Có những phong tục, hội hè đã gắn bó với vùng đất hàng trăm năm, âm thầm ngấm vào mạch văn hóa đến độ, người ta chẳng còn truy vấn xem nó bắt đầu từ đâu, tại sao lại vậy nữa. Lệ làng từ xưa truyền lại, lớp người này nằm xuống thì lớp người kế cận lưu truyền. Tục cả làng cùng làm cỗ chó, ăn thịt chó vào ngày mùng 4 Tết của thôn Yên Trường, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội là như vậy đó.
Từ thuở còn là làng quê êm ả thuộc xứ Đoài, đến khi sáp nhập vào Hà Nội, người dân nơi đây vẫn tôn trọng những tục lệ cũ, vẫn duy trì việc mùng 4 Tết, người cao niên trong làng sẽ ra đồng tạ mộ, bày tỏ kính hiếu với tổ tiên. Thanh niên và phụ nữ sẽ tập trung ở nhà trưởng họ, chuẩn bị mâm cỗ từ thịt chó, đợi các cụ tạ mộ xong là sắp mâm.
Ở đây, người dân không kiêng cữ mà coi thịt chó là món ăn khoái khẩu, ăn thịt chó đầu năm để cầu may mắn. Người trong làng kể lại, cứ mùng 4 Tết thì cả thôn rộn rã như ngày hội. Khi xưa, người ta nuôi nhiều chó thì mang đến góp, mỗi họ ăn hết khoảng 4 - 5 con.
Giờ bận rộn, cũng ít nhà nuôi thì có thương lái thịt chó tấp nập giao thịt từ sáng sớm. Mọi người chỉ cần chuẩn bị đồ gia giảm, đồ dùng chế biến và nấu nướng. Cả thôn rộn rã tiếng băm chặt, mùi giềng mẻ mắm tôm sực nức từ sáng cho tới trưa.
Ước tính, chỉ riêng ngày mùng 4 Tết, cả làng tiêu thụ hết 4 tấn thịt chó.
Một người cao niên trong làng chia sẻ: "Tục lệ này lâu năm lâu đời rồi, từ hồi tôi còn bé tí đã thấy các cụ làm như vậy. Dù là dâu con nơi khác hay người đi làm ăn xa, kinh doanh buôn bán, kể cả trẻ con trong làng cũng ăn thịt chó, không có ai ngoại lệ.
Có người kêu kiêng vì sợ đen đủi, nhưng làng tôi ăn thế vẫn không ảnh hưởng gì, vẫn ăn nên làm ra bình thường. Mọi người tập trung ăn uống cho nó vui, hòa đồng với nhau. Xưa là ăn toàn bộ thịt chó đấy, giờ thì cũng pha trộn một ít các thực phẩm khác như hải sản hay thịt lợn, nhưng nhất định vẫn phải có thịt chó. Tôi cho rằng thịt chó là đặc sản hàng đầu của người dân địa phương, hàng đầu của thức ăn dân dã".
Do cỗ thịt chó đều tự tay người dân chế biến bằng kinh nghiệm nên không bày vẽ được 7 món, 9 món như nhà hàng. Người dân nơi đây chế biến thịt chó thành các món đơn giản: luộc, dồi, om giềng mẻ, canh măng và xáo dăm hành, trong đó xáo dăm hành là món đặc trưng nhất của địa phương.
Mùng 4 Tết là thời điểm cả dòng họ gặp gỡ, chia sẻ chuyện buồn vui năm cũ. Họ cho rằng, món thịt chó giúp đổi khẩu vị, ngon miệng, đậm đà hơn sau những ngày Tết đã ngán thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng.
Một vài năm trở lại đạy, tục này vẫn được duy trì, nhưng con số 4 tấn thịt chó/ngày đã giảm sút. Ngoài thịt chó, người dân cũng ăn thêm thịt lợn và các loại thực phẩm khác cho bữa cỗ tạ mộ.
Nguyên do là nhiều người trẻ không còn hào hứng nhiều với thịt chó, phụ nữ, trẻ em cũng không ăn được món này như xưa. Cũng có thể do thay đổi nếp sinh hoạt. Ngày xưa trong dân chỉ nuôi chó cỏ, chó ta trông nhà; giờ người ta nuôi chó cảnh, chăm sóc, coi chó như con nên tâm tư tình cảm cũng khác, ăn thịt chó không còn thấy ngon miệng.
Dù vậy, cỗ thịt chó ngày mùng 4 Tết vẫn được những người lớn tuổi thôn Yên Trường duy trì gìn giữ, coi đó là tục lệ cổ truyền, là dịp gắn kết, hòa đồng của ngôi làng.
Tham khảo: Nguyễn Vũ, VTC Now