Từ đó đến nay, trải qua bao biến cố, giá tơ tằm bấp bênh..., thế nhưng người dân vẫn “sống chết, ăn nằm” với cây dâu, con tằm.
Nuôi tằm… trong phòng khách
Thôn Mỹ Thạnh Tây (xã Hòa Phong) nằm bên bờ sông Ba. Một điều khác lạ trong các gia đình ở làng quê này, là phòng khách không để tiếp khách mà dành riêng nuôi tằm, còn khách đến nhà thì để bộ bình trà ngồi xếp bằng ngoài hàng ba trò chuyện.
Nong nuôi tằm để trong phòng khách
Giải thích chuyện “tằm ở chỗ sang trọng”, còn “tiếp khách ngoài hàng ba”, ông Ngô Đình Nhân, chuyên nuôi tằm, nói:
Con tằm ngó vậy chớ “khó chịu” lắm, chỗ nuôi tách riêng ra chứ nuôi dưới bếp, khi nấu nướng bay mùi dầu mỡ là nó lơ ăn, còn nuôi ngoài sân, bay mùi phân heo, phân bò, nó cũng biếng ăn. Không những thế, phòng khách nuôi tằm phải rộng mát, không nóng bức...
Ông Nhân chia sẻ: Con tằm rất “nhẹ” hơi, người trong nhà đi viếng đám tang trong xóm về là ra thẳng ngoài giếng cởi quần áo tắm giặt liền, còn nếu lỡ bước chân vô nhà, tằm bắt hơi là sau đó bỏ ăn lăn ra chết.
Phụ nữ sinh con ở trạm xá hoặc bệnh viện về nhà không được “léo” chân lên nhà trên, khi nào “sổ cử” (đầy tháng) tắm giặt xong mới bước lên chỗ nong tằm. Nuôi tằm lâu năm “hiểu ý”, nên ai cũng kiêng cữ mấy việc này.
Không chỉ kiêng cữ với con tằm, người nuôi còn rất kỹ các khâu như chân giá đỡ cho các nong tằm phải đặt trên 4 cái chén đựng nước để kiến không leo lên nong tằm. Còn phía trên giăng mùng đề phòng thằn lằn (thạch sùng), rắn mối trên trần nhà rớt xuống “lót ổ” trong nong dâu ăn tằm.
Nuôi tằm từ bao đời nay vẫn theo cách truyền thống, đó là sau khi nhận trứng ủ cho trứng nở, hái lá dâu non cho tằm ăn.
Thường để nuôi 6 gam trứng, trồng 1 sào dâu là đủ tằm ăn trọn vòng đời. 1 gam trứng nếu nuôi đạt cho ra 3kg tơ (1 con tằm nhả ra 1.000m sợi tơ). Vòng đời nuôi, từ ngày thả trứng đến 20 ngày là thành kén. Lựa kén bỏ ra né (một dụng cụ đan bằng tre) cho tằm quay tơ, hiện 1kg tơ có giá 120.000 đồng.
Nhà bà Trương Thị Lánh, lứa vừa rồi nuôi 10gam trứng, trong quá trình nuôi hao hụt (tỉ lệ trứng nở ra tằm thấp), cho ra 24,5kg tơ, thu gần 3 triệu đồng. Trung bình trồng 1 sào dâu với sức ăn của tằm cho ra 18kg tơ, thu trên 2,2 triệu đồng.
Cây “ăn nói” của xã
Ông Lê Ngọc Cửu, GĐ HTX Nông nghiệp - Kinh doanh - Dịch vụ Hòa Phong, kể: Tôi công tác trên 10 năm, xác định cây dâu là cây “ăn nói” của xã nên mỗi lần đi họp, từ tỉnh đến Trung ương đều báo cáo thành tích làng nghề trồng dâu nuôi tằm.
Còn nhớ khi bác Nguyễn Phú Trọng lúc đó dẫn đầu đoàn công tác của Quốc hội đến thăm HTX, địa phương báo cáo thành tích trồng dâu nuôi tằm. Bác khen, đồng thời căn dặn phải giữ vững và phát triển làng nghề truyền thống này.
Né (một dụng cụ đan bằng tre) cho tằm quay tơ
Nuôi tằm thì phải trồng dâu. Soi dâu ven bờ sông Ba mùa mưa ngập lụt, đứng bên bờ sông phía thôn Mỹ Thạnh Tây nhìn ra nước sông lênh láng, chỉ còn lấp ló mấy đọt dâu. Khi lũ rút, dòng sông cạn dần “trả” đất lại cho soi dâu.
Người dân ra bờ sông trồng dặm những cây dâu đã chết, cuốc cỏ. Qua tháng Giêng, soi dâu ra lá non, làng nghề bắt đầu nhộn nhịp. Giai đoạn tằm ăn lên, ra sông hái lá dâu đi đụng đầu.
Theo nhiều người dân, câu dân gian “ăn như tằm ăn lên” là nói về sức ăn của con tằm chứ không phải tằm ăn tạp, ngược lại nó rất kén ăn, khi hái lá dâu lựa lá xanh non, còn lá già rách nát thì tằm không bao giờ ăn.
Có thể nói, không con gì sạch hơn con tằm. Nuôi nó còn khó hơn nuôi trẻ nhỏ. Vì vậy, nuôi tằm phải có kinh nghiệm, lòng yêu nghề chứ không dùng sức.
Soi dâu mấy năm nay do đầu nguồn sông Ba (bắt nguồn từ tỉnh Kon Tum, chảy qua tỉnh Gia Lai rồi đổ về Phú Yên), nhiều công trình thủy điện chặn dòng, ngăn phù sa từ thượng nguồn đổ về nên đất soi dâu ven sông Ba phù sa bồi đắp màu mỡ ngày nào bây giờ giống như đất thổ (nghèo dinh dưỡng).
Vì thế, để trồng dâu xanh tốt, các hộ phải đầu tư phân bón, cải tạo đất.
Ông Trần Đình Bá, người hơn 30 năm với nghề trồng dâu nuôi tằm, cho hay: Giá tơ thì bấp bênh, có lúc 120.000 đồng/kg, có thời điểm hạ xuống còn 100.000 đồng/kg nên nhiều người “hăm” bỏ nghề để tìm việc khác mưu sinh.
“Nói vậy chứ đến đầu mùa, ai cũng ra sông Ba củng cố lại soi dâu, trồng lại những cây bị nước lụt bứng gốc, cây già cỗi. Trong thời gian chờ dâu ra lá non, ai cũng tranh thủ chẻ tre đan nong, bện né vì đã “sống chết” với nghề này rồi”, ông Bá nói.