Từ cuối thế kỷ 19, Trung Quốc đã tiến hành khai quật nhiều ngôi mộ cổ và các di tích văn hóa được tìm thấy đã góp phần bổ sung hiểu biết về những khoảng trống trong lịch sử. Một trong những câu chuyện nổi tiếng được lưu truyền trong giới khảo cổ chính là cuộc khai quật ngôi mộ 2600 năm tuổi ở tỉnh Thiểm Tây.
Năm 1992, nhận được tin báo của quần chúng về việc có người khai quật được một ngôi mộ cổ ở Bao Kê, Thiểm Tây, Trung Quốc, các chuyên gia ngay lập tức đến hiện trường kiểm tra thì bất ngờ phát hiện đây chỉ là ngôi mộ nhỏ chưa đầy 3m2. Loại lăng mộ này thuộc về người dân bình thường và ít có giá trị khảo cổ.
Tuy nhiên, khi tiến hành khai quật, điều khiến mọi người ngạc nhiên là ngôi mộ nhỏ khiêm tốn này lại chứa tới hơn 200 cổ vật quốc gia bên trong. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng chồng vàng, tiền, ngọc bội, đồ đồng và đồ sắt, tổng cộng hơn 200 món.
Trong số những di vật này, đáng ngạc nhiên nhất chính là một thanh kiếm cán vàng có giá trị nghệ thuật cao. Chuôi của thanh kiếm được làm bằng vàng nguyên chất khắc hình long ly uốn khúc và hoa văn thao thiết, ngoài ra còn được nạm một viên ngọc bội xanh lục cực kỳ tinh xảo.
Thanh kiếm đang được lưu giữ tại viện bảo tàng tỉnh. Ảnh minh họa: Sohu
Công nghệ chế tạo thanh kiếm này đã vượt xa kỹ thuật của nền văn minh thời bấy giờ. Tuy nhiên, giá trị lớn nhất của thanh kiếm lại nằm ở phần thân sắt bởi ở thời kỳ đó sắt là thứ cực kỳ khó tinh luyện. Thanh kiếm này đã gián tiếp chứng minh rằng người dân nước Tần đã có khả năng chế tác đồ sắt từ sớm.
Vì sao một ngôi mộ với nhiều bảo vật quý giá mà bên ngoài lại bé nhỏ xập xệ đến thế? Chủ nhân của ngôi mộ có thể là ai?
Danh tính chủ mộ
Sử dụng công nghệ tính tuổi carbon, các chuyên gia có thể xác định rằng tính đến thời điểm khai quật, ngôi mộ này đã tồn tại khoảng 2600 năm - nghĩa là từ cuối thời Xuân Thu. Tuy nhiên, bên trong mộ không hề có văn bia hay tài liệu nào để chứng minh thân phận của chủ mộ.
Trong mộ còn tìm thấy một số món đồ giống với cổ vật trong Lăng mộ Tần Công số 1 (một lăng mộ liệt sĩ tập trung), gây hoang mang cho đội khảo cổ.
Cuối cùng, sau khi phân tích kỹ lưỡng, các nhà khảo cổ học đã kết luận rằng chủ nhân của ngôi mộ là một kẻ trộm mộ. Những di vật bên trong lăng đến từ nhiều triều đại khác nhau và rất lẻ tẻ nên nhiều khả năng chúng là đồ bồi táng bị đánh cắp.
Những món bảo vật này đều là đồ bị đánh cắp. Ảnh: Sohu
Có lẽ kẻ trộm mộ này cũng không bao giờ ngờ rằng một ngày nào đó ngôi mộ của mình cũng sẽ bị khai quật như thế!
Trong lịch sử hơn 5.000 năm, tầng lớp thống trị và quý tộc Trung Quốc đã duy trì các nghi thức tang lễ phức tạp, bao gồm chôn theo người chết các táng phẩm giá trị như ngọc bích, đồ đồng, đồ sơn mài, đồ gốm sứ và vải vóc.
Những thứ đó nói lên thời đại, đẳng cấp và sự giàu có của người đã mất. Song hành cùng với đó chính là sự hình thành và phát triển của mộ tặc.
Kể từ thế kỷ thứ 2 TCN, hiện tượng đào trộm mộ đã xuất hiện và nhanh chóng trở nên phổ biến. Để chống lại những tên mộ tặc này, cổ nhân đã tìm ra nhiều cách, trong đó kinh điển phải kể đến hệ thống bẫy rập hay bẫy thủy ngân trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng nổi tiếng.
Bộ sách "Lã thị xuân thu" đã có hướng dẫn tỷ mỉ cách mai táng để chống lại bọn mộ tặc, nhưng dù thế nào thì những món đồ quý giá trong các ngôi cổ mộ vẫn đã và sẽ luôn hấp dẫn các tay mộ tặc tìm đến kiếm lời.
Bài viết tham khảo từ Sohu