Theo Acient Origins, tiến sĩ Sean Kingsley, nhà khảo cổ học hàng hải nổi tiếng ở Anh đã chú ý đến hiện tượng kỳ lạ này và nghi ngờ những món cổ vật mà các ngư dân tìm được và hầu hết đã phân tán khắp nơi thông qua các cuộc mua bán không chính thống, thuộc về Đế chế Srivijaya tồn tại từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 13 ở khu vực đảo Sumatra, rồi biến mất kỳ lạ vào thế kỷ thứ 14.
Một số món trang sức vàng được tìm thấy ở sông Musi vài năm qua - Ảnh: Wreckwatch Magazine
Thủ đô của đế chế này được mô tả trong các ghi chép cổ đại là một " đảo giấu vàng " huyền thoại, đâu đâu cũng đầy kho báu, tương tự như thành phố vàng El Dorado ở Columbia.
Trả lời phỏng vấn tờ The Guardian, tiến sĩ Kingsley cho rằng nếu thực sự "đảo giấu vàng" của Indonesia tồn tại ở khu vực này, thì nó hẳn là một "thế giới nước" nơi cư dân dành nhiều thời gian trên các con thuyền vĩ đại - thứ đem lại sự thịnh vượng. Các ghi chép cho thấy trong hơn 300 năm, những người cai trị Srivijaya đã kiểm soát các tuyến đường thương mại hàng hải quan trọng giữa Trung Đông và Trung Quốc.
Các hiện vật rất đa dạng và tinh xảo - Ảnh: Wreckwatch Magazine
Các báu vật được khai quật trên sông Musi thời gian qua gồm hàng loạt nhẫn vàng với các biểu tượng tinh xảo được nạm bằng hồng ngọc, một số nhẫn nghi lễ cũng bằng vàng có gắn kim cương 4 ngạnh - biểu tượng sấm sét trong văn hóa Hindu, một số đồ trang sức bằng vàng và đông, gương, đặc sắc nhất là một bức tượng Phật tinh xảo.
Khó khăn lớn nhất cho nghiên cứu là các kho báu triệu đô này đã được các ngư dân lấy lên bằng các phương thức lỗi thời, khiến chúng bị hư hại khá nhiều, sau đó lại bị phân tán khắp thị trường chợ đen.
Bức tượng Phật có niên đại khoảng 1.300 năm - Ảnh: Wreckwatch Magazine
Theo tiến sĩ Kingsley, sẽ là thiệt hại rất lớn nếu như không kịp thời tìm kiếm và bảo tồ: những tàn tích cuối cùng của Srivijaya: chúng có thể bị hư hại vĩnh viễn và đế chế này sẽ chỉ còn trong huyền thoại.