhiều bệnh mãn tính cũng tăng theo. Tiến sĩ Severine Sabia, tác giả của nghiên cứu và là cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Dịch tễ & Sức khỏe UCL trong một thông cáo báo chí cho biết: “Khi mọi người già đi, thói quen ngủ và cấu trúc giấc ngủ của họ thay đổi. Tuy nhiên, vẫn nên cố gắng ngủ từ 7-8 tiếng mỗi đêm vì thời gian ngủ nhiều hơn hay ít hơn mức này có liên quan đến bệnh mãn tính của từng cá nhân”.
Nghiên cứu cho thấy ngủ 5 tiếng hoặc ít hơn mỗi đêm ở độ tuổi 50, 60 và 70 có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển nhiều bệnh mãn tính theo thời gian so với ngủ 7 tiếng. Ở độ tuổi 50, nguy cơ mắc các căn bệnh mãn tính cao hơn 20% và có thể mắc nhiều hơn một bệnh. Tình trạng mắc nhiều hơn một bệnh mãn tính còn được ghi nhận ở độ tuổi 60 và 70 khi ngủ 9 tiếng trở lên mỗi ngày.
Ảnh minh họa
Tiến sĩ April Rogers, một nhà khoa học nghiên cứu về giấc ngủ và là trợ lý giáo sư tại Đại học St. John (Mỹ) trong bộ phận dịch vụ y tế và con người nhận định nghiên cứu này rất quan trọng vì thu hút được sự chú ý nhiều hơn đến tầm quan trọng của chất lượng giấc ngủ với sức khỏe tổng thể.
“Càng nhận thức rõ hơn về tác dụng của giấc ngủ, công chúng sẽ càng nhận được thêm nhiều thông tin quan trọng về cách nghỉ ngơi và phục hồi”, Tiến sĩ April Rogers nói.
Tuy nhiên Tiến sĩ này lưu ý rằng nghiên cứu nên mở rộng nhiều đối tượng dân số hơn, bên cạnh các công chức đa số là nam giới, có công việc ổn định trong nghiên cứu của Đại học College London.
Ngoài 13 căn bệnh mãn tính trên, ngủ ít còn được chỉ ra là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm khác. Theo một nghiên cứu được công bố bởi Đại học Boston (Mỹ) giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng trong việc loại bỏ chất chuyển hóa độc hại β-amyloid trong não. Thiếu ngủ có thể dẫn đến sự tích tụ protein này trong não, làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Các nhà nghiên cứu tại Mayo Clinic (Mỹ) kết luận thiếu ngủ làm tăng lượng calo hấp thụ, trong khi lượng calo tiêu thụ hầu như không thay đổi, từ đó làm tăng đáng kể sự tích tụ mỡ nội tạng.
Làm thế nào để dễ ngủ và ngủ ngon hơn?
Tiến sĩ April Rogers cho biết chất lượng giấc ngủ và khả năng cơ thể điều chỉnh hormone cũng quan trọng như thời gian ngủ. “Bạn nên có một lịch trình ngủ phù hợp, môi trường ngủ yên tĩnh và nhiệt độ dễ chịu”, Rogers nói, nhấn mạnh thêm các yếu tố như hạn chế ăn nhiều, nạp caffein và uống đồ có cồn trước khi ngủ sẽ giúp chất lượng giấc ngủ được tối ưu.
Ảnh minh họa
Điều quan trọng là phải đi ngủ và thức dậy theo một khung giờ nhất định ngay cả vào cuối tuần và ngày lễ. Một nghiên cứu của Đại học Arizona (Mỹ) cho thấy thức khuya vào cuối tuần sẽ làm gián đoạn thói quen làm việc và nghỉ ngơi, đồng thời có tác động đến cơ thể tương tự như tình trạng lệch múi giờ sinh học khi đi du lịch, gọi là "lệch múi giờ xã hội". Sức khỏe kém, tâm trạng không tốt, mệt mỏi đều có liên quan đến tình trạng này, đồng thời làm tăng 11% nguy cơ mắc bệnh tim.
Thêm vào đó, hãy tìm vị trí đặt giường ngủ hạn chế tiếng ồn nhất có thể.Hãy tạo thói quen không sử dụng các thiết bị điện tử có ánh sáng xanh hoặc những thứ gây xao nhãng ít nhất một giờ trước khi đi ngủ. Thiền, yoga, thái cực quyền, tắm nước ấm là những việc giúp bạn thư giãn và dễ ngủ hơn.