Theo đó, vài chục năm về trước, người dân làng chài sống dựa vào sông nước. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, nguồn nước sông Cầu bị ô nhiễm nặng, tài nguyên trên sông cạn kiệt, vận tải đường thủy gặp khó khăn,… khiến cuộc sống của người dân nơi đây trở nên khó khăn.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Minh, một người dân thôn Nguyệt Đức cho biết, khoảng 15 năm về trước, nhiều người dân nơi đây chuyển từ việc đánh bắt thủy sản sang vận tải, khai thác cát sỏi. Vì thế, nhiều gia đình đã đầu tư, vay ngân hàng để mua thuyền tải trọng lớn.
"Trước gia đình tôi mua chiếc thuyền này với giá 50 triệu đồng để chở than, củi ở bến đem về bán cho bà con làng bên, thu nhập ổn định. Nhưng vài năm nay, mọi người chủ yếu dùng điện nên việc kinh doanh trở nên khó khăn", bà Minh cho hay.
Chiếc thuyền của bà Minh khoảng 10m2, khá cũ kĩ
Cũng theo bà Minh, chiếc thuyền của gia đình bà được chia làm 2 khoang, phía ngoài để than, củi, còn phía trong là nơi ngủ nghỉ. Mặc dù đã sống hơn 40 năm trên sông nước, nhưng mơ ước của bà là được lên bờ sinh sống.
"Sống trên thuyền khổ lắm, nhiều thứ bất tiện. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên tôi đành phải chấp nhận", bà Minh thở dài nói.
Dọc bờ sông Cầu, cách đó không xa là thuyền của gia đình bà Trần Thị Nghiên (SN 1953). Nơi đây được chia thành 1 phòng khách, 1 phòng ngủ và khu vực nấu nướng, vệ sinh.
"Sống trên thuyền tôi chỉ sợ bão và các tàu thuyền lớn đi qua không may va phải", bà Nghiên nói.
Cũng theo bà Nghiên, năm 2023, chiếc thuyền của con gái bà không may bị tàu lớn va phải, không thiệt hại về người nhưng thuyền hư hỏng nặng.
"Tàu họ va vào nhưng chỉ đền bù một phần, chủ yếu con gái tôi phải tự bỏ tiền ra để tu sửa", bà Nghiên chia sẻ.
Sát thuyền bà Nghiên là thuyền của gia đình chị Hoàng Thị Nhật (SN 1993, con dâu bà Nghiên). Chị Nhật cho biết, vợ chồng chị đầu tư khoảng 300 triệu đồng mua một chiếc thuyền tải trọng lớn để chở sỏi, cát và làm nơi ngủ nghỉ.
"Vài năm trước, chúng tôi vay lãi 300 triệu đồng để mua chiếc thuyền này. Được khoảng 2 năm thì khu vực này bị cấm hút cát, giờ tiền nợ chưa trả hết, thuyền chỉ đỗ ở đây thôi chứ không làm gì cả", chị Nhật chia sẻ.
Chiếc thuyền xuống cấp do nhiều năm chưa được tu sửa
Không gian sinh hoạt của gia đình chị Nhật
Chị Nhật dùng vợt để vớt các đồ vật không may bị rơi xuống sông
Chị Nhật chia sẻ, hiện thu nhập chính của gia đình chị từ việc đánh bắt cá. Thế nhưng, do khoản nợ vẫn chưa trả hết, gia đình đông con nên làm chẳng đủ ăn.
"Sống trên thuyền chật chội, gặp nhiều khó khăn. Mỗi khi mưa bão vợ chồng tôi phải chằng nóc thuyền, tránh bị bật", chị Nhật nói.
Cũng theo chị Nhật, mặc dù có hoàn cảnh khó khăn, nhưng vợ chồng chị vẫn luôn cố gắng cho con được đến trường.
Trước những khó khăn đó, chị Nhật cũng như những người dân thôn Nguyệt Đức vẫn luôn khao khát, ước mơ được lên bờ để “an cư lập nghiệp”.
Lối đi lại của người dân trên thuyền được bắc một tấm gỗ hoặc khung sắt
Nhiều gia đình phải dùng thuyền để đi lại
Người dân cột dây neo vào các gốc cây hoặc cột nhà để cố định thuyền
Nơi sinh hoạt của một hộ dân thôn Nguyệt Đức
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng thôn Nguyệt Đức cho biết, cả thôn hiện có 194 hộ dân, với gần 800 nhân khẩu. Hiện người dân nơi đây sinh sống chủ yếu bằng nghề vận tải và chài lưới.
"Trước có vài hộ gia đình trong thôn vận chuyển cát, sỏi, than,… tích góp được tiền thì mua đất xây nhà ở ven sông, nhưng đợt vừa rồi không may bị sạt lở, mất trắng. Còn lại mọi người đều sinh sống trên thuyền", ông Trung cho hay.
Cũng theo ông Trung, vài năm trước, người dân thôn Nguyệt Đức được xét nguyện vọng di chuyển vào khu tái định cư để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án còn nhiều vướng mắc do xã Vân Hà nằm trong hành lang thoát lũ.