Ngư dân Bình Thuận trúng đậm cá cơm cao điểm vụ Nam

Châu Tỉnh |

Nhiều tàu thuyền của ngư dân Bình Thuận cập cảng với khoang thuyền đầy ắp cá cơm. Giá bán ổn định khiến bà con hết sức phấn khởi.

6 giờ ngày 17-8, bãi sau Mũi Né (TP Phan Thiết, Bình Thuận) nhộn nhịp các chuyến thúng vận chuyển cá từ thuyền vào bờ.

Hơn trăm ghe hành nghề lưới mùng và pha xúc tấp nập mang cá cơm về bãi sau một đêm đánh bắt. Từng giỏ cá tươi rói được thuyền thúng trung chuyển từ ghe lớn vào bờ, xếp ngay ngắn dọc bãi cát dài hơn 300 m.

Ngư dân Bình Thuận trúng đậm cá cơm cao điểm vụ Nam - Ảnh 1.

Ngư dân vận chuyển cá cơm từ bãi sau Mũi Né vào bến

Anh Trần Văn Đại, ngư dân địa phương, neo ghe ở chỗ nước sâu cách bờ hơn 100 m, rồi thuê thuyền thúng chuyển cá cơm vừa đánh được vào bãi. Mùa gió nam biển rộ cá cơm, ghe của anh đi 10 người, đánh suốt đêm qua ở vùng biển cách bờ 20 hải lý, trúng luồng cá, bắt được hơn một tấn.

"Trúng mùa, giá bán ổn định nên anh em ai cũng phấn khởi. Hai chuyến trước, chuyến nào ghe đi cũng được 7 đến 8 tạ" – ngư dân Đại cho biết.

Ngư dân Bình Thuận trúng đậm cá cơm cao điểm vụ Nam - Ảnh 2.

Cá cơm tập kết tại bãi sau Mũi Né

Năm nay, mùa cá cơm tại ngư trường Bình Thuận và vùng biển khu vực phía Nam bắt đầu rộ từ thời điểm đầu tháng 7 dương lịch, với sản lượng khá cao.

Các tàu chuyên khai thác loại hải sản này là mành chà pha xúc, tức dùng đèn để dẫn dụ cá, và nghề vây rút chì lưới mùng đều làm ăn đạt. Sản lượng khai thác cá cơm của ngư dân Bình Thuận nhìn chung tăng mạnh so với vụ cá những năm trước.

Ngư dân Bình Thuận trúng đậm cá cơm cao điểm vụ Nam - Ảnh 3.

Cá cơm sọc trắng loại to được thương lái chuộng mua để sấy khô, xuất khẩu

Sản lượng khai thác cao nhưng đáng mừng hơn cho ngư dân là giá thu mua cá cơm năm nay khá ổn định. Tại cảng cá Phan Thiết, mỗi giỏ cá cơm size lớn (trọng lượng 25 ký/giỏ) được thương lái thu mua giao động trên dưới 300.000 đồng. Riêng cá ngon, kích cỡ lớn, tươi dùng để sấy khô thì có nơi thu mua gần 350.000 đồng mỗi giỏ.

Ngư dân Bình Thuận trúng đậm cá cơm cao điểm vụ Nam - Ảnh 4.

Thương lái đón mua cá cơm tại cảng Phan Thiết

Ngoài dùng để sấy khô xuất khẩu, cá cơm tại Phan Thiết là nguyên liệu chính dùng để muối mắm. Nghề làm nước mắm cá cơm ở Bình Thuận có lịch sử phát triển hơn 2 thế kỷ, sản phẩm hiện đã có mặt hầu khắp mọi miền Tổ quốc.

Ngư dân Bình Thuận trúng đậm cá cơm cao điểm vụ Nam - Ảnh 5.

Cá cơm tươi rói vừa được đánh bắt về bờ trong đêm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại