Ngôi sao Trung Quốc đăng tải hình ảnh trị bệnh hiếm gặp sai sự thật: Hiện tượng "câu like câu view" bất chấp khiến cơ quan chức năng vào cuộc

Trung Hạ |

Hình ảnh ngôi sao Trung Quốc Gao Junyu chia sẻ vào khoảng đầu tháng 3, ghi lại quá trình điều trị khối u não, lại được xác nhận là từ năm ngoái.

Vài ngày sau khi video và hình ảnh về người nổi tiếng Trung Quốc Gao Junyu đang điều trị khối u não được lan truyền trên mạng, các cơ quan không gian mạng ở thành phố Hàng Châu đã xác nhận rằng nội dung này không phải mới đây, mà có từ tháng 9/2023, làm dấy lên các cuộc tranh luận rộng rãi về đạo đức của hiện tượng "clickbait" ở Trung Quốc.

“Clickbait” là nội dung mang tính giật gân nhằm thu hút người dùng bấm vào một trang web để tăng lượt tương tác. Bait có nghĩa đen là “mồi nhử”, ngụ ý rằng những dạng nội dung này là một cú lừa để người xem nhấp vào (click) nhưng sau đó lại thất vọng bởi nội dung vô nghĩa, không liên quan đến tiêu đề hoặc hứa hẹn quá mức.

Ngôi sao Trung Quốc đăng tải hình ảnh trị bệnh hiếm gặp sai sự thật: Hiện tượng "câu like câu view" bất chấp khiến cơ quan chức năng vào cuộc- Ảnh 1.

Gao Junyu

Gao, 22 tuổi, gần đây đã thu hút sự chú ý của công chúng khi tiết lộ trên Douyin (TikTok Trung Quốc), rằng cô đã được chẩn đoán mắc một “khối u não hiếm gặp”. Cô bắt đầu nổi tiếng vào năm 2009 sau khi xuất hiện trong một quảng cáo nổi tiếng lúc 8 tuổi và từ đó đóng vai chính trong nhiều bộ phim bao gồm “Bruce Lee, My Brother”.

Đoạn video dài một phút, được đăng vào ngày 29/2 trùng với Ngày Bệnh hiếm gặp Thế giới, cho thấy Gao mặc áo bệnh viện và cạo trọc đầu để chuẩn bị phẫu thuật não.

Các bản cập nhật video và hình ảnh tiếp theo trên Douyin được đăng trong 10 ngày sau đó đã ghi lại quá trình điều trị của cô. Một video được chia sẻ vào ngày 8/3 cho thấy Gao được chuyển đến ICU sau khi tình trạng của cô trở nên tồi tệ, kèm theo sốt cao dai dẳng.

Trong khi các video và hình ảnh ban đầu thu hút được làn sóng ủng hộ, ngày càng nhiều cư dân mạng đặt câu hỏi về tính xác thực của hình ảnh. Một số người chỉ ra rằng trang phục mùa hè của các bác sĩ và bệnh nhân trong hình ảnh và video không phù hợp với thời gian đầu tháng 3 ở nhiều vùng Trung Quốc rất lạnh, cho thấy những bức ảnh này có thể không phải mới xuất hiện gần đây.

Người ta cũng lo ngại rằng Gao có thể sử dụng những bức ảnh có sẵn để thu hút sự chú ý, làm dấy lên lời kêu gọi điều tra từ cơ quan chức năng.

Để đối phó với nhiều luồng ý kiến trái chiều ngày càng dữ dội, mẹ của Gao đã lên tiếng vào hôm 11/3, bà xác nhận bệnh tình của con gái mình là thật nhưng giải thích những bức ảnh và video gây hiểu lầm là kết quả của đội ngũ quản lý truyền thông của con gái bà. Bà cho rằng những video và hình ảnh ấy là “sai lầm nghiêm trọng”. Mẹ của Gao cho biết rằng họ sẽ tạm dừng cập nhật thêm trên tài khoản.

Ngày hôm sau, cơ quan quản lý không gian mạng Hàng Châu xác nhận rằng những hình ảnh và video gây tranh cãi là từ tháng 9/2023 và công ty giải trí Hàng Châu Huorankailang đã ngụy tạo chúng là hình ảnh gần đây.

Ngôi sao Trung Quốc đăng tải hình ảnh trị bệnh hiếm gặp sai sự thật: Hiện tượng "câu like câu view" bất chấp khiến cơ quan chức năng vào cuộc- Ảnh 2.

Nhấn mạnh “Internet không phải là nơi vô luật pháp”, chính quyền Hàng Châu cảnh báo rằng các công ty hoặc cá nhân cố ý tạo vấn đề bằng cách bịa đặt, xuyên tạc hoặc phóng đại sự thật sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ tác động hoặc hậu quả tiêu cực nào đến xã hội.

Cuộc tranh cãi đã tạo ra hàng chục hashtag liên quan trên mạng xã hội, trong đó một hashtag trên nền tảng Weibo thu hút hơn 430 triệu lượt xem. Phản ứng của công chúng trái chiều: Một số chọn cách bỏ qua, những người khác lại bày tỏ sự phẫn nộ.

Nhiều người chỉ trích Gao Junyu lợi dụng bệnh tình của mình để chiếm sự đồng cảm của cộng đồng mạng. Không ít người cho rằng sự bịa đặt này đến từ ekip phía sau của cô, kêu gọi mọi người không nên nhắm vào cô gái bị bệnh nặng.

Một nhà vận động tại tổ chức phi lợi nhuận nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về tình trạng suy giảm miễn dịch nguyên phát, họ Yin, nói với Sixth Tone rằng những thông tin sai lệch như vậy sẽ khiến người ta vô tình có sự xem nhẹ căn bệnh nguy hiểm.

Yin, người cũng được chẩn đoán mắc một căn bệnh hiếm gặp khiến hệ thống miễn dịch bị tổn hại, cho biết anh đã chỉnh sửa một số video cho Ngày Bệnh hiếm gặp Thế giới, nhưng chúng hầu như không thu hút được lượng tương tác đáng kể trên mạng xã hội.

“Hóa ra chúng tôi chỉ là những kẻ ngốc bị lừa. Tôi vẫn lo lắng về tình trạng của cô ấy trước khi phẫu thuật”, Yin, yêu cầu chỉ nêu họ của mình vì lý do riêng tư, cho biết.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều “cạm bẫy câu like câu view” trên mạng xã hội, cơ quan quản lý internet của Trung Quốc đã phát động một chiến dịch vào tháng 12/2023 chống lại thông tin sai lệch và nội dung không phù hợp, nhắm mục tiêu vào các video bịa đặt câu chuyện để gây thiện cảm cùng các vấn đề khác. Các nhà chức trách cảnh báo rằng các tài khoản hoặc nền tảng bị phát hiện vi phạm các nguyên tắc trực tuyến sẽ phải đối mặt với việc khóa tài khoản và bị phạt, trong đó các trường hợp nghiêm trọng sẽ được công khai truyền thông để xem như lời cảnh tỉnh cho những người sáng tạo nội dung khác.

Nguồn: Sixth Tone

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại