Ngôi làng kỳ lạ giữa lòng Hà Nội: Không một ai gọi “bố”!

Nguyễn Long |

Nằm gần trung tâm Thủ đô, làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) vẫn giữ được những tập tục từ xa xưa giống như bao làng quê Việt Nam khác. Tuy nhiên, ở đây có một tục đặc biệt đó là không gọi cha là 'bố'.

Người dân và du khách thập phương đổ về đình làng Triều Khúc (xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) xem Lễ hội Triều Khúc. Ảnh minh họa

Người dân và du khách thập phương đổ về đình làng Triều Khúc (xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) xem Lễ hội Triều Khúc. Ảnh minh họa

"Nhà mình không có bố hả mẹ?"

Theo một vị cao niên trong làng Triều Khúc, tập tục này đã có từ hàng nghìn năm. Nó đã thành một thứ lệ làng, tuy không bắt buộc nhưng ai cũng nhất nhất làm theo.

"Mọi người có thể gọi bố là ba, cha hoặc thầy chứ không ai gọi là bố. Ngày xưa, con cái hay gọi bố mẹ là thầy, u nhưng bây giờ giới trẻ gọi là ba mẹ nhiều hơn", vị cao niên này cho hay. Những đứa trẻ từ khi bi bô tập nói đã được dạy gọi cha là "ba". Chị Lê Thị Hương (làng Triều Khúc) kể, con gái chị thường sử dụng từ "ba" thay từ "bố" trong bài văn của mình. 

Cô giáo có hỏi cháu là có tham khảo sách văn mẫu Nam bộ nào không, cần phải sửa hết "ba" thành "bố". "Lúc bé các con không hiểu, nhiều lúc còn hỏi "nhà mình không có bố hả mẹ" nên tôi phải giải thích cho con về tập tục của làng", chị Hương chia sẻ.

Không chỉ người làng Triều Khúc mà ngay cả những người dân đến thuê nhà hoặc mua đất xây nhà ở đây, sau một thời gian, khi biết đến thông lệ của làng cũng thay đổi cách gọi. 

"Tôi đến Triều Khúc mua nhà, sinh sống từ năm 2009 nhưng chưa nghe thấy ai gọi tiếng bố lần nào. Mãi về sau, tôi tìm hiểu mới biết được tục của làng không gọi bố là bố nên tôi đã dạy con gái tôi gọi tôi là ba. Tôi thấy gọi bố hay ba vẫn ý nghĩa như nhau. "Đất lề quê thói" nên mình cứ hòa đồng với mọi người", một người mua nhà ở làng Triều Khúc cho hay.

Gọi "bố" là phạm húy?

Theo các bậc cao niên trong làng, xưa kia, Triều Khúc là nơi Phùng Hưng đặt đại bản doanh để đánh thành Tống Bình. Ngày 10 tháng Giêng năm Nhâm Tuất (728), Phùng Hưng lên ngôi vua và mất năm Mậu Thìn 788. Ngài mất khiến nhân dân cảm thấy như mất cha, mất mẹ. 

Ngôi làng kỳ lạ giữa lòng Hà Nội: Không một ai gọi “bố”!- Ảnh 1.

Lễ hội rước kiệu “Bố Cái Đại Vương” ở làng Triều Khúc diễn ra từ ngày 10 đến 12 tháng Giêng hằng năm

Thời xưa gọi Cha là Bố, Mẹ là Cái nên người dân tôn hiệu Phùng Hưng là: Bố Cái Đại Vương. Để tỏ lòng thành kính và biết ơn ngài, dân làng Triều Khúc kiêng 4 chữ: Hưng - tên Ngài, An - tên con trai Ngài, Bố - là Cha và Cái - là Mẹ. 

"Trong Ngọc phả của làng vẫn ghi rõ phải kiêng 4 chữ đó. Dân làng Triều Khúc tuyệt đối không đặt tên con hay gọi tên những chữ này vì như thế là phạm húy, phải tội với Thành hoàng làng. Người khác đến Triều Khúc sẽ biết đến tục này, còn thay đổi cách gọi hay không thì tùy họ", ông Thiệp 70 tuổi, nhà ở gần đình làng Triều Khúc, cho biết.

Theo ông Thiệp, hàng xóm nhà ông có người cháu rể tên là Hưng, mỗi khi về nhà chơi, gia đình bên đó phải gọi lái đi là Hùng để không phạm húy. 

"Có nhà kinh doanh phòng trọ, các cháu sinh viên quê ở Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình… đến thuê, thi thoảng các cháu gọi điện về nhà mà cứ gọi bố là bố, chủ nhà nghe thấy cũng chấn chỉnh ngay. Tôi nghĩ là việc này không nên. Vì đây là tục làng, không nên áp đặt với những người bên ngoài", ông Thiệp cho hay.

Hằng năm, từ ngày 10 đến ngày 12 tháng Giêng Âm lịch, dân làng Triều Khúc tại tưng bừng mở hội và rước kiệu Ngài quanh làng. Trong lễ hội, điệu múa "con đĩ đánh bồng" - nam giả nữ để múa trống được nhiều người quan tâm. Đó là điệu múa do Bố Cái đại vương sáng tạo để mua vui cho binh lính đi đánh giặc xưa kia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại