Trong tác phẩm “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân, Tôn Ngộ Không là con khỉ được sinh ra từ một khối đá hấp thu linh khí của vạn vật, trời đất. Qua chi tiết này cũng có thể thấy, từ xưa đến nay, đá chiếm một vị trí rất quan trọng trong cuộc sống của người Trung Quốc.
Từ xưa, dân gian Trung Quốc có cách gọi “ngọc thạch”, bất kể là ngọc hòa điền hay phỉ thúy cũng đều được quy về cách gọi là đá, chỉ khác ở chỗ chúng là đá quý mà thôi. Mà đá cũng có nhiều loại, nhiều kiểu…
Trung Quốc có một ngôi làng, thôn dân trong làng này đều sống bằng nghề nhặt đá. Họ nhặt được đá rất có giá trị, thậm chí có khối đá được bán hàng chục nghìn NDT. Vì thế, người dân đều đổ xô mưu sinh bằng cách nhặt đá và bán đá, hầu như ai cũng trở thành “phú hào”. Đó chính là thôn Hà Gia Bá ở Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Văn hóa “thưởng đá” ở Trung Quốc
Người ta thường nói “thưởng trà”, chứ ai lại đi “thưởng đá”, nghe thật kỳ lạ! Thế mà “thưởng đá”, hay dễ hiểu hơn chính là ngắm đá, bình phẩm về chất đá, giá trị của đá, đã trở thành một văn hóa của người dân nước này.
Đá được tạo ra một cách tự nhiên, trải qua hàng ngàn năm thay đổi, chúng đã trở thành những gì chúng ta đang nhìn thấy bây giờ. Sở hữu muôn hình vạn trạng, được tác động bởi thời gian và những “bí mật” ẩn chứa bên trong, khiến mỗi hòn đá đều có vẻ đẹp và giá trị riêng.
Trên thực tế, văn hóa thưởng thức đá ở Trung Quốc đã được hình thành ngay từ thời kỳ Xuân Thu. Sau đó, nhà Đường đã đẩy văn hóa thưởng thức đá lên đỉnh cao, thậm chí còn phân chia đá với nhiều cấp độ khác nhau.
Ngày nay, văn hóa thưởng thức đá vẫn còn phổ biến. Rất nhiều khu chợ mọc lên, là nơi các tiểu thương mang những cục đá thô đến để người đam mê đá quý và thích trò may rủi thử vận. Họ nhìn cục đá thô, quan sát và đánh giá, rồi mua với một số tiền nhất định. Sau đó đó mang về đập ra hoặc đánh bóng, cũng có thể yêu cầu người bán thực hiện công đoạn này ngay tại chỗ, để xem bên trong nó là đá quý hay chỉ là đá thường.
Nhiều chương trình thẩm định cổ vật xuất hiện, không ít người mang những khối đá quý đến chương trình để nhờ chuyên gia kiểm tra thật giả và chất đá. Đá huyết kê, đá ngọc bích… đều mang giá trị rất lớn, càng quý hơn nếu được tạo hình, chạm khắc tinh xảo.
"Người nhặt đá" ở thôn Hà Gia Bá
Sở dĩ thôn Hà Gia Bá nổi tiếng về đá như vậy là nhờ nơi đây có điều kiện vị trí địa lý khá đặc biệt. Thôn làng nằm cạnh sông Dương Tử, nơi hầu hết các hòn đá cuội nhiều màu nằm dọc hai bên bờ sông có nguồn gốc từ cao nguyên Thanh Tạng. Chúng bị dòng nước mạnh mẽ đẩy vào sông Dương Tử rồi được đưa xuống khu vực thôn Hà Gia Bá.
Đương nhiên, không phải đá nào cũng có giá trị, có một số khối đá không đáng giá một xu, một số đá lại có giá trị ngàn vàng. Vì vậy, điều này đòi hỏi một người có khả năng đánh giá cao và có kiến thức chuyên môn để phân biệt.
Cả thôn Hà Gia Bá, người dân chủ yếu làm những nghề xoay quanh đá. Mỗi người đều biết nhìn đá và hiểu đá. Nhiều người đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh to lớn mà những tảng đá mang đến cho họ, đồng thời sử dụng chuyên môn để phát tài, làm giàu.
Thời gian đầu, điều kiện của thôn Hà Gia Bá bình thường, chỉ hoàn toàn tập trung vào du lịch nhờ nhiều cảnh quan thiên nhiên. Tuy nhiên, dân làng Hà Gia Bá vẫn rất có đầu óc kinh doanh, họ không cố thủ du lịch đến cùng, mà là nghiên cứu ra một con đường làm giàu hơn từ du lịch: Rất nhiều người đến làng Hà Gia Bá du lịch, sẽ nhặt một ít đá. Những viên đá này không chỉ đẹp mà còn có giá trị kỷ niệm.
Vì vậy, thôn Hà Gia Bá bắt đầu khơi gợi khái niệm “kỳ thạch” (đá quý, kỳ lạ) đầy sức hút, cộng thêm phát triển du lịch, nhờ vậy mà rất nhiều người đổ xô đến vì nghe tiếng. Thôn Hà Gia Bá cũng mượn "buôn bán kỳ thạch" trở thành điểm du lịch nổi tiếng gần xa, thậm chí còn được gọi là "Đệ nhất kỳ thạch thôn của Trung Quốc".
Thôn dân chuyên môn đi nhặt đá, sau đó phân loại đá, đắt tiền và rẻ tiền được đặt riêng, đương nhiên cũng có một ít “trân phẩm” vô cùng đắt giá được cất giữ kín đáo, có khách đến thì chào mời rồi mới cho xem. Không ít người đến đây "nhặt" được khối đá tầm thường nhưng về thẩm định lại thành ra đá quý đắt tiền, thế là phát tài chỉ sau một đêm.
Dân làng Hà Gia Bá đều là "người nhặt đá", họ làm giàu từ nghề nhặt đá. Rất nhiều người trở thành phú hào, thay đổi thân phận, rời bỏ nơi đây, từ bỏ nghề này, lên thành phố sinh sống. Đương nhiên, cũng có nhiều người ở lại tiếp tục hành nghề, cha truyền con nối.
Không chỉ lựa đá ở nhà dân, dân làng cũng có thể đưa bạn đến sông Dương Tử để nhặt đá, trải nghiệm này lại càng thú vị hơn. Họ đào hoặc nhặt viên đá bất kỳ bên bờ sông, phân tích chất đá, hoa văn, màu sắc cho du khách. Nhiều người có đam mê “ngắm đá” hoặc chỉ đơn giản là thấy hay ho, kỳ lạ thì cũng lựa cho mình vài khối, vài viên mang về làm kỷ niệm, sưu tầm.
Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của thương mại điện tử, nhiều người dân ở thôn Hà Gia Bá cũng đã mở một số cửa hàng bán “kỳ thạch” trực tuyến. Hơn nữa họ còn rất chuyên nghiệp, không chịu bị thời đại công nghệ bỏ lại. Tất cả sản phẩm đá đều có hình ảnh, video rõ ràng để người xem, người mua có cái nhìn trực quan hơn, từ đó đánh giá chất đá có đủ xứng đáng chi tiền hay không.
Họ mở livestream để giới thiệu đá, giao tiếp với người mua trên sóng trực tuyến, đưa cái danh thôn Hà Gia Bá đi xa.
Nguồn: Sohu