Mỗi khi có chị nào khoe chồng giỏi nấu ăn, biết chăm sóc gia đình, cưng chiều vợ con lên mạng, thể nào hội phụ nữ cũng ồ lên khen “chồng nhà người ta”. Ở đâu đó, các chị em vẫn khao khát được chồng san sẻ những công việc thường ngày, được nâng niu như của báu. Nếu chị em chưa biết, trai làng Công Lương (xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) toàn những người “điểm 10 không có nhưng” như chị em ao ước.
Đàn ông làng Công Lương chủ động làm hết việc nặng cho vợ con được thảnh thơi.
Làng Công Lương cách thành phố Huế khoảng 6km về phía biển Thuận An, là một làng thuần nông nhỏ bé. Điều khiến ngôi làng này nổi tiếng chính là truyền thống chiều vợ của những đấng nam nhi trong làng.
Đàn ông làng Công Lương được nhận xét là những người chồng, người cha mẫu mực, hiếm khi rượu chè, siêng năng làm ăn.
Phần đông người dân sống gắn bó với nghề nông, nhưng phụ nữ không bao giờ phải lấm lem bùn đất. Không muốn vợ mình phải làm những công việc đồng áng nặng nhọc, tất cả công việc đồng áng đều do đàn ông đảm nhiệm, từ làm đất, cày bừa, ủ giống, làm đồng cho đến thu hoạch, xay xát.
Từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, có chồng, phụ nữ không phải ra đồng làm ruộng mà chỉ cần chuẩn bị nông cụ, đưa cơm cho chồng mà thôi. Đàn ông nếu đem vợ ra đồng, không chỉ mất mặt với bà con lối xóm mà còn đi trái với phong tục của làng.
Phụ nữ làng này chủ yếu làm nội trợ và bán hàng, không phải mưa nắng ra đồng.
Công việc của phụ nữ làng này là ở nhà lo cơm nước, chăn nuôi lợn gà, nuôi dạy con cái và làm những công việc nhẹ. Nếu muốn có thêm thu nhập, các chị có thể làm nghề may, kinh doanh hàng xén, bán bánh… nhưng trong công việc của các chị đều có bàn tay giúp sức của chồng.
Tùy từng gia đình, có những ông chồng đảm nhiệm luôn cả việc bếp núc, giặt giũ. Anh nào không khéo có thể nhận việc kèm con học hoặc đưa đón chúng đến trường, dọn hàng, giao hàng... phụ giúp vợ.
Việc giặt giũ, cơm nước các anh cũng cân tất.
Chẳng thế mà trong khi đàn ông làng Công Lương có vẻ ngoài đen đúa, chân tay nứt nẻ thì phụ nữ lại hồng hào, móng tay móng chân trắng trẻo không khác gì gái phố.
Lệ làng Công Lương chỉ áp dụng với những phụ nữ sống trong làng. Cô nào đến đây làm dâu cũng được đối xử y hệt như gái làng, chồng có “nghĩa vụ” chiều chuộng. Còn con gái làng này nếu lấy chồng xứ khác mà nhà chồng có làm đồng thì cũng phải theo chồng, chân lấm tay bùn trên những thửa ruộng.
Điều đặc biệt là, nếu người phụ nữ nào ở làng chẳng may trở thành góa phụ, không còn chồng đảm đương việc đồng áng, ruộng đồng sẽ được làng giao cho người khác làm hộ, lợi tức chia mỗi người một nửa. Người góa phụ này sẽ làm thêm nghề khác để có thu nhập chứ không phải vất vả làm nông.
Các bà các chị ở đây có nhiều thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân và gia đình.
Thương vợ, cưng chiều phụ nữ là điều hiển nhiên với mỗi người đàn ông sống ở làng Công Lương. Ngay cả những chàng trai xứ khác về đây làm rể cũng phải tuân thủ lệ làng.
Theo thời gian, câu nói “Công Lương - thương vợ” đã trở thành một thương hiệu riêng của ngôi làng nhỏ này. Với đàn ông làng Công Lương, việc được chăm sóc cho vợ và con gái, nhận về mình việc nặng nhọc để cho vợ con được an nhàn, thảnh thơi là nghĩa vụ.
Có lẽ vì cánh mày râu cưng chiều chị em đến thế, trong làng gần như không xảy ra xích mích, các cặp vợ chồng đều yêu thương nhau hết mực. Đặc biệt hơn nữa là từ khi làng được thành lập cho tới nay, chưa bao giờ có chuyện chồng bạo lực với vợ hay mâu thuẫn lớn đến mức ly hôn.
Phần lớn các cặp đôi ở làng Công Lương đều gắn bó bền chặt.