Làng Đông Ngạc còn có tên nôm là làng Vẽ hay Kẻ Vẽ, ngày nay là phường Đông Ngạc nằm ở phía bắc quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) ở đầu nam cầu Thăng Long. Cũng như làng cổ Đường Lâm, làng Đông Ngạc vẫn gìn giữ được nét mộc mạc, nguyên sơ và yên bình sau 1.000 lịch sử, bất chấp quá trình đô thị hóa nhanh chóng.
Năm 2019, Tờ CNN của Mỹ từng miêu tả: "Ở ngoại ô thủ đô Hà Nội của Việt Nam, cách xa cung đường du lịch quen thuộc là Đông Ngạc, một 'làng bác học' 1.000 năm tuổi, hầu như không hề đổi thay trong nhiều thế kỷ.
Trong 20 năm qua, khi Hà Nội mở rộng và hiện đại hóa nhanh chóng, nhiều ngôi làng cổ nhất ở đây đã không còn giữ được nét cổ kính, xưa cũ. Nhưng nơi này thì không, và đây cũng chính là một phần khiến Đông Ngạc trở nên hấp dẫn đối với du khách lần đầu đặt chân đến".
"Làng Tiến sĩ" - địa danh gắn liền với nhiều thành tích xuất sắc về học thuật
Mặc dù chỉ là một ngôi làng nhỏ, năm xưa là nơi sinh sống của vỏn vẹn 1.000 người, nhưng Đông Ngạc vẫn sản sinh ra nhiều tài năng xuất chúng, đạt thành tích học tập cao. Vì vậy, nơi đây còn được nhiều người biết đến với cái tên "làng Tiến sĩ".
Theo thống kê vào thời nhà Nguyễn, Đông Ngạc hay còn gọi là Kẻ Vẽ là làng có truyền thống khoa bảng, đứng đầu cả nước với 21 vị Tiến sĩ văn, 1 Tiến sĩ võ, hàng chục Phó bảng và Cử nhân. Vì thế, người xưa thường có câu ca tụng: “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ”, để nói về thành tích đáng nể của ngôi làng này.
Nói về "quan" ở Kẻ Vẽ, không thể không nhắc đến những danh nhân nổi tiếng như Phan Trọng Phiên, Nguyễn Hữu Tạo, Hoàng Tăng Bí, Phạm Văn Trường, Hoàng Minh Giám... Năm 1910, cụ Hoàng Tăng Bí thi đỗ Phó bảng; ông Hoàng Minh Giám giữ nhiều chức vụ cao như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Văn hóa; hay nguyên Phó thủ tướng - Phạm Gia Khiêm, một người con nổi tiếng của đất Đông Ngạc, ông cũng là người có học vị Tiến sĩ.
Cho đến ngày nay, các gia đình ở đây giữ gìn truyền thống, cố gắng nuôi dạy con em mình trở thành những học sinh xuất sắc nhất, noi theo tấm gương sáng của cha ông. Truyền thống hiếu học làng Đông Ngạc thậm chí còn được tôn vinh thông qua kiến trúc của nó. Biểu tượng những cuốn sách được chạm khắc trên những cánh cổng lâu đời mà du khách có thể nhìn thấy khi đặt chân vào ngôi làng.
Gìn giữ được nét cổ kính sau cả nghìn năm
Giữa thủ đô tấp nập, nét cổ kính vẫn được gìn giữ qua cả nghìn năm là điều khiến làng Đông Ngạc trở nên hấp dẫn với bạn bè quốc tế. Đây cũng chính là điều gây ấn tượng với CNN, tờ báo bày tỏ: "Nét đẹp truyền thống nơi đây làm say đắm lòng người, khi bạn đi qua những con đường hẹp, được chào đón bằng những nụ cười và cái vẫy tay từ cư dân địa phương. Họ chia sẻ những món ăn như trà sen nóng hổi và bánh giò, hai đặc sản quen thuộc nhất tại địa phương".
Từng góc nhỏ nhuốm màu lịch sử của ngôi làng nghìn năm tuổi trên đất thủ đô (Ảnh: CNN)
Hiện nay, ở Đông Ngạc nhiều ngôi nhà cổ có tuổi đời hơn 100 năm, ngôi nhà cổ nhất được xây từ đầu những năm 1600. Thời gian như ngừng lại trên những mái ngói hàng trăm tuổi, những bức tường phủ đầy rêu phong của ngôi làng Tiến sĩ nức tiếng một thời.
Đình Đông Ngạc hay còn gọi là đình Vẽ được xem là trung tâm của làng. Trong gần 500 năm, nơi đây đã tổ chức các sự kiện quan trọng nhất của Đông Ngạc và hoạt động như một nơi thờ cúng. Đình được xây dựng vào nửa đầu những năm 1600, với cách thiết kế để nhìn từ trên cao giống như đầu của một con rồng. Sảnh thờ làm bằng gỗ lim tượng trưng cho phần chính giữa đầu rồng, cổng chính là mũi và hai giếng nước đóng vai trò là đôi mắt.
Sảnh chính trưng bày bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật quý giá thời Lê, bao gồm các chủ đề về nông nghiệp, ngư nghiệp, thương mại, nghệ thuật và văn học Việt Nam.
Từ năm 2016, Quận Bắc Từ Liêm bắt đầu đẩy mạnh phát triển du lịch tại đình cổ Đông Ngạc, nhưng vài năm trở lại đây địa điểm này mới bắt đầu được các bạn trẻ chú ý và tìm đến chụp ảnh check-in. Nhiều người dân trong làng cũng coi các ngôi đình, chùa như Văn Miếu thu nhỏ, thường đến thắp hương cầu cho con cháu trong những dịp thi cử quan trọng.
Đến với Đông Ngạc, du khách như được tìm về chốn bình yên, nhịp sống chậm lại để cảm nhận sâu sắc hơi thở văn hóa dân tộc. Đặc biệt là hiểu thêm về truyền thống hiếu học lâu đời của ngôi làng, với những tấm gương kiệt xuất trong lĩnh vực học thuật. Đây chắc chắn là một điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích tìm hiểu văn hóa truyền thống Việt Nam, hướng về cội nguồn và những nét đẹp xưa cũ.
(Tổng hợp)