Hôm 28/6, Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo điều động ông Hoàng Cường giữ chức vụ Bí thư tỉnh ủy tỉnh Cát Lâm, thay cho ông Cảnh Tuấn Hải. Trước đó, ông Hoàng Cường giữ chức Tỉnh trưởng tỉnh Tứ Xuyên từ tháng 2/2021.
Quyết định điều động ông Hoàng Cường - 61 tuổi, một kỹ sư về chiến đấu cơ - được thông báo chỉ 1 ngày sau hội nghị của Bộ Chính trị Trung Quốc dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vạch ra các mục tiêu kinh tế và phát triển công nghệ đầy tham vọng cho thập kỷ tiếp theo.
Bộ Chính trị Trung Quốc cũng ấn định thời gian triệu tập Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban chấp hành trung ương ĐCSTQ khóa XX vào ngày 15-18/7 tới tại thủ đô Bắc Kinh, trong đó xác định Hội nghị toàn thể sẽ "chủ yếu xem xét các vấn đề liên quan đến cải cách sâu rộng toàn diện hơn nữa và thúc đẩy hiện đại hóa Trung Quốc" - theo thông cáo do Tân Hoa Xã phát đi.
Hội nghị toàn thể 3 được kỳ vọng sẽ là một "thời khắc quyết định" trong nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã đề bạt thêm các nhà khoa học và kỹ sư vào những vị trí chủ chốt của ban lãnh đạo cấp tỉnh, nhằm mài giũa thế mạnh công nghệ của quốc gia và đối trọng với các biện pháp siết chặt công nghệ do Mỹ dẫn đầu.
Các quan chức này được kỳ vọng mang tới kiến thức chuyên môn trong các lĩnh vực như khoa học tên lửa, năng lượng hạt nhân hay bảo vệ môi trường. Ông Hoàng Cường nằm trong nhóm những ngôi sao chính trị đang lên với nền tảng về khoa học kỹ thuật - theo SCMP.
Hoàng Cường sinh ra ở tỉnh Chiết Giang. Ông là kỹ sư cấp cao có bằng tiến sĩ về khoa học và kỹ thuật quản lý của Đại học Công nghiệp Tây Bắc (Trung Quốc). Sự nghiệp của ông khởi đầu từ Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC), tại đây ông kinh qua nhiều vị trí về chuyên môn cũng như quản lý.
Năm 2008, ông Hoàng Cường trở thành Phó giám đốc của Cục Công nghiệp khoa học công nghệ quốc phòng nhà nước (SASTIND), cơ quan có nhiệm vụ liên quan vũ khí hạt nhân, công nghệ hàng không vũ trụ, ngành hàng không, vũ khí, tàu thủy và điện tử. SASTIND được thành lập để củng cố lực lượng quân sự Trung Quốc với nhân sự bổ sung và thiết bị tiên tiến hơn.
Quan chức này cũng được biết đến rộng rãi là một nhà thiết kế chiến đấu cơ, đặc biệt với vai trò trong hệ thống định vị và điều khiển hỏa lực của oanh tạc cơ Xian JH-7 có biệt danh "Phi báo".
Năm 2014, ông Hoàng Cường được bổ nhiệm làm Phó tỉnh trưởng tỉnh Cam Túc, rồi 4 năm sau đó được điều chuyển tới tỉnh Hà Nam giữ chức vụ tương tự, đảm nhận trách nhiệm phát triển kinh tế và cải cách hành chính. Từ tháng 2/2021, ông làm Phó Bí thư, Tỉnh trưởng Tứ Xuyên.Thế hệ "ngôi sao đang lên" Trung Quốc có nền tảng công nghệ
Các ngành mới cần kiến thức chuyên môn cao
Phó giáo sư Alfred Wu tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho rằng thế hệ các nhà kỹ trị hiện tại của Trung Quốc được đặt ở vị trí tốt hơn so với những người tiền nhiệm vì họ phù hợp hơn với các ưu tiên phát triển của Chủ tịch Tập Cận Bình như hàng không vũ trụ, chất bán dẫn và sản xuất tiên tiến.
"Ở thời của các lãnh đạo Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, công nghệ tập trung vào khai thác dầu mỏ và sản xuất năng lượng, thủy lợi, thủy điện và địa chất để tìm kiếm khoáng sản. Nhiều nhà kỹ trị ở các lĩnh vực này được đề bạt lên cao," Wu nói.
"Giờ đây những ngành công nghiệp truyền thống không còn là động lực [chính] cho nền kinh tế Trung Quốc. Thay vào đó thì vũ trụ, quốc phòng và điện tử cao cấp,... đã trở thành động lực cho tương lai, đặc biệt trong bối cảnh đối đầu công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ."
Nghiên cứu của MacroPolo cho thấy ban lãnh đạo Trung Quốc đã lựa chọn kỹ càng các nhà kỹ trị có chuyên môn cần thiết để thúc đẩy những kế hoạch phát triển vùng, đặc biệt là tại các vùng phát triển công nghệ chủ chốt như tỉnh Hồ Nam - vốn là một trung tâm R&D chủ chốt về động cơ máy bay và hệ thống đáp, đồng thời là cơ sở của chương trình Vệ tinh định vị Bắc Đẩu (BDS).
Trường Đại học Quốc gia về công nghệ quốc phòng ở tỉnh Hồ Nam đã đi tiên phong với BDS từ năm 1995, hướng đến mục tiêu cạnh tranh với hệ thống định vị GPS của Mỹ và Galileo của Liên minh châu Âu (EU). Ngay sau khi Hồ Nam được lựa chọn làm vùng thị phạm cho thế hệ thứ ba của Bắc Đẩu (BDS-3), chuyên gia Hứa Đạt Triết với 32 năm kinh nghiệm trong ngành vũ trụ đã được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng vào năm 2016, rồi trở thành Bí thư tỉnh ủy 4 năm sau đó.
"Điều này giống như là một kỹ sư ở NASA trở thành thống đốc một bang của Mỹ," MacroPolo đánh giá.
Sau khi Hứa Đại Triết nghỉ hưu năm 2021, người kế nhiệm ông là Trương Khánh Vĩ - cựu kỹ sư vũ trụ. Ông Trương được ghi nhận thành tích trong việc đưa tỉnh Hắc Long Giang ở vùng đông bắc Trung Quốc trở thành cứ điểm sản xuất của nhà chế tạo máy bay thương mại Comac.
Nhà nghiên cứu cấp cao Xie Maosong tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa, nói với SCMP rằng các nhà kỹ trị đang trên đà phát triển và cần chứng minh bản lĩnh của mình thông qua sự phối hợp với các lãnh đạo cấp tỉnh và cấp bộ khác.
"Giờ đây Bắc Kinh cần những người có thể nhìn ra bức tranh toàn cảnh cho Trung Quốc và đóng vai trò dẫn dắt khi [Trung Quốc] đã xác định một số sáng kiến hội nhập khu vực quan trọng là các khu vực phát triển trọng điểm, bao gồm Khu vực Vịnh Lớn, Đồng bằng sông Dương Tử, kế hoạch hội nhập Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc và Vành đai kinh tế sinh thái Hoàng Hà, v.v.," Xie nói.
"Với những kế hoạch đồ sộ như vậy, các nhà kỹ trị, hầu hết ở cấp tỉnh và cấp bộ, sẽ phải phối hợp giữa các địa phương và các cơ quan. Ai tỏa sáng trong nỗ lực này sẽ có triển vọng thăng tiến cao hơn trong tương lai."