Bắc Kinh phớt lờ phản đối từ Manila yêu cầu ngư dân Trung Quốc ngừng thu hoạch sò tai tượng (sò, nghêu khổng lồ) từ bãi cạn Scarborough, một nhóm ngư dân Philippines tuyên bố hôm 14/6, khi căng thẳng song phương gia tăng sau vụ tàu đánh cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm .
Theo Nards Cuaresman - chủ tịch nhóm ngư dân địa phương ở thị trấn Masinloc, "dân quân hàng hải Trung Quốc" sử dụng dụng cụ gắn trên thuyền nhỏ để phá vỡ san hô và đào vào 150 km vuông rạn san hô. Những con nghêu sau đó được đưa lên một con tàu lớn hơn.
"Họ sử dụng một loại búa dưới nước. Họ đập vỡ các rạn san hô chỉ để lấy nghêu khổng lồ. Nếu chính phủ không làm gì đó, thì trong hai năm tới, tất cả các dải san hô và quần thể nghêu khổng lồ sẽ biến mất", ông nói.
Scarborough là bãi cạn đang tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc, tuy nhiên từ năm 2012, Bắc Kinh đã bắt đầu chiếm đóng trái phép và kiểm soát thực thể này. Khu vực này được Trung Quốc gọi là Hoàng Nham, Philippines gọi là Pantag, nằm cách đảo Luzon khoảng 230km.
Bất chấp một công hàm do Philippines đệ trình đầu năm 2019, Cuaresman cho biết, lực lượng Trung Quốc vẫn tiếp tục thu thập nghêu trong bãi cạn. Hơn nữa, theo ông Cuaresma, trái với những gì chính phủ Trung Quốc nói, ngư dân địa phương không thể câu cá ở bãi cạn, do lực lượng tuần duyên Trung Quốc "luôn chặn đường và quấy rối họ".
Trước đó, ngày 9/6, tàu cá FB Gimver 1 của Philippines va chạm với tàu Trung Quốc gần bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Vụ va chạm khiến tàu Philippines bị chìm, còn tàu Trung Quốc rời hiện trường ngay lập tức, bỏ mặc 22 ngư dân Philippines trên chiếc tàu đắm. Nhóm ngư dân này phải bơ vơ giữa biển trong nhiều giờ trước khi được một tàu Việt Nam cứu hộ.
Hôm 12/6, Bộ Quốc phòng Philippines lên án hành động "đáng khinh bỉ và hèn nhát" của tàu cá Trung Quốc. 1 ngày sau, Manila cảnh báo cắt quan hệ với Bắc Kinh nếu xác minh vụ đâm tàu là hành động có chủ đích. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teddy Locsin, trong dòng tweet đăng tải hôm 13/6 cho biết, ông đã trao công hàm phản đối tới Trung Quốc liên quan tới vụ việc.