Theo số liệu từ đầu năm 2023 đến ngày 30/5, lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) đã làm thủ tục thông quan cho 1.601 lô hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tương đương gần 60.000 tấn.
Trong đó, chỉ riêng tháng 5/2023, sản lượng sầu riêng xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đã đạt hơn 17.500 tấn.
Sầu riêng đang vào chính vụ thu hoạch, tại các tỉnh phía Nam, và mặt hàng này chỉ thực hiện xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế. Trong đó, Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị chiếm hơn 50% tổng số lượng xe.
Theo ước tính, sản lượng sầu riêng quả tươi xuất khẩu qua Cửa khẩu Hữu Nghị trong tháng 6/2023 có thể đạt hơn 20.000 tấn.
Tháng 5/2023, sản lượng sầu riêng xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đã đạt hơn 17.500 tấn. Ảnh minh họa.
Các lô hàng sầu riêng khi nhập khẩu vào Trung Quốc được kiểm tra chặt chẽ về chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ… Vì lý do này, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và Sở Công Thương Lạng Sơn đã gửi văn bản đến Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và các hiệp hội ngành hàng trên cả nước khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng hoa quả tươi nên cân nhắc.
Đơn vị này đề nghị các cơ quan liên quan chủ động tính toán trước khi đưa xe chở hàng lên khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, tránh phát sinh thêm chi phí lưu kho bãi, tránh trường hợp hàng hóa phải nằm chờ lâu, ảnh hưởng đến chất lượng hoa quả xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp cũng cần tính toán chuyển đổi phương thức vận tải (xuất khẩu qua cửa khẩu đường sắt quốc tế) hoặc đưa hàng hóa qua các cửa khẩu của địa bàn khác để giảm thiểu tình trạng chờ, đỗ dài ngày.
Song song với các biện pháp trên, Ban quản lý khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, Sở Công Thương tiếp tục trao đổi với phía Ban Bảo thuế tổng hợp Bằng Tường (Trung Quốc) để thống nhất cho phép mặt hàng sầu riêng xuất khẩu qua Cửa khẩu Tân Thanh.
Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) thông báo kết quả xét duyệt hồ sơ khắc phục của các mã số vùng trồng, cơ sở sầu riêng không đạt ở lần kiểm tra trực tuyến tháng 1/2023.
Kết quả, có 47/51 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói đạt yêu cầu và được GACC cấp mã số. Hồ sơ khắc phục của 4 vùng trồng chưa đạt yêu cầu là do hồ sơ gửi chưa đủ thông tin, hình ảnh không rõ nét nên phía bạn không đánh giá được sự cải thiện, cải tiến.
Tính đến nay, có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này.
Giá sầu riêng Thái Lan tại thị trường Trung Quốc có biến động. Ảnh: Dy Khoa.
Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 2 tháng đầu năm 2023, sầu riêng là loại trái cây xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm hàng rau quả Việt Nam đang xuất khẩu vào Trung Quốc. Cụ thể, giá trị xuất khẩu đạt 56,9 triệu USD (tăng trưởng 290,8% so với cùng kỳ 2022).
Theo tờ The Star (Malaysia), Giám đốc Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế Phusit Ratanakul Sereroengrit dẫn báo cáo từ văn phòng xúc tiến thương mại Nam Ninh (Trung Quốc), giá bán buôn sầu riêng ở Trung Quốc đã giảm vào đầu tháng 5. Nguyên nhân được cho là bởi nguồn cung tăng sau khi các nhà bán buôn Trung Quốc tăng nhập khẩu từ Việt Nam và Philippines.
Hồi đầu tháng 5, giá sầu riêng mon thong của Thái Lan đã giảm xuống còn 36-48 tệ (119.000-159.000 đồng)/kg. Giá sầu riêng mon thong từ Việt Nam dao động từ 32-41 tệ (106.000-136.000 đồng) trong khi sầu riêng puyat từ Philippines dao động từ 37-45 tệ (122.500-149.000 đồng).
Sau đó, giá sầu riêng Thái Lan đã tăng trở lại mức 52-58 tệ/kg (172.000-192.000 đồng) vào giữa tháng 5, chủ yếu do đây là thời điểm kết thúc vụ thu hoạch ở các tỉnh miền Đông. Ngoài ra, xuất khẩu sầu riêng Thái Lan giảm cũng khiến giá tăng lên.