Ngôi trường đặc biệt của bầu Đức

Văn Nhân |

Ở Học viện Bóng đá HAGL không chỉ có các sân bóng mà còn có những lớp học để cho các học viên cắp sách đến lớp vào mỗi buổi sáng.

Nếu như một số đội bóng ở V.League vẫn chưa thấy đường ra trong công tác đào tạo trẻ thì HAGL mang đến một sự khác biệt rất lớn. Học viện Bóng đá HAGL của bầu Đức không chỉ là nơi đào tạo bóng đá mà còn giúp cho cầu thủ được cắp sách đến lớp.

Sáng 5/10, một số cầu thủ HAGL đã tranh thủ đến trường Đại học sư phạm TDTT ở TP.HCM để dự lễ khai giảng năm học mới. Những Công Phượng, Xuân Trường… tốt nghiệp Đại học trong năm tới.

Ngôi trường đặc biệt của bầu Đức - Ảnh 1.

Các cầu thủ HAGL đến dự khai giảng năm học mới.

Bóng đá Việt Nam không hiếm những cầu thủ xuất thân từ bóng đá học đường, hoặc tốt nghiệp Đại học xong mới chơi bóng như Nguyễn Hải Anh, Đức Lộc. Trong đó, Nguyễn Hải Anh từng là nỗi ám ảnh của nhiều hàng thủ ở V.League và từng lên khoác áo ĐTQG.

Tuy nhiên, các cầu thủ HAGL sắp tới tốt nghiệp Đại học là câu chuyện lịch sử của bóng đá Việt Nam. Rất có thể sẽ giúp cho những người làm bóng đá có một cái nhìn rất khác về đào tạo trẻ, với câu chuyện giáo dục được đề cao như một phần quan trọng của môn bóng đá.

Cách đây hơn 1 tháng, tôi có đến Học viện Bóng đá HAGL. Điều khiến tôi ngạc nhiên là bầu Đức cho xây nhiều lớp học để cho các học viên được cắp sách đến trường như bao đứa nhỏ khác. Những cầu thủ ở độ tuổi tiểu học có xe chở đến trường gần Học viện. Những cầu thủ có độ tuổi học cấp hai và cấp ba được học tại Học viện. Họ có lịch học từ 7h đến 10h30, sau đó mới học bóng đá.

Bầu Đức bảo với tôi rằng: Cầu thủ HAGL phải được văn hóa trước khi học bóng đá. Mỗi cầu thủ phải nỗ lực học tiếng Anh và tốt nghiệp Đại học. Đó là những yêu cầu bắt buộc dành cho cầu thủ HAGL.

Những tiêu chí của bầu Đức đáng để suy ngẫm khi nhìn ở góc độ bóng đá và giáo dục. Bóng đá đi kèm với thành tích mới được nhiều người biết đến. Thế nhưng, cầu thủ không có được thành công như chờ đợi thì họ sẽ được gì? Đó là điều mà không phải ai làm bóng đá cũng lo nghĩ chu đáo như bầu Đức. Với bầu Đức, Học viện Bóng đá HAGL rõ ràng là một ngôi trường không chỉ dạy bóng đá khi cầu thủ được ăn học đến nơi đến chốn theo cách riêng.

Tại sang Quang Hải có những lời chào gọi đi nước ngoài thì nhiều cựu danh thủ đều khuyên Hải nên học thêm tiếng Anh? Ngược lại, các cầu thủ HAGL đi nước ngoài cách đây vài năm như Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường thì không cần nói đến yếu tố ngoại ngữ, bởi một điều đơn giản là họ được bầu Đức trang bị ngay từ thuở nhỏ. Đó là sự khác biệt.

Ngôi trường đặc biệt của bầu Đức - Ảnh 2.

Các lớp học ở Học viện HAGL của bầu Đức.

Cầu thủ có cần gặt hái được vinh quang mới có ý nghĩa, hay bộc lộ tài năng lớn mới đi học tiếng Anh? Tôi nghĩ đây là câu hỏi sẽ gây tranh cãi, vì bóng đá phải đi kèm với thành tích. Tuy nhiên, ở góc độ sâu xa hơn thì chuyện cầu thủ được trang bị văn hóa, tiếng Anh ngay cả khi chưa có thành tích là một câu chuyện hết sức ý nghĩa trong chuyện “trồng người” ngay từ thuở nhỏ.

Thế nên, nhiều người hâm mộ mới được tự hào khi thấy những Công Phượng, Xuân Trường trả lời phỏng vấn truyền thông nước ngoài bằng tiếng Anh, còn đợi họ có thành tích mới tính đến thì giá trị đó bị nhạt đi rất nhiều.

Đào tạo một cầu thủ có văn hóa giỏi, biết ngoại ngữ, tốt nghiệp Đại học trước khi đá bóng giỏi rõ ràng mang đến sự khác biệt. Vì một quy trình đào tạo bài bản dành cho một con người sẽ tạo ra những ý nghĩa lớn, thậm chí thay đổi khái niệm làm bóng đá ở Việt Nam.

Ngôi trường của bầu Đức rồi sẽ để lại nhiều giá trị lớn. Trước tiên, lứa Công Phượng sắp tốt nghiệp Đại học đã làm câu chuyện lịch sử bóng đá Việt Nam. Và giáo dục luôn có một vị trí đặc biệt trong việc “trồng người” chứ không chỉ nói riêng bóng đá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại